Xây dựng Sandbox cho lĩnh vực tài chính là nhu cầu cấp thiết

Xu hướng phát triển công nghệ tài chính (Fintech) rất nhanh và tất yếu nhưng vẫn tồn tại khoảng trống pháp lý trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam. Mặt khác, ngoài trung gian thanh toán, chưa có cơ sở pháp lý điều chỉnh hoạt động Fintech khác.

Đây là chia sẻ của ông Ngô Văn Đức, Phó trưởng Phòng Giám sát các hệ thống thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) tại Tọa đàm “Thúc đẩy triển khai cơ chế Sandbox trong kinh tế chia sẻ tại Việt Nam”.

Theo ông Ngô Văn Đức, cơ chế sandbox đối với hệ thống tài chính ngân hàng đang phát triển rất nhanh, hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam rất rộng khi ngày càng nhiều công ty tham gia, hoạt động chính trong lĩnh vực thanh toán.

 Ông Ngô Văn Đức, Phó trưởng Phòng Giám sát các hệ thống thanh toán (Ngân hàng Nhà nước).

Ông Ngô Văn Đức, Phó trưởng Phòng Giám sát các hệ thống thanh toán (Ngân hàng Nhà nước).

Cụ thể, đến nay có 30 tổ chức không phải ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, 24 ngân hàng triển khai thanh toán QR code, hơn 50.000 điểm điểm chấp nhận thanh toán QR code, 76 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán của Internet và 44 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán điện thoại di động. Điều này cho thấy xu hướng tất yếu của lĩnh vực Fintech tại Việt Nam.

Song cũng tồn tại một khoảng trống pháp lý trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam. Thứ nhất, thể chế quản lý hoạt động Fintech chưa được đề cập tại bất kỳ văn bản pháp lý nào. Thứ hai, chưa có quy định về đơn vị chuyên trách hỗ trợ, xử lý liên quan đến hoạt động Fintech. Thứ ba, ngoại trừ hoạt động trung gian thanh toán, cơ bản các hoạt động của Fintech chưa được quy định và điều chỉnh bởi các văn bản pháp chế hiện hành. Cuối cùng, các quy định pháp lý hiện hành liên quan đến nghiệp vủa của các tổ chức tín dụng chưa cho phép áp dụng các giải pháp công nghiệ hiện đại.

Do đó, việc xây dựng Sandbox cho lĩnh vực Fintech là nhu cầu cấp thiết, đặc biệt trong ngắn hạn khi chưa thể ngay lập tức xây dựng được một khuôn khổ pháp lý tổng thể. Trên thế giới, cơ chế Sandbox vẫn còn nhận ý kiến trái chiều chưa có sự thống nhất giữa các quốc gia. Trong khi có quốc gia cho rằng việc yêu cầu Fintech với đặc thù quy mô nhỏ, mới nghiên cứu ra các giải pháp thì việc đáp ứng được yêu cầu chặt chẽ của hoạt động ngân hàng là rất khó khăn. Nhiều quốc gia châu Âu lại đang quản lý rất chặt chẽ, đặt cao mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng.

Theo ông Đức, cơ chế quản lý này cần hướng đến mục tiêu các mục tiêu: Thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực hoạt động ngân hàng qua đó thúc đẩy mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân; Tạo tập môi trường thử nghiệm nhằm hoàn thiện và phát triển các giải pháp công nghệ tài chính, phù hợp với nhu cầu thị trường và khuôn khổ pháp lý; Hạn chế rủi ro xảy ra cho khách hàng khi tham gia sử dụng các dịch vụ Fintech chưa được cấp phép chính thức.

Chính phủ đồng ý thử nghiệm cơ chế sandbox trong mô hình kinh tế chia sẻ.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Việt Bình, đại diện CTCP Công nghệ và Dịch vụ Moca đã chia sẻ về những số liệu phát triển hợp tác chiến lược giữa Grab và Moca trong thời gian qua là rất tốt.

Cụ thể, chỉ trong nửa đầu 2019, tổng giá trị giao dịch qua ví Moca trên ứng dụng Grab tăng đến 150%; số người dùng tương tác hằng tháng (MAU) tăng hơn 70%, đều là người dùng thường xuyên, trung thành của Moca (quality users) với tần suất sử dụng ví rất cao. Tính đến tháng 9/2019, tỉ lệ giao dịch không dùng tiền mặt qua Moca trên ứng dụng Grab đã chiếm đến 42%. Số lượng người dùng Moca đã tăng 6 lần so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, số lượng ngân hàng liên kết trực tiếp với Moca trong năm 2019 cũng tăng gần gấp 2 lần so với năm 2018, giúp Moca có khả năng tiếp cận với 90% người dùng có sở hữu thẻ ATM tại Việt Nam.

Theo ông Bình, Moca nhiệt liệt ủng hộ việc ban hành cơ chế Sandbox trong lĩnh vực Fintech. Điều này cũng sẽ giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp Fintech, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đến các dịch vụ ngân hàng và dịch vụ tài chính toàn diện, thúc đẩy hướng đến xã hội không dùng tiền mặt theo định hướng chính sách không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ Việt Nam.

Về mặt quản lý, bên cạnh các quy định then chốt khác, Moca đề xuất cơ chế Sandbox sẽ có các quy định phân biệt giữa cách làm mới và ý tưởng hoàn toàn mới. Theo đó, đối với những cách làm mới khi thực thi các yêu cầu sẵn có, như eKYC, Sandbox sẽ chỉ tập trung đánh giá kiểm chứng về hiệu quả, độ tin cậy của phương pháp. Thời gian thử nghiệm có thể ngắn và có thể cho phép áp dụng ngay sau thời gian thử nghiệm.

Còn đối với những ý tưởng hoàn toàn mới như cho vay ngang hàng thì thời gian thử nghiệm cần dài hơn. Phương pháp và thời gian quản lý cũng cần cân bằng giữa quản lý và hiệu quả kinh tế để đảm bảo doanh nghiệp có thể đầu tư nguồn lực với tầm nhìn dài hạn, hơn là lợi dụng cơ chế Sandbox để khai thác lợi nhuận trong ngắn hạn.

Đông Nghi

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/y-kien/xay-dung-sandbox-cho-linh-vuc-tai-chinh-la-nhu-cau-cap-thiet-6463.html