Xây dựng thành phố thông minh: Người giàu hay người nghèo bị ảnh hưởng?

Những công nghệ thành phố thông minh đang trở thành công cụ bí mật để tăng cường giám sát, tăng lợi nhuận doanh nghiệp và tệ nhất là kiểm soát xã hội.

Việc người dân có thực sự ẩn danh trong đám đông khi đi bộ trong thành phố hay không sẽ tùy thuộc vào việc thành phố đó có nghiêm túc trong việc bảo vệ sự riêng tư của họ hay không.

Việc người dân có thực sự ẩn danh trong đám đông khi đi bộ trong thành phố hay không sẽ tùy thuộc vào việc thành phố đó có nghiêm túc trong việc bảo vệ sự riêng tư của họ hay không.

Khi những trải nghiệm rất “đời” dần biến mất

Khi đi bộ trên đường phố của thành phố New York, Mỹ, bạn có thể hơi lo sợ về khả năng bị lạc trong đám đông. Giữa những đám đông người qua lại, mọi người có thể hòa nhập mà không bị chú ý.

Tuy nhiên, khi chính quyền các thành phố và các công ty theo đuổi giấc mơ về các thành phố thông minh, tạo ra các không gian đô thị siêu kết nối được thiết kế để mang lại sự hiệu quả và thuận tiện, những trải nghiệm như vậy ngày càng xa thực tế.

Trên tờ New York Times, ông Ben Green – tác giả cuốn sách “Thành phố đủ thông minh: đặt công nghệ về đúng chỗ để lấy lại tương lai đô thị của chúng ta”, cho hay, trên khắp thành phố New York của Mỹ hiện đã có hơn 1.700 ki-ốt LinkNYC được lắp đặt và hàng nghìn ki-ốt khác cũng đã được lên kế hoạch được triển khai trong thời gian tới. Các ki-ốt này cung cấp Wi-Fi công cộng, gọi điện thoại trong nước miễn phí và cổng sạc USB.

Tuy nhiên, các kiốt LinkNYC không chỉ là một dịch vụ công cộng. Chúng thuộc sở hữu và được điều hành bởi CityBridge - một liên doanh các công ty trong đó có Sidewalk Labs – một công ty cùng công ty mẹ Alphabet của Google).

Các ki-ốt này được trang bị các cảm biến và camera theo dõi chuyển động của mọi người trong khu vực lân cận. Khi bạn kết nối với các dịch vụ ở đây, mạng lưới sẽ ghi lại vị trí của bạn mỗi khi bạn di chuyển đến gần bán kính khoảng 4,5m xung quanh.

Dữ liệu có thể được sử dụng theo hướng bất lợi

Dù CityBridge khẳng định các thông tin đó là ẩn danh vì không bao gồm tên hoặc địa chỉ email của bạn nhưng trên thực tế, hệ thống thay vào đó đã ghi lại một mã định danh duy nhất cho mỗi thiết bị kết nối. Khi hàng triệu điểm dữ liệu này được thu thập và phân tích, các dữ liệu đó có thể được sử dụng để theo dõi động thái của mọi người, gợi ý những chi tiết riêng về cuộc sống của những người đó.

Nói cách khác, mạng Wi-Fi miễn phí này thu thập thông tin tương tự như chính Google: sử dụng dữ liệu để bán quảng cáo. Dan Doctoroff - Phó thị trưởng phụ trách về kinh tế, cấp dưới của Thị trưởng thứ 108 của thành phố New York Michael Bloomberg, hiện là người sáng lập và là CEO của Sidewalk Labs – trong phát biểu tại một hội nghị vào năm 2016 cũng từng tuyên bố công ty hy vọng sẽ kiếm được nhiều tiền từ việc này.

Trên khắp thành phố New York của Mỹ hiện đã có hơn 1.700 ki-ốt LinkNYC được lắp đặt và hàng nghìn ki-ốt khác cũng đã được lên kế hoạch được triển khai trong thời gian tới.

