Xây dựng Quy hoạch mang tầm nhìn, khát vọng và bản sắc

Việc Thường trực HĐND tỉnh Long An tăng cường tổ chức các Hội nghị tham vấn, Phiên giải trình, Chương trình Đối thoại trực tiếp, công khai, là cụ thể hóa theo tinh thần Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026. Qua đó cho thấy, những vấn đề lớn, quan trọng về kinh tế - xã hội của địa phương và cử tri quan tâm, bức xúc đã được tham vấn kỹ trước khi quyết định, đồng thời xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm, quan trọng hơn là đưa ra được các giải pháp tháo gỡ, khắc phục hiệu quả, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển và sự mong mỏi, niềm tin của cử tri, Nhân dân vào cơ quan dân cử, cơ quan công quyền.

Cần có chính sách đặc thù thu hút, giữ chân giáo viên
Chống buôn lậu tâm phải trong, bản lĩnh phải vững, nghiệp vụ phải chắc

Với tinh thần chủ động, đổi mới, Thường trực HĐND tỉnh Long An tổ chức Hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia về Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội nghị vinh dự được Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân và Tiến sĩ Trần Du Lịch; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Tiến Khai và Tiến sĩ Nguyễn Tấn Khuyên thuộc Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, cùng các đại biểu nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đến dự, đóng góp ý kiến.

Nhiều góp ý tâm huyết, trí tuệ

Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học, nguyên lãnh đạo HĐND tỉnh đánh giá cao công tác tổ chức lập Quy hoạch tỉnh bảo đảm chặt chẽ, bài bản, bám sát các định hướng của Trung ương, phù hợp thực tế địa phương. Đặc biệt, với kinh nghiệm, trí tuệ, tâm huyết và tầm nhìn, các đại biểu đã gợi mở nhiều vấn đề về tiềm năng, thế mạnh, điểm yếu, thách thức, cơ hội và định hướng phát triển của tỉnh Long An trong tương lai.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Được tiếp thu ý kiến quý của chuyên gia, nhà khoa học để tiếp tục hoàn thiện đồ án Quy hoạch

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Được tiếp thu ý kiến quý của chuyên gia, nhà khoa học để tiếp tục hoàn thiện đồ án Quy hoạch

Về tiềm năng, các chuyên gia cho rằng, Long An có nhiều cơ hội để tăng trưởng nhanh trong tương lai dựa trên 3 trụ cột. Đó là (1) Công nghiệp chế biến, phát triển các khu công nghiệp mới mà hiện nay TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương không còn nhiều lợi thế về đất đai. Khi hoàn thành đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Đường vành đai 3, QL.50B và tương lai không xa là đường vành đai 4, thì lợi thế về phát triển công nghiệp và đô thị hóa sẽ dịch chuyển từ phía Đông sang phía Tây đến sông Vàm Cỏ Đông. Trong 15 năm tới, là “thời gian vàng”, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Long An sẽ cao hơn 1,5 - 2 lần tốc độ chung của toàn tỉnh hiện nay. (2) Nông nghiệp quy mô lớn và các cụm “liên kết nông - công nghiệp” ở các vùng chuyên canh, các chuỗi sản xuất, liên kết với toàn bộ Vùng Nam bộ. (3) Phát triển thương mại - dịch vụ gắn với quá trình đô thị hóa và hệ thống logistics gắn với cảng biển mà Cảng Quốc tế Long An hiện nay rất có tiềm năng.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Đồ án quy hoạch cần đánh giá sâu hơn về động lực tăng trưởng của Long An trong giai đoạn 2010 - 2020 vừa qua để xác định dư địa, cơ hội và động lực này còn tiếp tục phát triển trong giai đoạn tiếp theo hay không, từ đó có định hướng phát triển phù hợp. Ngoài ra, cần định vị rõ hơn vai trò của tỉnh trong mối quan hệ kinh tế với Vùng ĐBSCL và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam - Đông Nam bộ mà Long An là cửa ngõ, đầu mối kết nối quan trọng giữa hai vùng. Hạ tầng giao thông kết nối và nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là “điểm yếu” của Long An trong thời gian qua, vì vậy cần tập trung khai thông, giải quyết tốt vấn đề này trong giai đoạn tới.

Nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Đặng Văn Xướng cho rằng, trong Đồ án quy hoạch cần nhấn mạnh, chuyển tải cho được giá trị tinh thần, điểm mạnh về truyền thống đoàn kết, trung dũng, kiên cường, năng động, đổi mới của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Long An; chú trọng phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ dọc sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây - hai dòng sông mang điểm nhấn đặc sắc của tỉnh; rà soát các chỉ tiêu sử dụng đất, nhất là đất nông nghiệp phục vụ an ninh lương thực, đất công nghiệp, đô thị trong tương lai bảo đảm hài hòa, phù hợp; đặt quy hoạch tỉnh Long An trong tổng thể Quy hoạch chung vùng ĐBSCL vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thống nhất, đồng bộ.

Thể hiện tầm nhìn, khát vọng và bản sắc

Tại hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Mai Văn Nhiều gợi mở và lưu ý, kịch bản tăng trưởng của tỉnh giai đoạn tới, cần được nghiên cứu kỹ, bám sát Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, các yếu tố nội lực và ngoại ứng, cơ hội và thách thức để đưa ra phù hợp, mang tính khả thi, phát triển bền vững. Trong Đồ án quy hoạch hạn chế việc mô tả, chú trọng phân tích chiều sâu, gắn với yếu tố địa lý kinh tế, phân tích, làm rõ 3 mối quan hệ, tác động của Quốc gia và khu vực, của toàn Vùng, của các địa phương lân cận đối với Long An, để định vị rõ nét hơn vai trò của Long An và có cái nhìn toàn diện, dài hạn, chiến lược trong tương lai.

Qua Hội nghị tham vấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Được đánh giá rất cao và tiếp thu tất cả ý kiến đóng góp hết sức quý báu, sâu sắc, mang tính khoa học và thực tiễn cao của các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu nguyên lãnh đạo HĐND tỉnh, để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đồ án Quy hoạch thông qua HĐND tỉnh, làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.

Quang cảnh Hội nghị tham vấn chuyên gia về Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Người đứng đầu Đảng bộ và chính quyền tỉnh khẳng định, quan điểm nhất quán của Long An khi xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phải thể hiện được “Tầm nhìn, khát vọng và bản sắc phát triển”; đặt mục tiêu đến năm 2030, Long An trở thành một trung tâm phát triển kinh tế năng động, bền vững của vùng ĐBSCL dựa trên nền tảng công nghiệp xanh, tự động hóa và khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo; là cửa ngõ kết nối thông suốt, thuận tiện giữa vùng Đông và Tây Nam bộ; nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho Nhân dân.

Đặt mục tiêu tầm nhìn chiến lược đến năm 2050, Long An sẽ phát triển đột phá, trở thành khu vực phát triển kinh tế động lực của vùng ĐBSCL và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, hình thành chuỗi công nghiệp công nghệ cao hàng đầu trong Vùng, tiếp tục duy trì vị thế tỉnh công nghiệp phát triển bền vững nhóm đầu của cả nước, bảo đảm 3 yếu tố: Bền vững - Cân bằng - Thích ứng và Đổi mới sáng tạo.

Không gian địa lý và phân vùng chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục giữ định hướng phân thành 3 vùng quy hoạch. Đó là Vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kinh tế biên mậu và du lịch sinh thái (các huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười); Vùng đệm phát triển (huyện Đức Huệ và Thủ Thừa); Vùng phát triển công nghiệp, đô thị và thương mại - dịch vụ (thành phố Tân An và các huyện còn lại giáp TP. Hồ Chí Minh). Đồng thời, định hướng phát triển 3 vùng đô thịgồm: Vùng đô thị phía Đông, Vùng đô thị phía Tây, Vùng đô thị phía Bắc. Song song đó, sẽ hình thành 6 trục đường động lực kết nối quan trọng trong lan tỏa, kết nối phát triển kinh tế - xã hội, đô thị, giao thông của vùng TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL. Đồng thời, sẽ phát huy và khẳng định mạnh mẽ vai trò của Long An trong việc kết nối hành lang phát triển kinh tế giữa Đông - Tây Nam bộ nói chung và hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An nói riêng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Được nhấn mạnh.

CÔNG THÀNH

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/xay-dung-quy-hoach-mang-tam-nhin-khat-vong-va-ban-sac-i293080/