Xây dựng sản phẩm 'Rượu cần Phú Túc'

Nắm bắt nhu cầu của thị trường, không ít hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã sản xuất rượu cần để bán, vừa có thu nhập vừa góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống các dân tộc miền núi. Ở thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) hiện nay không chỉ có các điểm du lịch sinh thái mà còn có cả làng rượu cần của đồng bào Cơ Tu... Năm 2018, rượu cần Phú Túc được chính quyền địa phương đăng ký thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2018-2020 của huyện và thành phố.

Điểm kinh doanh sản phẩm "Rượu cần Phú Túc" của ông Lê Văn Nghĩa.

Điểm kinh doanh sản phẩm "Rượu cần Phú Túc" của ông Lê Văn Nghĩa.

Già làng Cơ Tu Đinh Văn Trí khẳng định: "Nếu Đảng và Nhà nước không triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thì có lẽ 130 hộ dân nơi đây đã quên hẳn việc nhóm lửa bếp rượu cần mang đậm dấu ấn của núi rừng và thiên nhiên hoang dã". Cũng theo già Trí, sau khi thanh niên trong bản được tham quan, học tập sản xuất rượu cần tại H. Ea Leo (Đắc Lắc) theo Chương trình đào tạo nghề cho lao động miền núi, UBND xã Hòa Phú đã nung nấu việc xây dựng, bảo tồn và phát triển làng nghề sản xuất rượu cần. Sau đó, Tổ hợp tác sản xuất rượu cần được thành lập với dự kiến sản lượng 1.500 ché/năm. Việc này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng dân cư, đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, việc hệ trọng nhất là bảo đảm cho các sản phẩm thủ công của làng nghề ngày càng phát triển mà vẫn giữ được những đặc trưng truyền thống.

Bây giờ, dọc tuyến QL14G đoạn qua thôn Phú Túc, các hộ tham gia sản xuất rượu cần đã chủ động trưng bày, giới thiệu sản phẩm ngay trước cổng nhà mình với sản lượng gần 2.000 ché/năm (bao gồm các loại ché từ 4-18 lít, giá bán từ 200-800 ngàn đồng/ché). Ông Lê Văn Nghĩa - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Phú Túc cho biết, trước đây, người Cơ Tu chỉ xem rượu cần như một thức uống dành cho mùa lễ hội, chứ không hề nghĩ đến chuyện kinh doanh. Bây giờ, cùng với sự phát triển chung của xã hội, việc xây dựng thương hiệu "Rượu cần Phú Túc" đến với người tiêu dùng đang nằm trong tay lớp trẻ, họ là những người có kiến thức, đam mê với nghề và đặc biệt là có khát vọng vươn cao trong xã hội. Tương lai của làng nghề truyền thống sẽ khả quan nếu thanh niên làng nghề được khích lệ, được quan tâm đầu tư đúng mức. Sản xuất rượu cần không nặng nhọc nhưng lại được nhiều người ưa chuộng, những dịp lễ, tết, người trong làng sản xuất ra bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu. Bây giờ, các hộ cung ứng không chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng của các khu du lịch trên địa bàn, mà còn theo nhu cầu của khách phương xa nữa... Ông Nghĩa nhẩm tính, năm 2017, hộ ông sản xuất khoảng 1.200 ché các loại, trừ mọi chi phí ông lãi được hơn 35 triệu đồng. Thu nhập đó không hề nhỏ đối với người dân miền núi. Ở thời điểm này, các hộ Cơ Tu đang tất bật chuẩn bị các mẻ rượu cần nguyên liệu mới với dự kiến sản xuất 1.000 ché để kịp phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.

Sản phẩm rượu cần Phú Túc hiện nay không chỉ tiêu thụ gói gọn ở địa phương mà đã có mặt nhiều nơi, người dân Đà Nẵng đi xa mang làm quà tặng, nhiều khách du lịch từ Bắc chí Nam, khách nước ngoài đến với địa phương cũng thích thú thưởng thức rượu cần và không quên khi về cũng mua vài ché để tiếp tục say men với người thân. Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Tân, rượu cần Phú Túc đã được các ngành chức năng thành phố cấp Giấy chứng nhận hợp quy đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc xây dựng và phát triển làng nghề truyền thống là hướng đi không chỉ giúp người Cơ Tu bảo tồn, phát huy và quảng bá được nét văn hóa độc đáo với du khách bốn phương, mà còn mở ra một hướng đi tích cực về làm kinh tế, cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân miền núi.

VY HẬU

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_198683_.aspx