Xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia 'Nghệ thuật sơn mài Việt Nam'

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa ban hành Quyết định số 4345/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án Xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia 'Nghệ thuật sơn mài Việt Nam' giai đoạn 2020 – 2030.

 Ảnh minh họa. (Theo Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)

Ảnh minh họa. (Theo Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)

Đề án Xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia "Nghệ thuật sơn mài Việt Nam" giai đoạn 2020 – 2030 nhằm thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật sơn mài Việt Nam góp phần phát triển thị trường văn hóa, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, quảng bá đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế qua các hoạt động giao lưu nghệ thuật, trao đổi tác phẩm, sản phẩm văn hóa. Đồng thời, góp phần chấn hưng và khẳng định giá trị của sơn mài Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh giao lưu, chú trọng quảng bá thương hiệu quốc gia thông qua việc giới thiệu các sản phẩm, tác phẩm sơn mài Việt Nam trở thành sản phẩm văn hóa, nghệ thuật góp phần xây dựng công nghiệp văn hóa. Khuyến khích các doanh nghiệp, làng nghề, nghệ sĩ, nghệ nhân chế tác, sáng tác các sản phẩm, tác phẩm sơn mài trở thành những sản phẩm hàng hóa tiêu thụ ở trong nước và quốc tế....

Đề án Xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia "Nghệ thuật sơn mài Việt Nam" giai đoạn 2020 – 2030 được triển khai thực hiện với các nội dung: Xây dựng logo nhãn hiệu công nhận và bộ nhận diện "Nghệ thuật sơn mài Việt Nam"; Ban hành quy trình chế tác, tiêu chuẩn nguyên vật liệu, tiêu chí của "Nghệ thuật sơn mài Việt Nam"; Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tuyên truyền giới thiệu về Nghệ thuật sơn mài Việt Nam trong nước và nước ngoài (đầu tư, quảng bá, giới thiệu phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ sơn mài ở Làng nghề sơn mài Hạ Thái, Hà Nội; Đầu tư, quảng bá, giới thiệu bảo tồn và phát triển Làng sơn mài Tương Bình Hiệp thuộc địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương); Tổ chức Liên hoan Nghệ thuật sơn mài quốc tế tại Việt Nam.

Về kế hoạch xây dựng thương hiệu "Nghệ thuật sơn mài Việt Nam", Đề án chỉ rõ các nội dung cụ thể cần triển khai, đó là: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức; Hoàn thiện cơ chế, chính sách; Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; Thu hút và hỗ trợ đầu tư; Phát triển thị trường; Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế.

Về tổ chức thực hiện: Các cơ quan chỉ đạo (gồm: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Công thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Ngoại giao) giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Hội Mỹ thuật Việt Nam; Hiệp hội Làng nghề Việt Nam; các doanh nghiệp; Làng nghề sơn mài phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Bình Dương, Bắc Ninh... tổ chức thực hiện Đề án./.

TT

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/xay-dung-quang-ba-thuong-hieu-quoc-gia-nghe-thuat-son-mai-viet-nam-572537.html