Xây dựng sản phẩm OCOP chủ lực

Để chương trình OCOP phát triển theo chiều sâu, những năm qua, Quảng Ninh luôn chú trọng tạo điều kiện hỗ trợ các địa phương, tổ chức kinh tế nâng cao chất lượng sản phẩm thuộc danh mục OCOP; phát triển nhóm sản phẩm tiềm năng, định hướng nhóm sản phẩm cấp tỉnh, cấp quốc gia. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Từ năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 3401/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh và định hướng sản phẩm OCOP cấp quốc gia giai đoạn 2018-2020.

Theo đó, có 6 sản phẩm, chuỗi sản phẩm định hướng cấp quốc gia, gồm: Du lịch làng quê Yên Đức và các sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa làng quê; gốm sứ mỹ nghệ; nước khoáng thiên nhiên Quang Hanh và các sản phẩm từ nước khoáng Quang Hanh; mực và các sản phẩm từ mực; ngọc trai Hạ Long và các sản phẩm chế tác từ ngọc trai; lợn Móng Cái và các sản phẩm từ lợn Móng Cái. Cùng với đó là 12 sản phẩm khác được lựa chọn xây dựng chuỗi sản phẩm định hướng chủ lực cấp tỉnh.

Lợn Móng Cái và các sản phẩm từ lợn Móng Cái là một trong 6 sản phẩm OCOP định hướng cấp quốc gia. Trong ảnh: Gian hàng thịt lợn OCOP của TP Móng Cái tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh Xuân 2020 tấp nập khách tham quan, mua sắm.

Lợn Móng Cái và các sản phẩm từ lợn Móng Cái là một trong 6 sản phẩm OCOP định hướng cấp quốc gia. Trong ảnh: Gian hàng thịt lợn OCOP của TP Móng Cái tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh Xuân 2020 tấp nập khách tham quan, mua sắm.

Trên cơ sở đó, các nhiệm vụ cụ thể, thời gian thực hiện và trách nhiệm của các cơ quan liên quan, nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác trong việc triển khai phát triển sản phẩm OCOP chủ lực được xác định rõ. Các tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm được cụ thể hóa để triển khai đồng bộ.

Sở NN&PTNT được giao là đơn vị chủ trì chỉ đạo triển khai phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh và định hướng cấp quốc gia; đặc biệt là xây dựng kế hoạch, dự án chi tiết; ban hành chính sách hỗ trợ; chỉ đạo xây dựng dự án lồng ghép các dự án kinh tế tại các địa phương. Trong năm 2019, Sở đã tổ chức thẩm định các dự án phát triển sản xuất của các doanh nghiệp, HTX và cơ sở sản xuất tham gia sản xuất các sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Qua đó, mục tiêu là nhằm tạo động lực mạnh mẽ cho các sản phẩm, chuỗi sản phẩm ngày càng nâng cao về chất lượng, đảm bảo số lượng, hoàn thiện về mẫu mã, chuẩn hóa về bao bì. Từ đó có đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong, ngoài tỉnh và cả những tiêu chuẩn khắt khe hơn tại thị trường quốc tế.

Từ định hướng này, các địa phương chủ động bám sát các quy trình trong Chương trình OCOP để hỗ trợ, tư vấn, áp dụng hiệu quả các cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp không ngừng hoàn thiện sản phẩm.

Đồng thời, công tác kiểm tra, rà soát cũng phải được tổ chức thường xuyên, sát sao để kịp thời báo cáo tỉnh những khó khăn tại cơ sở để được nghiên cứu, có biện pháp tháo gỡ.

Như vậy, các sản phẩm tham gia “sân chơi” OCOP mới có thể duy trì được chứng nhận đạt sao, giữ vững sức cạnh tranh cũng như niềm tin của người tiêu dùng. Về lâu dài hơn sẽ là phấn đấu nâng hạng đánh giá, từng bước đáp ứng được bộ tiêu chí xác định các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và quốc gia.

Sản phẩm dược liệu từ nhân trần, ba kích trồng tại Ba Chẽ được Công ty CP Dược vật tư y tế Quảng Ninh chế biến, sản xuất. Ảnh: Nguyễn Hoa

Đơn cử như tại huyện Ba Chẽ, hiện đã có 3 doanh nghiệp xây dựng dự án, quy hoạch chi tiết về đầu tư phát triển dược liệu tại địa phương; các thủ tục thuê đất cũng đang được hoàn thiện theo quy định. Cụ thể gồm: Công ty Cổ phần Phú Khang HT có dự án trồng và chế biến cây dược liệu tại xã Thanh Sơn; Công ty CP Đầu tư Kỷ tâm than Hà Tu có dự án trung tâm chăn nuôi, trồng cây lâm sản và đặc sản ngoài gỗ; Công ty CP Dược, vật tư y tế Quảng Ninh có dự án trồng và chế biến dược liệu tại xã Minh Cầm.

Hiện nay các doanh nghiệp đã xây dựng xong dự án, quy hoạch chi tiết và đang hoàn thiện thủ tục thuê đất theo quy định. Còn tại Tiên Yên đã triển khai được 12 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó hỗ trợ 10 cơ sở chăn nuôi giống gà Tiên Yên thương phẩm...

Năm 2020 là năm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chương trình OCOP Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020. Nhiệm vụ xây dựng và triển khai các dự án sản phẩm chuyên nghiệp tiếp tục được tập trung triển khai từ các khâu nâng cấp sản phẩm, nâng cấp chuỗi giá trị. Từ đó, có thể lựa chọn được các sản phẩm tiêu chuẩn 5 sao cấp tỉnh và các sản phẩm có tiềm năng để phát triển thành sản phẩm cấp quốc gia.

Hoàng Giang

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202002/xay-dung-san-pham-ocop-chu-luc-2472416/