Xây dựng sâu rộng công tác hướng nghiệp trong trường THPT

Nằm trong chương trình 'Truyền thông nâng cao nhận thức của thanh niên và xã hội về học nghề lập nghiệp', T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội nghị cán bộ Đoàn trường THPT tại TP.HCM về nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông hướng nghiệp vào sáng nay (11.9).

Các cán bộ Đoàn THPT đặt câu hỏi tại hội nghị - Ảnh: Nguyên Mi

Qua đó, hội nghị cung cấp thông tin về truyền thông hướng nghiệp cho học sinh (HS) THPT, thảo luận các biện pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông hướng nghiệp cho HS, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ Đoàn trường THPT tham gia hỗ trợ truyền thông hướng nghiệp cho HS.

Trợ lý thanh niên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đóng góp ý kiến: Cần gắn các hoạt động hướng nghiệp cho HS vào hoạt động Đoàn trường. Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động hướng nghiệp ở quy mô lớn, cần chia nhỏ các hoạt động hướng nghiệp về từng chi đoàn ở lớp. Như thế sẽ nâng cao hiệu quả. Vì chính các em là thành viên trong lớp, trong chi đoàn nên biết rất rõ mình cần gì, muốn gì để đặt ra nội dung cần tập trung trong hoạt động hướng nghiệp. Đoàn trường sẽ tham mưu cho Ban giám hiệu hỗ trợ thông tin, tổ chức các buổi tham quan các làng nghề, công ty, nhà máy và các khoa -ngành của các trường ĐH,... để HS có cái nhìn cụ thể và được tiếp xúc thực tế với các lĩnh vực nghề nghiệp.

"Em đang học lớp 11, vậy em có nên được định hướng nghề nghiệp từ bây giờ không? Vì hiện ở trường chỉ định tư vấn hướng nghiệp cho các anh chị HS lớp 12", bạn Tô Hà Nghi, HS Trường THPT Trần Hưng Đạo (Q.Gò Vấp) thắc mắc.

Anh Lê Xuân Hoàng, trợ lý thanh niên Trường THPT Phan Châu Trinh, gợi ý: một HS THPT ngay khi vào lớp 10 đã phải có định hướng cho mình là tương lai làm gì thì mới có sự lựa chọn và tập trung học tập đúng đắn, nuôi mầm ước mơ của mình.

Còn bạn Huỳnh Gia Bảo thì lo lắng: "Làm thế nào để để phụ huynh (PH) lắng nghe ý kiến và mong muốn nghề nghiệp của HS tụi em? Vì ý kiến của ba mẹ là rất quan trọng trong việc chọn nghề của con cái, có khi đó là ý kiến quyết định?". Đó cũng là nỗi lòng của rất nhiều HS trước ngưỡng cửa chọn nghề nghiệp, con đường đi cho tương lai của mình.

Theo trợ lý thanh niên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong: "Khi tổ chức các hoạt động triển lãm hướng nghiệp, tư vấn hướng nghiệp tại trường thì nhà trường nên mời cả PH tham gia các hoạt động này. Vì việc chọn nghề của HS phụ thuộc rất nhiều và ý kiến, tư vấn và mong muốn của PH. Nhiều khi HS muốn học trường này, nghề này nhưng PH lại không hiểu, chưa nắm bắt được thực tế đào tạo ở trong nước và mong muốn của con nên "lái" con đi theo con đường khác.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần giúp HS thấy rõ năng lực bản thân. Vì nhiều lúc năng lực và sở thích nghề nghiệp không đồng hành. Phải hòa hợp giữa năng lực và sở thích thì mới có thể phát triển tốt nghề nghiệp mình đã chọn được. Không chỉ thế, công tác hướng nghiệp, hoạt động Đoàn phải có những định hướng tâm lý giúp các em "đề kháng" không sụp đổ khi thất bại trong kỳ thi ĐH".

Lắng nghe thắc mắc của HS - Ảnh: Nguyên Mi

"Hiến kế" cho hoạt động hướng nghiệp của Đoàn thanh niên, chị Nguyễn Ngọc Nhung, Phó bí thư Quận Đoàn Bình Tân, cho biết: "Nếu tổ chức hướng nghiệp cho một số lượng lớn đến cả ngàn HS trong một vài buổi thì hiệu quả sẽ không cao. Hoạt động hướng nghiệp nên chẻ nhỏ xuống từng đơn vị, thực hiện ở mỗi chi đoàn lớp.

Có thể cho HS ghi ý kiến mình muốn làm nghề gì. Sau đó, từng chi đoàn tổng hợp các ý kiến, mong muốn nghề nghiệp của lớp mình lại, rồi chia theo thành từng nhóm ngành. Nhà trường, Đoàn trường sẽ tìm trong lý lịch HS những PH đang hoạt động trong lĩnh vực, nghề nghiệp mà HS quan tâm. Sau đó, tổ chức cho từng nhóm HS theo từng nhóm nghề nghiệp mà mình mong muốn sẽ học được giao lưu, gặp gỡ với chính PH. PH của chính các em nói về nghề nghiệp của mình cho các em hiểu.

