Xây dựng sàn giao dịch heo, tái cơ cấu ngành chăn nuôi

Thực hiện chủ trương của UBND TPHCM về việc xây dựng các đề án, chương trình trọng điểm của TP, năm 2019, ngành công thương cùng đại diện các sở ngành chức năng và các chợ đầu mối đã tổ chức đoàn khảo sát, nghiên cứu học tập kinh nghiệm xây dựng sàn giao dịch heo tại Đài Loan.

Kết quả chuyến đi cho thấy, Đài Loan là một vùng lãnh thổ có nền nông nghiệp với xuất phát điểm khá tương đồng Việt Nam. Riêng TPHCM đã hội đủ các điều kiện tiến hành xây dựng sàn giao dịch heo để tái cơ cấu ngành chăn nuôi, giết mổ và phân phối theo hướng hiện đại, văn minh.

Sàn giao dịch heo đi vào hoạt động giúp người tiêu dùng mua thịt chuẩn hóa về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: CAO THĂNG

Sàn giao dịch heo đi vào hoạt động giúp người tiêu dùng mua thịt chuẩn hóa về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: CAO THĂNG

Giá trị giao dịch đạt 750 triệu USD/năm

Theo số liệu từ Sở Công thương TPHCM, thị trường TP giao dịch bình quân 10.000 con heo/ngày đã đạt quy mô lớn với tổng giá trị lên đến 17.000 tỷ đồng, tương đương 750 triệu USD/năm. Con số này cho thấy, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tươi sống nói chung và thịt heo nói riêng tại TPHCM rất cao, nhưng hiện chưa có chuẩn quy cách đồng bộ trong chăn nuôi, giết mổ, mua bán thịt heo. Phần lớn heo vẫn được giết mổ thủ công, không bảo đảm vệ sinh dịch tễ, an toàn thực phẩm (ATTP); mua bán truyền thống là chính; vận chuyển còn thô sơ, đơn giản; điều kiện bảo quản kho lạnh còn yếu kém. Khi nào chưa thay đổi quy trình theo phương thức kinh doanh mới thì thương lái vẫn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng thịt heo. Người chăn nuôi yếu thế, có hàng nhưng không quyết định được giá, người tiêu dùng thì giá bán lẻ sao mua vậy nên bị động. Thông tin từ sản xuất, mua bán đến người tiêu dùng còn chưa minh bạch, thiếu quy hoạch. Các khâu cung ứng rời rạc, không tạo thành chuỗi sẽ khó quản lý các chủ thể.

Do vậy, việc xây dựng sàn giao dịch heo sẽ chuẩn hóa được chất lượng và ATTP, khắc phục phần lớn nhược điểm mặt hàng thịt heo đang phân phối trên địa bàn TPHCM. Sàn giao dịch có thể tập hợp, thống kê tương đối đầy đủ số liệu hoạt động chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh thịt heo trên địa bàn TP và các tỉnh thành lân cận để làm cơ sở phân tích, đánh giá, đối chiếu với các yêu cầu tối thiểu cần thiết cho việc tham gia và vận hành sàn giao dịch. Với cách làm này, TP sẽ sắp xếp lại việc chăn nuôi, mua bán heo để tạo giá trị gia tăng cao cho mặt hàng này trong thời gian tới, tránh tình trạng “được mùa thì rớt giá” và ngược lại.

Định hướng sàn giao dịch heo phải kết nối được các chủ thể quan trọng trong chuỗi cung ứng, nhất là chủ thể chăn nuôi, chủ thể giết mổ và thương nhân chợ đầu mối; tiến tới chấm dứt lò giết mổ thủ công, tập trung giết mổ công nghiệp đảm bảo ATTP, đưa sản phẩm thịt heo chất lượng đến người tiêu dùng với giá hợp lý. Điều quan trọng, sàn giao dịch là nơi hoạt động tập trung nên giá cả sẽ do sàn quyết định, không phụ thuộc vào thương lái. Heo đạt chất lượng mới được đưa lên sàn, không sẽ bị loại ngay từ đầu. Chất lượng heo sẽ do một cơ quan giám định độc lập thực hiện. TPHCM cũng đã có sẵn dữ liệu từ đề án truy xuất nguồn gốc đầy đủ, phong phú, nên việc xây dựng sàn giao dịch heo đang gặp nhiều thuận lợi hơn.

