Xây dựng quy định về sản phẩm 'Sản xuất tại Việt Nam', bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Bộ Công Thương đang đề nghị xây dựng Nghị định quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam, qua đó, sẽ giúp doanh nghiệp, người tiêu dùng hiểu rõ hơn các tiêu chí, quy định cụ thể như thế nào là hàng hóa được sản xuất ở Việt Nam.

Xây dựng quy định về các hàng hóa "Sản xuất tại Việt Nam"

Theo đó, Bộ Công Thương dự kiến xây dựng quy định: Các trường hợp được phép thể hiện là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và cách thể hiện như sau: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy Việt Nam; Hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam từ toàn bộ nguyên liệu có xuất xứ Việt Nam; Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất tại Việt Nam từ toàn bộ nguyên liệu có xuất xứ Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa.

Đối với các hàng hóa có công đoạn gia công, chế biến đơn giản thì sẽ được coi là không có nguồn gốc Việt Nam.

 Nghị định mới đang được Bộ Công Thương xây dựng sẽ quy định rõ các loại hàng hóa sản xuất tại Việt Nam

Nghị định mới đang được Bộ Công Thương xây dựng sẽ quy định rõ các loại hàng hóa sản xuất tại Việt Nam

Nghị định mới cũng sẽ "khai tử" cụm từ "Made in Viet Nam" mà tùy thuộc vào quá trình sản xuất, gia công, chế biến, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn và chỉ sử dụng một trong các cụm sau: Sản xuất tại Việt Nam; Chế tạo tại Việt Nam; Nước sản xuất: Việt Nam; Xuất xứ: Việt Nam; Sản xuất bởi: Việt Nam.

Trường hợp không chắc chắn về xuất xứ Việt Nam, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn thể hiện cụm từ mô tả công đoạn gia công, chế biến chính diễn ra tại Việt Nam, chẳng hạn (nhưng không giới hạn) như: Thiết kế tại Việt Nam; Thiết kế bởi [Tên Công ty/Tập đoàn]; Lắp ráp tại Việt Nam; Hoàn tất tại Việt Nam; Lắp ráp bởi [Tên Công ty/Tập đoàn]; Chế biến bởi [Tên Công ty/Tập đoàn]; Sản phẩm của [Tên Công ty/Tập đoàn]; Đóng gói và dán nhãn bởi [Tên Công ty/Tập đoàn].

Theo Bộ Công Thương, về nguyên tắc, dự thảo Nghị định này sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp, bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa đã từ lâu là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định 43. Nghị định chỉ giúp các tổ chức, cá nhân có căn cứ để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị định 43, giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ. Các doanh nghiệp chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc “gian lận xuất xứ”, tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng.

Ngoài ra, kết hợp với việc thực thi nghiêm túc Nghị định 43 tại cửa khẩu, Thông tư cũng sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm “đội lốt” hàng Việt Nam như đã rải rác xảy ra trong thời gian qua. Dự thảo Thông tư không quy định bất kỳ một thủ tục hành chính mới nào mà người dân và doanh nghiệp phải tuân thủ.

Bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và các doanh nghiệp

Cũng theo Bộ Công Thương cho hay, cho tới nay, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam.

Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương. Với hàng hóa sản xuất trong nước, bao gồm cả hàng hóa sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu và sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định như thế nào thì được thể hiện “Sản phẩm của Việt Nam” hay “Sản xuất tại Việt Nam”.

Việc thiếu vắng các quy định về cách xác định như thế nào là “Sản phẩm của Việt Nam” hay “Sản xuất tại Việt Nam” đã khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ hay nguồn gốc trên nhãn sản phẩm, hàng hóa lưu thông trong nước theo quy định của Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn “Sản xuất tại Việt Nam” khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử”.

Việc xây dựng Nghị định này, theo Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu sẽ khuyến khích, hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước mở rộng và phát triển các phương thức sản xuất mới theo thông lệ quốc tế mà vẫn đảm bảo việc thể hiện nguồn gốc, xuất xứ trên sản phẩm, hàng hóa để phục vụ cho hoạt động thương mại trong nước. Ngoài ra, góp phần ngăn chặn gian lận xuất xứ của Việt Nam khi xuất sang nước ngoài.

Trả lời câu hỏi về việc, nếu Bộ Công Thương được giao soạn thảo dự thảo Nghị định này, tiến tới có thể áp dụng trong tương lai, các doanh nghiệp cần làm gì để tránh các vi phạm về xuất xứ, ông Trần Thanh Hải cho rằng, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các quy trình, thủ tục về dán nhãn, nắm được tinh thần của nghị định, sản phẩm của mình làm ra đáp ứng được mức độ như thế nào thì cần thể hiện cho phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên có quy định chi tiết về vấn đề ghi nhãn xuất xứ Việt Nam trên hàng hóa. Bộ Công Thương sẽ làm hết sức thận trọng, lắng nghe ý kiến mọi tầng lớp nhân dân, đánh giá tác động nhiều chiều và sẽ chỉ trình cấp trên khi có cơ sở để tin rằng biện pháp này nhận được sự đồng tình cao của xã hội.

Bảo Linh (t/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/xay-dung-quy-dinh-ve-san-pham-san-xuat-tai-viet-nam-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-d179325.html