Xây dựng Quy chuẩn quốc gia về phụ gia thực phẩm

Quy chuẩn quốc gia về phụ gia thực phẩm như một hành lang pháp lý buộc doanh nghiệp phải thực hiện đúng cam kết tự công bố của mình.

Sáng 13/12, Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam và Hội KH-KT An toàn thực phẩm Việt Nam tổ chức Hội thảo "Góp ý dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với phụ gia thực phẩm".

TS. Phan Tùng Mậu - Phó Chủ tịch LHH Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

TS. Phan Tùng Mậu - Phó Chủ tịch LHH Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

PGS.TS. Trần Quang Trung - Phó Chủ tịch Thường trực Hội KH-KT An toàn thực phẩm Việt Nam cho biết, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với phụ gia thực phẩm là một căn cứ chính thức để cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát các cam kết của doanh nghiệp trong việc tự công bố chất lượng sản phẩm của mình.

Đại diện Hội KH-KT An toàn thực phẩm Việt Nam nhận định, xu hướng sử dụng chất tạo ngọt - một loại phụ gia thực phẩm - ngày càng gia tăng trong ngành công nghiệp thực phẩm. Chất tạo ngọt cho có độ ngọt gấp tới 500- 700 lần so với độ ngọt tự nhiên. Chất tạo ngọt cung cấp rất ít, thậm chí không cung cấp năng lượng cho cơ thể con người. Có nghiên cứu cho thấy, chất tạo ngọt là tác nhân gây nên ung thư, ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe. Song, các nghiên cứu khác cho thấy chất tạo ngọt được sử dụng ở một liều lượng nhất định trong sản phẩm sẽ giúp ổn định đường huyết của bệnh nhân tiểu đường, hỗ trợ cho bữa ăn của người giảm cân, béo phì.

Sử dụng chất tạo ngọt đã trở thành một xu hướng chung của ngành công nghiệp thực phẩm trên thế giới. Chất tạo ngọt được sử dụng trong ngành công nghiệp nước giải khát, bánh kẹo, phô-mai, nước mắm, dược phẩm, mỹ phẩm, kem đánh răng cho trẻ em...

Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần có quan điểm kiểm soát thích ứng với xu hướng phát triển chất tạo ngọt trong ngành công nghiệp thực phẩm.

Vị chuyên gia nói thêm, sau ngày 02/2/2018 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2019 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm của Chính phủ ra đời.

Công tác quản lý an toàn thực phẩm chuyển từ tiền kiểm (thực hiện công bố hợp quy hay công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đổi với cơ quan có thẩm quyền) sang phương thức hậu kiểm đã có thay đổi cơ bản.

Hầu hết các sản phầm thực hiện tự công bố (trên 90% sản phẩm) do doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, chỉ còn lại 3 nhóm sản phẩm là phải đăng ký bản công bố với cơ quan quản lý, thì tính pháp lý (tính bắt buộc áp dụng phạm vi áp dụng của các TCVN, TCCS/nhà sản xuất) có thay đổi.

Khi 90% doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình thì hành lang kỹ thuật - chính là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia - là căn cứ để theo dõi doanh nghiệp có thực hiện đúng các quy định pháp luật của Nhà nước hay không. Đó là lý do vì sao cần có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với phụ gia thực phẩm.

PGS.TS. Trần Quang Trung - Phó Chủ tịch Thường trực Hội KH-KT An toàn thực phẩm Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm phát biểu.

Đại tá - Giáo sư Lê Gia Vinh đánh giá cao quan điểm coi trọng xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Hội KH-KT ATTP Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là cần phải có cơ chế để kiểm tra, kiểm soát doanh nghiệp

Bởi doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của họ thì cần phải có cơ chế như thế nào để kiểm tra, kiểm soát sản phẩm của doanh nghiệp, có tiếp tục tái phạm hay không, chú ý khâu lấy mẫu từ thị trường thế nào....? Doanh nghiệp theo đó phải chịu xử lý thật nặng, phạt thật nặng mới mang tính răn đe.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Trần Thị Dung - đại diện Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các phụ gia thực phẩm nhằm mục tiêu "đảm bảo an toàn vệ sinh sức khỏe con người, bảo vệ thực vật, động vật, môi trường, bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác". Tuy nhiên, khi trình bày về mỗi phụ gia thực phẩm, cơ quan soạn thảo lại không có thuyết minh thể hiện rõ sự cần thiết phải đưa phụ gia này vào quy chuẩn, nhằm đảm bảo mục tiêu nào.

Góp ý về Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với phụ gia thực phẩm, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường chỉ rõ nhiều lỗi sai, lỗi đánh máy trong văn bản. Ông cho rằng, khi xây dựng Quy chuẩn cần thể hiện rõ danh pháp quốc tế, chuyển ngữ từ tiếng Anh, tiếng Pháp sang tiếng Việt của phụ gia thực phẩm đó. Dự thảo cũng không thể có những sai sót đánh máy cơ bản, về danh pháp, công thức hóa học hay những dấu chấm câu.

"Nếu đã là Quy chuẩn quốc gia, cần phải chính xác từng dấu chấm câu, từng công thức hóa học, danh pháp hóa học hay chuyển ngữ, được soạn thảo bởi những người có chuyên môn. Trong dự thảo, có những lỗi sai cơ bản, cùng là axit nhưng nơi viết chữ x, nơi viết chữ c; trong công thức hóa học thì số phải viết nhỏ và viết bên dưới chữ cái..." - GS.TS Trần Hiếu Nhuệ nhận định.

Các đại biểu tại Hội thảo có chung nhận định cần xem lại các chỉ tiêu kỹ thuật đặt ra cho phụ gia thực phẩm như độ tinh khiết, hàm lượng chì...

Trong thực tế việc sử dụng phụ gia thực phẩm nói chung và phụ gia thực phẩm, trong đó có chất tạo ngọt trái với quy định là rất nhiều, chưa kể, có những trường hợp "tham nhũng vặt" giữa cán bộ thực thi pháp luật và doanh nghiệp khiến những quy chuẩn này nếu được đặt ra cũng có vai trò rất nhỏ.

Quang cảnh buổi Hội thảo.

Ngoài ra, qua thực tế trong quá trình tập huấn kiến thức cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong năm gần đây, phần lớn người tiêu dùng đã có hiểu biết về nội dung ghi nhãn của phụ gia thực phẩm nhưng chưa thật đầy đủ, còn doanh nghiệp chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt. Cơ quan quản lý cần tăng cường công tác thanh kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh phụ gia thực phẩm và sử dụng phụ gia thực phẩm và đẩy mạnh công tác phổ biến, tập huấn kiến thức, các văn bản quy định của pháp luật mới ban hành về ATTP cho người sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và người tiêu dùng. Khi đó, việc xã hội hóa trong việc phát giác, tố cáo các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm và phụ gia thực phẩm cũng là cần thiết.

Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Phan Tùng Mậu - Phó Chủ tịch LHH Việt Nam cho rằng, sau khi lấy ý kiến của chuyên gia góp ý Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với phụ gia thực phẩm, LHH Việt Nam sẽ gửi văn bản góp ý tới Cục An toàn thực phẩm và lãnh đạo Bộ Y tế, không để tái diễn việc soạn thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lại có những thiếu sót như vậy.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/lien-hiep-hoi/xay-dung-quy-chuan-quoc-gia-ve-phu-gia-thuc-pham-3393282/