Việc hướng nghiệp cho HS có thể vận động thêm cả sự góp sức của cựu HS của các trường THPT đang hoạt động trong những ngành nghề khác nhau, có những người hiện đang rất thành đạt. Đó là hướng mở mà nhiều đoàn viên và những người làm công tác Đoàn đưa ra nhằm huy động nguồn lực xã hội vào hoạt động hướng nghiệp.

Tổ chức những buổi giao lưu với cựu HS như thế sẽ giúp các em HS đang ngồi trên ghế nhà trường THPT tiếp cận với nghề nghiệp qua những "người thật việc thật" gần gũi với mình. Những người được giao lưu, đối thoại đều hiểu tâm lý của nhau. HS sẽ dễ tiếp cận với các thông tin hướng nghiệp.

Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT

Năm học 2007-2008 có 405.500 HS tốt nghiệp THPT vào ĐH, CĐ (chiếm 43,8%); 280.903 HS vào THCN (chiếm 30,3%).

Năm học 2009-2010 tỉ lệ HS vào ĐH, CĐ là 44% (các nước tiên tiến chiếm khoảng 35%) và trên 30% vào THCN, học nghề.
Hơn 30% số HS tốt nghiệp THPT, THCS chưa biết đi về đâu, chọn học nghề gì cho phù hợp.

Tỉ lệ HS theo học các chương trình liên quan đến ngành nông, lâm, thủy sản tương đối thấp, chỉ khoảng 4%. Trong khi tỉ lệ lao động có việc làm trong lĩnh vực này chiếm đến 50,2% và tỉ lệ dân số vùng nông thôn là 72,56%.

Điều đó minh chứng cho việc chọn ngành nghề của HS chưa được định hướng gắn với đặc điểm kinh tế - xã hội và thị trường lao động địa phương.

Theo ông Đỗ Việt Hà, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực, Bộ GD-ĐT: Để định hướng nghề nghiệp cho HS, chúng ta phải biết từ đây đến 50 năm nữa ở đất nước ta cần phát triển nhân lực trong những ngành nghề gì, phân bố nhân lực ra sao. Trong ba tháng nữa Chính phủ sẽ công bố chiến lược phát triển ngành nghề và nhân lực quốc gia.

Ông Hà nhấn mạnh thêm về chủ trương của Bộ GD-ĐT: Trợ lý thanh niên, GVCN, giáo viên hướng nghiệp được phân công có thể là người hướng nghiệp. HS có quyền được hướng nghiệp từ rất sớm. Việc hướng nghiệp cho HS có thể thực hiện từ lớp 8. Trong chương trình đào tạo, hiện nay, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường lồng ghép việc hướng nghiệp cho HS vào ngay các môn học, khi giáo viên giảng bài trong môn học đó. Bên cạnh đó, nhà trường cần những buổi ngoại khóa, cuộc thi tìm hiểu về nghề nghiệp dành cho HS.

"Để công tác hướng nghiệp cho HS ngay từ khi đang học tại trường THPT thành công thì chắc chắn Đoàn thanh niên phải tham gia sâu rộng hơn, đặc biệt là vai trò của cán bộ Đoàn và trợ lý thanh niên trong trường học. Chúng ta sẽ kết nối cán bộ Đoàn và trợ lý thanh niên trên toàn quốc để tạo thành một đội ngũ tư vấn hướng nghiệp có năng lực. T.Ư Đoàn sẽ xây dựng các câu lạc bộ hướng nghiệp trong trường THPT. Các câu lạc bộ này sẽ giúp HS tự khám phá bản thân, nhận rõ mình thích hợp với nghề gì và muốn làm nghề gì. T.Ư Đoàn sẽ cung cấp đầy đủ kiến thức chung về ngành nghề và tuyển sinh cho HS, thanh niên", là kết luận của anh Nguyễn Hoàng Hiệp, Bí thư BCH TƯ Đoàn trong buổi hội nghị.

Năm 2009, điều tra khảo sát của Viện Khoa học giáo dục tại 5 tỉnh, thành về công tác hướng nghiệp, dạy nghề và phân luồng HS THPT cho thấy:

- 82% HS sau khi ra trường xác định thi vào ĐH-CĐ; 8% dự định thi vào các trường THCN, trường nghề.

- 70% HS dự định thi vào các ngành tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, bảo hiểm.

- 62% HS chọn nghề theo sở thích bản thân; 25% qua gia đình; 10% qua bạn bè và 3% qua nhà trường.

Nguyên Mi

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/xay-dung-sau-rong-cong-tac-huong-nghiep-trong-truong-thpt-172044.html