Xây dựng quân đội trong lý luận bảo vệ Tổ quốc XHCN của V.I.Lenin

Cách đây đúng 101 năm, ngày 7-11-1917, cuộc khởi nghĩa vũ trang của công nhân, binh lính ở thành phố Petrograd dưới sự lãnh đạo của đảng Bonsevich do V.I.Lenin đứng đầu đã giành thắng lợi. Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã đi vào lịch sử nhân loại như một sự kiện trọng đại có tiếng vang và tầm ảnh hưởng sâu rộng, làm rung chuyển, đảo lộn trật tự thế giới.

Lãnh tụ V.I.Lenin với Cách mạng Tháng Mười Nga. Ảnh: Tư liệu

Đó là sự kiện có ý nghĩa quốc tế lớn nhất trong thế kỷ XX, ảnh hưởng sâu rộng tới phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cổ vũ và thúc đẩy cuộc đấu tranh tự giải phóng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, các dân tộc bị áp bức và nhân loại tiến bộ.

Từ thực tiễn Cách mạng Tháng Mười Nga, V.I.Lenin đã bổ sung, phát triển nhiều vấn đề lý luận, trong đó có lý luận bảo vệ Tổ quốc XHCN. Người cho rằng, bảo vệ Tổ quốc XHCN có nội dung toàn diện, bao gồm bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, bảo vệ thành quả của cách mạng và sứ mệnh lịch sử cao cả có tầm ảnh hưởng quốc tế. Người chỉ ra rằng, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc XHCN là sức mạnh tổng hợp của đất nước và của toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sự quản lý, điều hành của nhà nước XHCN, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, chú trọng phát huy nhân tố chính trị-tinh thần với tính ưu việt của chủ nghĩa XHCN.

Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN, theo V.I.Lenin, phải thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt là quân đội nhân dân vững mạnh toàn diện, thực sự là lực lượng chính trị-lực lượng chiến đấu trung thành và tin cậy của Đảng Cộng sản, của nhà nước XHCN và của nhân dân, góp phần quan trọng bảo đảm cho đất nước luôn chủ động về chiến lược trong mọi tình huống.

Trong suốt quá trình lãnh đạo công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, V.I.Lenin luôn đặc biệt quan tâm đến xây dựng Hồng quân hùng mạnh trên cơ sở vũ trang toàn dân. Theo V.I.Lenin, Hồng quân phải được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, hiện đại, thực sự là một quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân và nhân dân lao động do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Điều quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định là giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, xây dựng quân đội vững mạnh cả về chính trị, thể hiện tập trung ở lý tưởng chiến đấu, cơ chế lãnh đạo, tổ chức, cơ sở chính trị-xã hội và chức năng, nhiệm vụ của quân đội.

Trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhận thức đúng đắn và vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam và đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đảng ta xác định xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trong đó Quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt. Quân đội cần phải làm tốt vai trò tham mưu cho hệ thống tổ chức Đảng, Nhà nước về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; đồng thời phải hoàn thành tốt vai trò tổ chức thực hiện đường lối, mục tiêu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Quân đội nhân dân cần tập trung giáo dục, rèn luyện, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định cho mọi cán bộ, chiến sĩ, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, có ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao…

101 năm đã trôi qua, từ khi Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra và giành thắng lợi, điều kiện thế giới, trong nước đã có nhiều đổi thay. Song, những vấn đề lý luận về bảo vệ Tổ quốc đã được tổng kết, khái quát từ thực tiễn Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn là cơ sở khoa học để Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tiếp tục nghiên cứu, vận dụng phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt, cần phải giữ vững lập trường, kiên định mục tiêu, lý tưởng và bằng hành động cách mạng làm cho giá trị tư tưởng bảo vệ Tổ quốc XHCN của V.I.Lenin có sức sống trường tồn.

Thu Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/xay-dung-quan-doi-trong-ly-luan-bao-ve-to-quoc-xhcn-cua-v-i-lenin/