LinkNYC là ví dụ điển hình cho xu hướng tại các “thành phố thông minh” hiện nay: triển khai các công nghệ giúp mở rộng việc thu thập dữ liệu cá nhân của chính phủ và các doanh nghiệp. Chắc chắn, các dữ liệu này có thể được sử dụng để đưa đến những kết quả có lợi như giảm lưu lượng giao thông, cải thiện cơ sở hạ tầng và tiết kiệm năng lượng. Song, dữ liệu thu thập được cũng bao gồm những thông tin chi tiết về các hoạt động của mọi người trong thành phố - những dữ liệu có thể được sử dụng theo nhiều cách bất lợi.

Những công nghệ thành phố thông minh đang trở thành công cụ bí mật để tăng cường giám sát, tăng lợi nhuận doanh nghiệp và tệ nhất là kiểm soát xã hội.

Với chính quyền, các công nghệ thành phố thông minh giúp việc xác định và theo dõi các cá nhân của các lực lượng thực thi pháp luật địa phương và liên bang trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Ví dụ, cảnh sát có thể tạo và truy cập các hệ thống giám sát bằng cách thiết lập công nghệ của riêng họ hay hợp tác với các công ty và yêu cầu quyền truy cập dữ liệu, những đoạn phim do các công ty nắm giữ.

Chẳng hạn, tại Los Angeles, các công nghệ đọc biển số xe tự động đã ghi lại vị trí của hơn 230 triệu xe trong năm 2016 và 2017. Thông qua các thỏa thuận chia sẻ dữ liệu, các thông tin này được cho là đã được gửi tới Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan.

Tương tự, cảnh sát ở ngoại ô Portland, bang Oregon với hy vọng hỗ trợ điều tra tội phạm đã sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt Amazon để xác định hơn 1.000 người đã xuất hiện trong các cảnh quay camera.

Còn với các công ty muốn tăng quy mô và phạm vi dữ liệu họ thu thập về công chúng, thành phố thông minh chính là thứ giúp giấc mơ của họ trở thành sự thật. Các công ty thông qua việc lắp đặt các camera và cảm biến trên các ki-ốt Wi-Fi, thùng rác và đèn đường sẽ có được những thông tin về hành vi của các cá nhân mà họ vốn không có cách nào khác có thể lấy được.

Trong bối cảnh có rất nhiều đơn vị môi giới, dữ liệu của một công ty có thể dễ dàng rơi vào tay của các bên khác mà cộng đồng không hay biết hay không hề đồng ý. Tất cả các dữ liệu này có thể được sử dụng để khiến mọi người có thể không tiếp cận được vốn vay tín dụng, việc làm, nhà ở và chăm sóc sức khỏe mà không vi phạm luật chống phân biệt đối xử.

Người nghèo khó bị ảnh hưởng xấu nhất?

Một khi các công nghệ thành phố thông minh này được lắp đặt, hầu như không ai có thể tránh bị theo dõi. Các cảm biến sẽ giám sát hành vi của bất kỳ người nào có thiết bị được kết nối Bluetooth hoặc Wi-Fi. Trong bối cảnh phạm vi quan sát của các máy ảnh khá lớn và việc sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt ngày càng tăng như hiện nay, việc các cá nhân thoát khỏi khả năng bị theo dõi bằng cách từ bỏ công nghệ số ngày càng trở nên khó khả thi. Thực tế này cho thấy rằng nếu bạn muốn tránh bị theo dõi trong một thành phố thông minh, bạn phải tránh xa thành phố đó.

Một khi các công nghệ thành phố thông minh này được lắp đặt, hầu như không ai có thể tránh bị theo dõi.

Những người nghèo và người dân tộc thiểu số ở thành thị - những người vốn dễ bị theo dõi trực tuyến nhất – cũng chính là những người phải đối mặt với những tác hại nghiêm trọng nhất của tình trạng giám sát ở thành phố thông minh. Chẳng hạn, những người khá giả ở New York nếu không muốn LinkNYC theo dõi có thể từ bỏ Wi-Fi miễn phí để sử dụng gói dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, những người nghèo hơn có thể không có sự thay thế nào cho Wi-Fi miễn phí của LinkNYC và phải chấp nhận bị theo dõi để đổi lấy quyền truy cập này. Việc này có thể xem như khoản “thuế dữ liệu” mà người nghèo phải trả để sử dụng cơ sở hạ tầng cơ bản cần thiết để tham gia vào xã hội hiện đại.

