Xây dựng tài nguyên giáo dục mở, đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của người lớn

Ngày 4/6, tại trường Đại học Mở Hà Nội, Hội khuyến học Việt Nam phối hợp với Bộ GD - ĐT tổ chức hội thảo khoa học 'Trường Đại học với việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở, đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của người lớn'.

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích trao đổi về các điều kiện cần có để xây dựng nền giáo dục mở và xây dựng tài nguyên giáo dục mở ở các trường đại học theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.

TS Trương Tiến Tùng - Hiệu trưởng trường Đại học Mở Hà Nội phát biểu tại hội thảo

TS Trương Tiến Tùng - Hiệu trưởng trường Đại học Mở Hà Nội phát biểu tại hội thảo

Nghị quyết 29 Trung ương khóa 12 chỉ rõ 7 vấn đề trong quan điểm chỉ đạo về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo hướng mở, thực học, thực nghiệp, liên thông, chuyển mạnh từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, chuyển từ đào tạo theo số lượng sang chất lượng, thực hiện dân chủ hóa, xã hội hóa giáo dục đào tạo. Đáng lưu ý là trong các giải pháp nhằm thực hiện Nghị quyết 29 thì giải pháp thứ 4 là phải hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Về phương diện giáo dục người lớn, cuộc vận động người lớn học tập suốt đời hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng nhân lực tại chỗ, tức là nhân lực đang hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh thuộc nền kinh tế quốc dân có tầm chiến lược quốc gia. Khái niệm người lớn ở đây là những người đã qua vòng giáo dục ban đầu và sẽ học tập suốt đời trong các thiết chế giáo dục tiếp tục, chủ yếu là học tập dưới các hình thức không chính quy và phi chính quy. Đó là những cán bộ, công chức, viên chức, công nhân kỹ thuật, nông dân và những lao động tự do cần đến những tri thức và kỹ năng hữu ích cho nghề nghiệp đang làm, hoặc để có thêm nghề, hoặc để có năng lực chuyển đổi nghề. Những tri thức và kỹ năng đó chỉ có trường đại học và cao đẳng mới đáp ứng được, bởi những gì người học có được tại trường phổ thông không ứng dụng được trong nghề nghiệp và việc làm hàng ngày. Giúp mọi người “ tăng vốn tri thức” là trách nhiệm của các trường đại học thông qua hệ thống giáo dục chính quy, không chính quy (giáo dục thường xuyên) và phi chính quy. Để học liên tục, học suốt đời, học ở bất cứ đâu thì các trường đại học phải có nguồn tài nguyên giáo dục mở phục vụ nhu cầu học tập nêu trên.

Cần phải thừa nhận và khẳng định rằng, người lao động nói chung ở nước ta còn nghèo nàn về tri thức (Knowledge poverty), những tri thức hiện có không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, không đủ sức để tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0. Nguyên nhân của sự nghèo nàn về tri thức và sự thiếu hụt năng lực thu lượm tri thức chủ yếu ở nền giáo dục khép kín, không mở ra những con đường thu gọn, tích tụ tri thức và những cơ chế chia sẻ tri thức, sự bình đẳng về cơ hội tiếp thu và giao lưu tri thức. Hiện tượng này làm xuất hiện những “khoảng cách tri thức” (Knowledge gap) giữa các cộng đồng dân cư, giữa các vùng kinh tế. Tài nguyên giáo dục mở chính là nguồn lực lấp đi sự nghèo nàn về tri thức. Tài nguyên này được chuyển tải trên mạng thông tin, phân phối đến từng người dùng, không có trở ngại về địa lý và hàng loạt rào cản khác sẽ nhanh chóng lấp đi các cái hố ngăn cách tri thức với người có nhu cầu về tri thức.

Trên thực tế, những tri thức trong các chương trình giáo dục người lớn thường chỉ chú ý đến những đối tượng là nông dân, dân nghèo nông thôn và thành thị cùng những người làm nghề tự do. Vì thế, những tri thức thường dừng lại ở mức độ phổ thông, không ứng dụng có hiệu quả cao đối với công việc sản xuất hàng ngày, đối với những việc làm đòi hỏi tính sáng tạo, tính độc đáo. Rất nhiều người học bị “cách ly” tri thức đại học. Các trường đại học tạo ra tài nguyên giáo dục mở sẽ giúp cho hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, bác sĩ, nhà kinh doanh ... có thêm học vấn để không bị cách ly hiện đại hóa.

Việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở để phục vụ cho người lớn có đầy đủ tư liệu học tập suốt đời phải nhằm vào 2 vấn đề lớn: Có kho tư liệu giáo dục càng lớn càng tốt dưới hình thức đầu tư phần mềm cho giáo dục thường xuyên, đồng thời phát huy tinh thần hiếu học của người học và tạo cho họ năng lực tự học với cách học hiện đại (phi truyền thống), sử dụng các công nghệ học tập để truy cập, tiếp cận, sử dụng, phổ biến, chia sẻ tri thức. Có tài nguyên giáo dục mở cho người lớn, nhưng cần kèm theo đó là một cơ chế chia sẻ tri thức từ tài nguyên giáo dục mở thì giá trị sử dụng và hiệu quả sử dụng các tri thức sẽ được nhân lên gấp bội.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 100 các nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên, doanh nghiệp của khu vực phía Bắc. Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc hiện đang tồn tại ảnh hưởng đến việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở ở các trường đại học và giải pháp tháo gỡ các rào cản; Trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục và trường đại học trong việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở phục vụ học tập suốt đời của người lớn; Đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phối hợp xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở giữa các trường đại học và các cơ sở giáo dục cộng đồng.

Ngọc Linh

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/xay-dung-tai-nguyen-giao-duc-mo-dap-ung-yeu-cau-hoc-tap-suot-doi-cua-nguoi-lon-d2067841.html