Xây dựng Thanh Hóa thành trung tâm y tế chất lượng cao của khu vực Bắc Trung Bộ

Ngày 20-4, đoàn công tác của Bộ Y tế do đồng chí Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa về kết quả công tác y tế năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021.

Toàn cảnh buổi làm việc .

Cùng tham gia đoàn công tác của Bộ Y tế có GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế; lãnh đạo các vụ, cục, viện và Văn phòng Bộ Y tế; các bệnh viện đầu ngành của Bộ Y tế.

Tiếp và làm việc với Đoàn công tác, về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Bá Oai, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế Trịnh Hữu Hùng báo cáo nêu rõ, trong bối cảnh dịch, bệnh COVID-19 ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình kinh tế - xã hội toàn cầu và của Việt Nam, Ngành Y tế Thanh Hóa vẫn đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, không để lây lan thứ phát ra cộng đồng, được Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đánh giá cao.

Giám đốc Sở Y tế Trịnh Hữu Hùng trình bày báo cáo tại buổi làm việc.

Trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, tỉnh Thanh Hóa luôn tập trung cao độ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện kịp thời, quyết liệt, sáng tạo, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Thanh Hóa cũng triển khai đồng bộ các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định; hoàn thành và tổng kết đánh giá kết quả thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại các huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn.

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản; công tác tổ chức cán bộ, đào tạo và nghiên cứu khoa học; ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế; công tác dược... được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực.

Nhiều kỹ thuật cao đã được ứng dụng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa mang lại tiện ích cho người bệnh.

Trong công tác khám, chữa bệnh các bệnh viện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh bảo đảm sự hài lòng của người dân. Hàng năm tỷ lệ hài lòng của người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập đạt trên 90%.

Các bệnh viện cũng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng kỹ thuật mới, kỹ thuật cao để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Trung bình mỗi năm có trên 100 kỹ thuật mới được áp dụng tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, nổi bật đã thực hiện thành công 12 ca ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa...

Thanh Hóa đã phê duyệt dự án lưu trữ hình ảnh y khoa tại các bệnh viện (PACS). Phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện Trung ương và đến nay đã có 10 bệnh viện vệ tinh; các bệnh viện hạt nhân đã chuyển giao gần 12 chuyên ngành cho các bệnh viện vệ tinh.

Cùng với đó, Thanh Hóa hết sức quan tâm củng cố mạng lưới y tế cơ sở. Hiện nay có 525 bác sĩ đang làm việc tại 559 trạm y tế; số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã sau khi sáp nhập địa giới hành chính đạt 95%. Ngành Y tế đã xây dựng và triển khai Đề án 1816 cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến tỉnh, huyện về hỗ trợ các trạm y tế nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh giai đoạn 2018-2020.

Năm 2021, Thanh Hóa đặt mục tiêu phát triển hệ thống y tế bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe; Kiểm soát tốt dịch bệnh, bệnh không lây nhiễm, thực hiện có hiệu quả và bền vững công tác dân số; Tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về y tế, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính y tế, đào tạo nhân lực y tế, xã hội hóa y tế; Nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiếp tục xây dựng cơ sở y tế “Xanh - Sạch - Đẹp”, kết hợp y dược cổ truyền với y học hiện đại; Củng cố hiệu quả hoạt động mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe; Tăng cường quản lý về lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm, vật tư trang thiết bị y tế...

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đã thông tin những nét cơ bản về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhấn mạnh mặc dù trong điều kiện còn khó khăn nhưng hệ thống khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân đã được quan tâm và đến thời điểm này là khá hoàn thiện từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch, bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19 vừa qua, bám sát chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với cả hệ thống chính trị, toàn Ngành Y tế Thanh Hóa đã tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh từ rất sớm và đã đạt được những kết quả quan trọng. Mặc dù là địa bàn có nguy cơ dịch xâm nhập và lây lan rất cao, nhưng Thanh Hóa đã kiểm soát và khống chế thành công dịch, bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe của người dân.

Thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Thanh Hóa đang bước vào giai đoạn phát triển mới với những khát vọng lớn lao, phấn đấu đến năm 2025 Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, trở thành một cực tăng trưởng ở phía Bắc của Tổ quốc và đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong đó, Ngành Y tế tập trung phát triển nhanh các dịch vụ y tế chất lượng cao, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm dịch vụ y tế kỹ thuật cao của khu vực. Nâng cao năng lực phòng, chống dịch, bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở; phát triển nguồn nhân lực y tế đạt trình độ cao.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Ngành Y tế Thanh Hóa cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Nguy cơ ca bệnh COVID-19 có thể xuất hiện trong cộng đồng rất lớn do Thanh Hóa có địa bàn rộng, phức tạp, tình trạng người nhập cảnh trái phép còn diễn ra. Nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, tiến tới hình thành trung tâm dịch vụ y tế chất lượng cao tại tỉnh còn hạn chế. Còn gặp vướng mắc trong việc thanh toán bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong thời gian vừa qua.

Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa luôn xác định y tế là một trong những trọng tâm ưu tiên phát triển nhằm đáp ứng tốt hơn công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho Nhân dân. Trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, cụ thể hóa vào những chương trình, kế hoạch để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển Ngành Y tế nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe Nhân dân.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh mong tiếp tục nhận được sự chỉ đạo, giúp đỡ từ đồng chí Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, các cục, vụ, viện của Bộ Y tế, các bệnh viện, trường đại học trực thuộc Bộ Y tế để Thanh Hóa sớm trở thành một trong những trung tâm dịch vụ y tế kỹ thuật cao của khu vực.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn công tác của Bộ Y tế đã phát biểu ý kiến qua đó định hướng cho Ngành Y tế Thanh Hóa xác định được hướng phát triển trong thời gian tới. Đồng thời giải đáp các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Thanh Hóa.

Đồng chí Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh Thanh Hóa trong lãnh đạo, chỉ đạo, đưa tỉnh Thanh Hóa có bước phát triển, tăng trưởng vượt bậc trong thời gian qua. Đồng thời tin tưởng Thanh Hóa sẽ sớm trở thành một cực tăng trưởng mới ở khu vực phía Bắc như Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) đã đề ra.

Bộ trưởng đã đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Thanh Hóa trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch COVID-19, là tỉnh đầu tiên phát hiện và chữa khỏi ca bệnh không để lây nhiễm trong cộng đồng. Trong lĩnh vực khám, chữa bệnh đã áp dụng nhiều kỹ thuật cao, triển khai được 12 ca ghép tạng, đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại… Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tiến triển, một số chỉ tiêu vượt kế hoạch giao. Đây là sự nỗ lực, cố gắng, quan tâm đầu tư của tỉnh và quá trình nỗ lực của toàn Ngành Y tế.

Về định hướng phát triển trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Y tế nhất trí với định hướng phát triển y tế của tỉnh khi đưa công tác y tế vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, coi y tế là 1 trong 5 trụ cột tăng trưởng.

Bộ Y tế đã tặng trang thiết bị y tế, trang thiết bị phòng, chống dịch cho tỉnh Thanh Hóa.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tặng Trống đồng cho Bộ trưởng Bộ Y tế và đoàn công tác.

Bộ trưởng đề nghị tỉnh cần phát triển đồng bộ hệ thống y tế, có quy hoạch tổng thể, căn cơ, phát triển y tế đúng với tinh thần nghị quyết đại hội Đảng.

Cụ thể, trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, phấn đấu đến năm 2024 xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đi trước, trở thành bệnh viện tuyến cuối, tiền đề để trở thành bệnh viện hạng đặc biệt; sau đó xây dựng Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Ung bướu và một số bệnh viện để người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao một cách đồng bộ.

Để làm được điều đó con người và kỹ thuật là yếu tố quan trọng cần phải đưa vào trong quy hoạch, kế hoạch phát triển, để có tầm nhìn dài hơn với mục tiêu cụ thể. Đặc biệt, cần thiết có nghị quyết riêng cho vấn đề phát triển y tế của tỉnh trong tương lai.

Tỉnh cũng cần có sự quy hoạch lại tổng thể mạng lưới y tế để bảo đảm phù hợp và không thiên lệch giữa các vùng; quan tâm lĩnh vực khám, chữa bệnh tại các vùng sâu, vùng xa, phát triển trung tâm y tế ở khu vực miền núi, đưa các bệnh viện ở các tuyến huyện phát triển tương đương bệnh viện tuyến tỉnh… để bảo đảm người dân được công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Bộ Y tế sẽ ưu tiên cho phát triển y tế cơ sở, vùng đồng bào dân tộc, vùng khó khăn từ đầu tư cơ sở vật chất đến đào tạo, các chương trình can thiệp y tế…

Về lĩnh vực y tế dự phòng cần quan tâm xây dựng phát triển hệ thống CDC đồng bộ, đủ mạnh để kiểm soát khống chế dịch bệnh.

Trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực sẽ phát triển Phân hiệu Đại học Y thành cơ sở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa để đào tạo nguồn nhân lực y tế cho tỉnh, cho khu vực.

Bộ Y tế cũng mong muốn tỉnh quan tâm nghiên cứu phát triển dược liệu, công nghiệp dược, gắn với xóa đói giảm nghèo và sinh kế của người dân. Bộ Y tế sẽ có hỗ trợ về chuyên môn, gắn kết các tập đoàn quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này.

Về đầu tư, ngoài quan tâm đầu tư y tế công, cần tăng cường xã hội hóa để thu hút thêm nguồn lực đầu tư cho y tế.

Những kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng Bộ Y tế ghi nhận và yêu cầu các cục, vụ, viện chức năng của Bộ Y tế cùng tỉnh trao đổi, tháo gỡ, cùng xây dựng Thanh Hóa trở thành trung tâm y tế chất lượng của khu vực.

Tô Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/xay-dung-thanh-hoa-thanh-trung-tam-y-te-chat-luong-cao-cua-khu-vuc-bac-trung-bo/135046.htm