Xây dựng quy tắc chung cho các thành phố lịch sử

(Chinhphu.vn) - Hội nghị toàn thể các thành phố lịch sử thế giới lần thứ 13, diễn ra từ 16 - 18/4, tại thành phố Huế, với chủ đề “Xác định các thách thức mang tính phổ quát của di sản và các giải pháp”, thu hút hơn 300 đại biểu đến từ 32 thành phố của 16 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Ảnh: VGP/Thế Dương

Trong đó, diễn đàn chuyên đề “Nhận thức và hành động của giới trẻ trong việc phát huy các giá trị di sản và văn hóa truyền thống” đã thu hút nhiều ý kiến của các thanh niên, sinh viên đến từ Thành đoàn Huế, Đại học Huế, Đại học Bukkyo (Kyoto, Nhật Bản), thành phố Konya (Thổ Nhĩ Kỳ)... chia sẻ và thảo luận nhiều kinh nghiệm trong việc huy động tuổi trẻ xung kích phát huy giá trị di sản.

Những đại diện của thế hệ trẻ từ các thành phố lịch sử trên thế giới đã ra tuyên bố chung thể hiện sự tôn trọng, mong muốn chung tay cùng nhau bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa với khẩu hiệu “thống nhất trong sự đa dạng”.

Từ thách thức đối với vấn đề di sản công nghiệp, một vấn đề nghiên cứu thực tiễn còn hết sức mới đối với Việt Nam, các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc đem đến hội nghị các giải pháp đã và đang được áp dụng thành công cho công tác bảo tồn các thành phố như Kyoto (Nhật Bản), Bursa (Thổ Nhĩ Kỳ) và Gyeongju (Hàn Quốc), cũng như kinh nghiệm bảo tồn và phát huy di sản công nghiệp ở một số thành phố tiêu biểu trên thế giới.

Đây chính là những kinh nghiệm quý báu để các thành phố tham khảo trong quá trình xây dựng các chính sách, lộ trình cho công tác bảo tồn các di sản văn hóa và di sản công nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển phồn thịnh của các thành phố, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Tại Hội thảo bàn tròn dành cho các thị trưởng và đại diện các thành phố lịch sử chia sẻ kinh nghiệm về chính sách và hoạt động thực tiễn của chính quyền địa phương đã thu hút 12 tham luận.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh đến thực tế các thành phố lịch sử trên thế giới đang đối mặt với nhu cầu phát triển đô thị, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và kỹ thuật hóa… ảnh hưởng đến các công trình văn hóa di sản của mỗi thành phố. Do vậy, công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản là tối cần thiết nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực đến công tác bảo tồn.

Trên cơ sở các diễn đàn, hội thảo được tổ chức, Hội nghị toàn thể các thành phố lịch sử thế giới lần thứ 13 đã ra tuyên bố chung cùng nhau hợp tác để xây dựng một quy tắc chung cho các thành phố lịch sử là “Tôn trọng quá khứ, hướng tới tương lai”.

Các thành phố thành viên cam kết chủ động xây dựng một mạng lưới thông tin trong việc nghiên cứu các tư liệu liên quan đến công tác phục hồi các giá trị di sản; lập kế hoạch, chương trình tài trợ cho các sáng kiến địa phương, khu vực liên quan đến việc phục hồi và quản lý các giá trị di sản; chủ động tham gia vào chương trình quản lý di sản bền vững tại thành phố mình…

Liên đoàn các thành phố lịch sử thế giới được thành lập năm 1994, hiện có 92 thành viên, trụ sở tại thành phố Kyoto (Nhật Bản).

Hội nghị toàn thể các thành phố lịch sử được tổ chức hai năm một lần theo chủ đề chính là “Sự bảo tồn và phát triển các thành phố lịch sử”.

Thành phố Huế là thành viên của Liên đoàn các thành phố lịch sử thế giới từ năm 2006 và là thành phố đầu tiên của khu vực Đông Nam Á được tổ chức hội nghị này.

Thế Dương

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/xay-dung-quy-tac-chung-cho-cac-thanh-pho-lich-su/20124/135626.vgp