Xây dựng sản phẩm OCOP chuyên nghiệp

Sau 7 năm xây dựng và phát triển, Chương trình OCOP Quảng Ninh đã góp phần quan trọng chuyển đổi tư duy từ sản suất nông nghiệp thủ công, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ. Các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng tạo dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường, đem lại nguồn thu cao cho người sản xuất.

Sản phẩm trứng vịt biển Đồng Rui (huyện Tiên Yên) được bày bán tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2020.

Sản phẩm trứng vịt biển Đồng Rui (huyện Tiên Yên) được bày bán tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2020.

ĐẦU TƯ BÀI BẢN

Năm 2013, Quảng Ninh lần đầu tiên triển khai Chương trình "Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm" (Chương trình OCOP). Từ chỗ chỉ có vài chục sản phẩm "trình làng", đến nay tỉnh đã có 435 sản phẩm OCOP, trong đó có 191 sản phẩm đạt từ 3-5 sao, với 174 đơn vị doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất tham gia. Các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng được đầu tư hơn về chất lượng, mẫu mã.

Đơn cử như sản phẩm trứng vịt biển Đồng Rui (huyện Tiên Yên) trước đây chỉ phát triển theo hướng kinh tế hộ gia đình, nhỏ lẻ, nên việc đưa thương hiệu trứng vịt biển đến với người tiêu dùng còn hạn chế. Từ năm 2016, nhận thấy việc nuôi vịt biển đẻ trứng đem lại hiệu quả kinh tế cao, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, các hộ chăn nuôi đã thành lập HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Rui, giúp nhau quy trình chăn nuôi an toàn, bán sản phẩm với giá thống nhất.

Anh Vũ Tuấn Anh, Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Rui, cho biết: Các xã viên của HTX đã tuân thủ theo quy trình chăn thả ở rừng ngập mặn, vịt kiếm ăn trong môi trường tự nhiên. Chính quyền địa phương cũng giúp HTX rất nhiều trong việc xây dựng thương hiệu trứng vịt biển Đồng Rui, nhân rộng mô hình này theo hướng quản lý tập trung, hỗ trợ chăn nuôi vịt biển cho các hộ dân, hỗ trợ người dân làm thủ tục cấp giấy phép sản phẩm vệ sinh an toàn thực phẩm để cung cấp ra thị trường. Đến nay trứng vịt biển Đồng Rui đã trở thành sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh với đầy đủ bao bì, nguồn gốc xuất xứ, mã vạch, được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.

Để trở thành một sản phẩm mang thương hiệu OCOP, sản phẩm đó phải đảm bảo rất nhiều tiêu chí, trong đó quan trọng nhất là yếu tố đảm bảo chất lượng, vệ sinh, có nguồn gốc. Muốn làm được điều này, việc xây dựng một quy trình sản xuất chuyên nghiệp theo hướng hàng hóa là giải pháp hiệu quả nhất. Tỉnh đã dành nguồn lực hỗ trợ cho các đơn vị tham gia Chương trình OCOP cải tiến dây chuyền sản xuất, đổi mới mẫu mã bao bì sản phẩm.

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh đầu tư thiết bị hiện đại trong chế biến sản phẩm.

Chị Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh, cho biết: Nhờ các cơ chế hỗ trợ của tỉnh về vay vốn, ứng dụng KHCN, xúc tiến sản phẩm… Công ty đã nỗ lực từng bước nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất; đầu tư xây dựng nhà xưởng với dây chuyền hiện đại; nghiên cứu, thay đổi mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đến nay Công ty đã có 2/9 sản phẩm đạt 5 sao. Thời gian tới Công ty dự kiến xuất khẩu sản phẩm đến những thị trường khó tính như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).

TIẾP TỤC TẠO DỰNG VỊ THẾ

Đến nay sản phẩm OCOP Quảng Ninh đã trở thành thương hiệu tin cậy đối với người tiêu dùng. Minh chứng rõ nhất là những kỳ hội chợ OCOP, tuần lễ kết nối sản phẩm của tỉnh, luôn thu hút đông đảo người dân, du khách tham quan, mua sắm.

Trong năm 2019, tỉnh đã tổ chức 6 hội chợ OCOP kết hợp thương mại tại các địa phương, 2 hội chợ OCOP cấp tỉnh. Lượng người dân, du khách tham quan, mua sắm đạt gần 1 triệu lượt/hội chợ, doanh thu từ 8-10 tỷ đồng/hội chợ. Tỉnh còn tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng tại 11 hội nghị, hội chợ trong và ngoài nước.

Sản phẩm ruốc hàu của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Từ đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến nay tỉnh mới tổ chức được 2 hội chợ cấp tỉnh là: Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Xuân 2020, Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2020, thu hút đông đảo người dân, du khách, doanh thu từ 10-12 tỷ đồng/hội chợ. Mới đây nhất là Tuần xúc tiến giới thiệu tiêu thụ sản phẩm OCOP Quảng Ninh, thu hút hàng nghìn lượt người dân tới tham quan, mua sắm.

Nhiều sản phẩm OCOP đã được vào các hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm lớn trong tỉnh, trong nước. Được thị trường đón nhận cũng là động lực để các doanh nghiệp OCOP không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng chuyên nghiệp hóa.

Ông Vũ Thành Long, Trưởng Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh, cho biết: Để các sản phẩm OCOP Quảng Ninh ngày càng phát triển, tạo sự đột phá trong sản xuất, kinh doanh, Ban sẽ tăng cường tuyên truyền phát triển sản phẩm mới theo chu trình OCOP “sản phẩm chuyên nghiệp”; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm chấm điểm, nhằm nâng cao chất lượng công tác đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP hằng năm. Đồng thời hướng dẫn, vận động, hỗ trợ các tổ chức sản xuất sản phẩm OCOP mạnh dạn thi nâng hạng sao cho sản phẩm; tập huấn cho các đối tượng đăng ký sản phẩm mới về xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa trên các ý tưởng sản phẩm đã được chọn. Tổ chức thẩm định, xét chọn các kế hoạch kinh doanh tốt để hỗ trợ phát triển sản xuất. Tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp các sản phẩm đã có thông qua các hoạt động tư vấn, tập huấn, đào tạo, học tập kinh nghiệm, tư vấn chuyển giao công nghệ trong chế biến sản phẩm OCOP.

Minh Đức

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202007/xay-dung-san-pham-ocop-chuyen-nghiep-2492562/