Trong trường hợp này, các thành phố thông minh có thể cung cấp cho văn phòng phúc lợi xã hội, các cơ quan thực thi pháp luật, sử dụng lao động, những đơn vị môi giới dữ liệu và các bên khác một công cụ mới để giám sát và khai thác. Ví dụ, một người mẹ không có giấy tờ có thể bị đánh dấu để trục xuất vì bị nhận dạng có mặt tại một cuộc biểu tình bằng các cảnh quay camera. Một thiếu niên da đen có thể bị cảnh sát đưa vào danh sách theo dõi vì kết nối với hệ thống Wi-Fi công cộng thường được những người tiền án tiền sự sử dụng. Một người già có thể bị những kẻ cho vay nặng lãi săn lùng vì chiếc xe của ông được các ứng dụng đọc biển số tự động ghi lại khi đi vào hoặc ra khỏi một khu vực.

Thúc đẩy sự tham gia của người dân trong các quyết định

Để tạo ra các thành phố mà mọi người đều có thể đi qua mà không sợ bị giám sát hay lợi dụng, giải pháp chính là dân chủ hóa việc phát triển các thành phố thông minh và kiểm soát công nghệ. Để làm điều này, các đô thị phải cho phép công chúng có tiếng nói trong việc đưa ra các quyết định về phát triển, mua bán và sử dụng công nghệ.

Một số thành phố ở Mỹ đang đi đầu trong việc này. Ví dụ, khi Chicago phát triển dự án Array of Things với hàng trăm cảm biến được lắp đặt trên toàn thành phố để theo dõi các điều kiện môi trường như chất lượng không khí, giao thông cho người đi bộ và phương tiện và nhiệt độ, thành phố này đã tổ chức nhiều cuộc họp công khai và đưa ra các dự thảo chính sách để khuyến khích người dân thảo luận về cách thức để bảo vệ quyền riêng tư trong thành phố. Những cuộc thảo luận đó đã giúp định hình các chính sách và dẫn đến việc giảm đáng kể số lượng cảnh quay camera được giữ lại.

Cùng với đó, công chúng cũng phải có sự giám sát có với các công nghệ của thành phố. Hướng tới điều này, chính quyền Seattle; Oakland, California; và Cambridge, Massachusetts trong những năm gần đây đã thông qua các quy định về giám sát, theo đó yêu cầu mọi bộ phận trong chính quyền thành phố phải tổ chức các cuộc họp công khai và phải được Hội đồng thành phố chấp thuận trước khi triển khai bất kỳ công nghệ giám sát nào. Thành phố San Francisco vào tháng 5 vừa qua đã thông qua lệnh cấm hoàn toàn đối với việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt; các thành phố California của Oakland và Berkeley, Somerville cũng dự kiến sẽ áp dụng lệnh cấm tương tự.

Các thành phố cũng phải yêu cầu các công ty công nghệ tôn trọng quyền riêng tư của cộng đồng, đưa ra các tiêu chuẩn bảo mật trong quan hệ đối tác với các công ty. Thành phố Barcelona của Tây Ban Nha là đơn vị tiên phong trong vấn đề này khi tái cấu trúc hợp đồng với một số nhà cung cấp công nghệ lớn để tăng quyền sở hữu và kiểm soát dữ liệu công cộng. Bên cạnh đó, các thành phố cũng có thể nhấn mạnh quyền riêng tư như một điều kiện để một công ty vận hành các dịch vụ của họ trong thành phố.

Nhanh chóng trở thành một thành phố thông minh có thể đem đến hiệu quả mới trong công tác quản lý, điều hành, phát triển nhưng cũng có thể tạo ra các thành phố mà chính phủ và các công ty nắm sức mạnh to lớn trong việc khai thác và thao túng công chúng. Việc người dân có thực sự ẩn danh trong đám đông khi đi bộ trong thành phố hay không sẽ tùy thuộc vào việc thành phố đó có nghiêm túc trong việc bảo vệ sự riêng tư của họ hay không.

Minh Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/xay-dung-thanh-pho-thong-minh-nguoi-giau-hay-nguoi-ngheo-bi-anh-huong-486368.html