Xây dựng quy hoạch tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long

– Quy hoạch tổng thể phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang được gấp rút hoàn thiện để trình phê duyệt trước khi diễn ra Hội nghị lần thứ 2 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu sắp tới.
>>>Tìm giải pháp thay thế những con đập ở Mê Kông >>>ĐBSCL: 40% diện tích đất sẽ bị “chìm” do biến đổi khí hậu

Chiều 1/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã có buổi làm việc với Cục Quản lý tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, để nghe báo cáo về việc xây dựng Quy hoạch tài nguyên nước đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Cảnh khô hạn tại xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng (ảnh Duy Khương)

Cảnh khô hạn tại xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng (ảnh Duy Khương)

Báo cáo về nhiệm vụ Quy hoạch tài nguyên nước ĐBSCL, ông Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước cho biết: Phạm vi Quy hoạch thuộc 13 tỉnh/thành phố là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang, với diện tích 39.945 km2 (không tính diện tích các huyện đảo Kiên Hải 28,2 km2 và Phú Quốc 575,4 km2 của tỉnh Kiên Giang).

Mục tiêu của Quy hoạch nhằm:

Bảo đảm phân bổ công bằng và hợp lý nguồn nước giữa các vùng, nhóm; đối tượng sử dụng nước, các tỉnh; cơ bản giải quyết được tình trạng mâu thuẫn trong phân bổ, chia sẻ, khai thác, sử dụng nước giữa các đối tượng sử dụng nước;

Bảo đảm nguồn nước cho các ưu tiên phát triển mang tính chiến lược, ổn định an sinh xã hội;

Cân bằng giữa lượng nước có thể khai thác và nhu cầu sử dụng nước có xét đến sự biến động nguồn nước do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và do khai thác, sử dụng nước ở thượng lưu;

Bảo vệ được các hệ sinh thái phụ thuộc vào nước, kiểm soát được tình trạng gia tăng ô nhiễm nguồn nước ở các khu dân cư, khu đô thị lớn, khu công nghiệp tập trung; hạn chế tình trạng xâm nhập mặn vùng cửa sông và các tầng chứa nước;

Kiểm soát được tình trạng sạt lở bờ sông; phòng, chống sụt, lún đất do khai thác nước dưới đất quá mức và giảm thiểu các tác hại do nước gây ra;

Bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước hiện có

Phát biểu góp ý tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cũng đề nghị Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia xem xét, chỉnh sửa và cập nhật vào nội dung nhiệm vụ quy hoạch, cụ thể: Các sông vùng ĐBSCL đều bị ảnh hưởng bởi chế độ thủy triều của biển Đông và biển Tây, nên việc xác định dòng chảy tối thiểu trên các sông, kênh rạch này là không khả thi. Vì vậy, nhiệm vụ quy hoạch nên bỏ nội dung này.

Bên cạnh đó, hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 167/2018/NĐ-CP quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất. Theo đó, việc khoanh định, lập danh mục, phê duyệt và công bố vùng hạn chế khai thác nước dưới đất đều phải thực hiện theo Nghị định này.

Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh cũng cho biết, về công tác xây dựng mô hình phục vụ lập quy hoạch: Đối với mô hình nước mặt, trước đây Ủy ban sông Mê Công đã xây dựng mô hình cho lưu vực sông Mê Công; đối với mô hình nước dưới đất đã được đề cập trong Dự án Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước dưới đất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đề xuất giải pháp ứng phó.

Vì vậy, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cần rà soát và kế thừa đưa vào trong nhiệm vụ quy hoạch để tránh lãng phí nguồn lực. “Mặt khác, đề nghị đơn vị thực hiện xem xét, phân chia kế hoạch thực hiện theo các nội dung của quy hoạch. Trong đó, lưu ý nội dung bảo vệ tài nguyên nước và nội dung phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra là vấn đề quan trọng đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên xem xét ưu tiên thực hiện trước” – Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh phát biểu.