Kinh nghiệm từ Đài Loan

Chia sẻ từ chuyến đi thực tế, ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính tổng hợp Sở Công thương TPHCM, cho biết, quá trình hình thành và phát triển ngành nông nghiệp Đài Loan có nhiều đặc điểm tương đồng với Việt Nam. Hoạt động sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số; các chính sách về thực hành sản xuất tốt đã được nhà nước quan tâm, hỗ trợ và đang trong quá trình hoàn thiện, tuy nhiên mức độ tự nguyện tự giác tham gia của người nông dân còn trong chừng mực. Tâm lý này của nông dân Đài Loan rất giống với tâm lý của nông dân Việt nam, chỉ khi có những yêu cầu của người mua hoặc trở thành tiêu chuẩn hàng hóa bắt buộc để đủ điều kiện giao dịch qua sàn đấu giá hoặc trở thành tiêu chuẩn của ngành nông nghiệp thì nông dân mới thực hiện.

Sàn giao dịch nông sản thực phẩm là hình thức giao dịch chủ yếu, phổ biến tại Đài Loan và được triển khai thành công từ nhiều năm qua. Đài Loan có Luật Giao dịch nông sản; hiện có 23 sàn giao dịch nông sản các loại. Sàn giao dịch thực hiện công bố giá công khai và phổ biến rộng rãi, điều kiện thanh toán tại sàn giao dịch được đảm bảo giúp các chủ thể yên tâm tham gia.

Đối với mặt hàng heo, Đài Loan có 2 mô hình sàn giao dịch heo giống và heo thịt. Người chăn nuôi giao dịch bán heo hơi trực tiếp (heo sống chưa giết mổ) qua sàn đấu giá cho các cơ sở giết mổ. Tại sàn, người mua trực tiếp xem, đánh giá chất lượng heo và quyết định giá mua. Thị trường không tồn tại lực lượng thương lái. 85% heo được giao dịch thông qua sàn, 15% còn lại được vận chuyển trực tiếp đến cơ sở giết mổ (do có sự thỏa thuận giá giữa bên bán và bên mua), 30% thịt heo kinh doanh trên thị trường là đông lạnh, 70% là thịt nóng, sản lượng tiêu thụ khoảng 20.000 con heo/ngày, giá bán bình quân tại thời điểm khảo sát là 3 USD/kg heo hơi.

Công ty Sàn giao dịch được thành lập theo hình thức công ty cổ phần có góp vốn của nhà nước, giá bán sản phẩm của cả nước tham khảo giá của phiên đấu giá mới nhất (±20% tùy theo chất lượng thịt và thỏa thuận mua bán).

Điều kiện để tham gia sàn giao dịch là người nông dân phải đăng ký kinh doanh tại Hội Nông dân. Để khuyến khích người nông dân tham gia sản xuất áp dụng công nghệ hiện đại, đạt chuẩn TaiwanGAP, nhà nước hỗ trợ mua phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc trừ sâu… (đối với người sản xuất nông nghiệp); tham gia TaiwanGAP, Organic, truy xuất nguồn gốc sẽ hỗ trợ bao bì, đóng gói, thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất (đối với người sản xuất, trồng trọt). Đối với ngành hàng thịt heo, hỗ trợ trang thiết bị dùng cho chuỗi cung ứng lạnh.

Ông Phương cho biết thêm, mô hình sàn giao dịch heo hơi của Đài Loan với cách bố trí địa điểm, phương thức giao dịch trực tiếp và tổ chức chưa hoàn toàn phù hợp thực tiễn chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún và phân tán của Việt Nam. Các cơ sở giết mổ đều là thủ công; vai trò của lực lượng thương lái chi phối rất lớn; vấn đề quản lý, kiểm soát dịch bệnh và logistics còn thiếu đồng bộ, cắt khúc theo địa giới hành chánh; ý thức chấp hành và tuân thủ các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm của các chủ thể liên quan chưa cao.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có một số tiền đề thuận lợi, đó là đã hình thành các chợ đầu mối tập trung nói chung và 2 chợ đầu mối thịt heo nói riêng, hiện cung cấp 80% nhu cầu tiêu thụ của TP. Các chợ đầu mối này nếu được đầu tư nâng cấp sẽ chuyển từ giao dịch truyền thống sang giao dịch dưới hình thức sàn đấu giá. Mặt khác, việc triển khai đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo vừa qua đã tạo được những chuyển biến tốt, đồng thời giúp có những cơ sở dữ liệu tập trung rất tốt và đầy đủ về ngưởi bán, người mua, các cơ sở giết mổ, cũng như các chủ thể khác có liên quan… Ngoài ra, TP đang quyết tâm rất lớn, đến 2020 sẽ chuyển đổi tất cả các cơ sở giết mổ thủ công thành các cơ sở giết mổ công nghiệp. Đây là những điều kiện cơ bản cần có để tổ chức sàn giao dịch đấu giá heo nói riêng và nông sản nói chung.

UYỂN NHƯ

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xay-dung-san-giao-dich-heo-tai-co-cau-nganh-chan-nuoi-665183.html