Xây dựng thể chế vượt trội, chấp nhận rủi ro để phát triển công nghệ

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết sắp tới sẽ chú trọng xây dựng thể chế vượt trội, chấp nhận rủi ro để khuyến khích phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Trong bài tham luận của mình tại Đại hội Đảng XIII sáng 28/1, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt dành nhiều thời gian để nói đến tầm quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong việc thay đổi mô hình tăng trưởng.

Ông nhấn mạnh Việt Nam không thể dựa vào lao động giá rẻ, mà cần phát triển kinh tế dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

85% vũ khí được nghiên cứu trong nước

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, 5 năm qua, khoa học và công nghệ Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ và thành tựu nổi bật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp - TFP - giai đoạn 2016-2020 đã tăng lên 45,2% so với mức 33,58% của giai đoạn 2011-2015 là 33,6%.

Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đã tăng lên 5,8%/năm so với giai đoạn 2011-2015 là 4,3%/năm. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020.

 Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt. Ảnh: TTXVN.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt. Ảnh: TTXVN.

Trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2020, Việt Nam xếp hạng 42/131 nền kinh tế. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đầu trong nhóm 29 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được xếp hạng GII năm 2020. Trong 10 nước khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 3, sau Singapore và Malaysia.

Trong nông nghiệp, các nhà khoa học Việt Nam đã tạo được các giống cây trồng mới có năng suất và chất lượng vượt trội so với khu vực và thế giới. Khoa học và công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

Trong công nghiệp và dịch vụ, các chuyên gia công nghệ trong nước đã đủ năng lực thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí chính xác, siêu trường, siêu trọng, giàn khoan dầu khí tự nâng ở vùng nước sâu. Việt Nam có thể thiết kế, thi công các loại cầu vượt sông khẩu độ lớn, hầm đường bộ, nhà cao tầng, nhà máy nhiệt điện, thủy điện quy mô lớn.

Công nghệ thông tin và truyền thông thế hệ mới, công nghệ số được ứng dụng rộng trong các ngành dịch vụ ngân hàng, hàng không, bưu chính viễn thông. Nhiều công nghệ cao như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, mạng di động 5G đã và đang được phát triển.

Trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhiều công nghệ và kỹ thuật tiên tiến đã được áp dụng trong chẩn đoán và điều trị, giúp nâng cao rõ rệt chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, giảm chi phí cho người dân và xã hội. Việt Nam nằm trong top 3 nước ASEAN và 43 nước trên thế giới tự sản xuất được vaccine, rất thành công trong công tác phòng ngừa và thanh toán các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm…

Trong quốc phòng và an ninh quốc gia, đã thiết kế, chế tạo mới và cải tiến được nhiều loại vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật công nghệ cao; xây dựng được các hệ thống giám sát và kiểm soát an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng. Theo Bộ trưởng, 85% vũ khí trang bị kỹ thuật của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng là kết quả nghiên cứu trong nước, đáp ứng các yêu cầu tác chiến.

Cần phải đổi mới mô hình tăng trưởng

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhắc lại khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được khẳng định là động lực phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều văn kiện quan trọng như Cương lĩnh phát triển đất nước, các văn kiện, nghị quyết của Đảng, các đạo luật.

Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bắt kịp các quốc gia trên thế giới. Ảnh: TA.

Với mục tiêu này thì việc tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào vốn và lao động như trước đây sẽ không còn phù hợp bởi mô hình này còn rất ít dư địa, có xu hướng chững lại và có nguy cơ đưa nước ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các quốc gia trên thế giới.

Bởi vậy, trong giai đoạn tới, khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã trở thành một trong những xu hướng phát triển của thời đại, ông cho rằng Việt Nam cần phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay sang mô hình dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Qua đó mới có thể nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế để phát triển nhanh.

Xây dựng thể chế cho khoa học, công nghệ

Theo Bộ trưởng, trong thời gian tới, ngành khoa học và công nghệ sẽ làm tốt một số việc.

Đó là thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo như là cầu nối để khoa học - công nghệ phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội, qua đó tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việc này cũng góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh.

Ngành cũng sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó chú trọng đến việc xây dựng thể chế vượt trội và chấp nhận rủi ro trong hoạt động này. Bộ trưởng nhắc lại cần có nỗ lực toàn diện và đồng bộ để tháo gỡ các rào cản trong hệ thống luật pháp và chính sách.

Người đứng đầu ngành khoa học và công nghệ cũng nhấn mạnh sẽ thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm.

“Sẽ ưu tiên phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp”, ông nói.

Hiếu Công

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xay-dung-the-che-vuot-troi-chap-nhan-rui-ro-de-phat-trien-cong-nghe-post1178004.html