Quy hoạch tổng thể phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL đang được gấp rút hoàn thiện để trình phê duyệt trước khi diễn ra Hội nghị lần thứ 2 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu sắp tới (ảnh Duy Khương)

Để trình phê duyệt được nhiệm vụ Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long, Cục Quản lý tài nguyên nước cũng kiến nghị Thứ trưởng chỉ đạo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia rà soát, hoàn thiện thuyết minh nhiệm vụ và đề cương lập quy hoạch như các tồn tại nêu trên; rà soát và phân bổ dự toán lập quy hoạch theo quy định kỹ thuật, định mức, đơn giá theo quy định; hoàn thiện hồ sơ nhiệm vụ lập quy hoạch và lấy ý kiến các cơ quan liên quan trước khi trình Bộ thẩm định phê duyệt theo quy định.

Theo ông Tống Ngọc Thanh, nhiệm vụ quy hoạch có 3 nội dung chính gồm: Phân bổ nguồn nước; bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.

Đề xuất thực hiện nhiệm vụ Quy hoạch, ông Tống Ngọc Thanh cho rằng muốn làm Quy hoạch, phải được phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch.

“Trung tâm hoàn thiện hồ sơ, sản phẩm Nhiệm vụ Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long để trình Bộ phê duyệt trước ngày 10/5/2019” – ông Tống Ngọc Thanh nói.

Theo đại diện Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Quy hoạch tài nguyên nước đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc rất lớn vào số liệu nước ngoài, trong đó số liệu nước mặt nhiều nhưng số liệu nước ngầm rất thiếu.

Ông Hoàng Văn Bẩy – Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho rằng cần cân nhắc lại tính khả thi các nhiệm vụ cần thực hiện, cũng như xác định yêu cầu đặt ra của Quy hoạch.

Theo ông Hoàng Văn Bẩy, cần dừng lại ở nhiệm vụ Quy hoạch để Bộ xem xét, phê duyệt; xem xét các nhiệm vụ nào cần làm trước, cần làm sau.

“Về chức năng nguồn nước, phải sơ bộ đưa vào, trong đó tập trung vào nước mặt, nhưng phải chi tiết từng con sông, kênh, rạch” – ông Hoàng Văn Bẩy nhấn mạnh.

Ông cũng kiến nghị phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tài nguyên nước ĐBSCL bám sát yêu cầu Luật Quy hoạch và Luật Tài nguyên nước.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho rằng bài toán Quy hoạch tài nguyên nước ĐBSCL còn phải đầu tư nhiều công sức. Thứ trưởng đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước và Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia xác định các nhiệm vụ cần làm để xây dựng Quy hoạch; đề xuất Bộ các nội dung đáp ứng đầu vào Quy hoạch tổng thể ĐBSCL.

Theo Thứ trưởng, Quy hoạch tài nguyên nước ĐBSCL không thể thiếu kịch bản và số liệu nước ngầm trong các nước lưu vực Mê Công không có nhiều, chủ yếu ảnh hưởng đến ta là Campuchia. Thứ trưởng yêu cầu Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam xem xét đề xuất sang Campuchia điều tra đánh giá nguồn nước ngầm.

“Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam chuẩn bị sẵn kịch bản phát triển thủy điện dòng chính; Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia chuẩn bị sẵn số liệu về tài nguyên nước của ĐBSCL; Cục Quản lý tài nguyên nước chuẩn bị các thông tin, số liệu sát nhất, trong đó có cả sụt lún để đưa ngược lên Quy hoạch tổng thể ĐBSCL, để đảm bảo định hướng của Nghị quyết 120” – Thứ trưởng chỉ đạo.

Về xây dựng nhiệm vụ Quy hoạch tài nguyên nước ĐBSCL, Thứ trưởng đề nghị Trung tâm hoàn thiện theo ý kiến của các đơn vị, thống nhất đến ngày 20/4 gửi lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, sau đó hoàn thiện, đến ngày 10/5 trình Bộ trưởng Bộ TN&MT phê duyệt.

An Nhiên (T/h)

Nguồn MT&CS: https://moitruong.net.vn/xay-dung-quy-hoach-tai-nguyen-nuoc-dong-bang-song-cuu-long/