Xây dựng phương án phát triển lâu dài cho khu kinh tế, khu công nghiệp nhằm khơi dậy lợi thế phát triển

Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh vừa xây dựng Phương án quy hoạch phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh những giai đoạn tới.

Khu Công nghiệp Bỉm Sơn sẽ được mở rộng và hiện đại hóa hạ tầng trong những năm tới.

Quy hoạch phát triển mới này hướng tới mục tiêu định hướng phát triển công nghiệp, dành quỹ đất cho phát triển công nghiệp lâu dài trên từng vùng của tỉnh, nhằm khơi dậy tiềm năng sẵn có để phát triển hài hòa, bền vững.

Thanh Hóa nằm trong vùng ảnh hưởng của những tác động kinh tế trọng điểm Bắc bộ, các tỉnh Bắc Lào và vùng trọng điểm kinh tế Trung bộ. Ở vị trí cửa ngõ nối liền Bắc bộ với Trung bộ, Thanh Hóa còn có nhiều tiềm năng phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp do có hệ thống giao thông thuận lợi. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã phát triển đầy đủ các loại hình giao thông - vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không). Với rất nhiều lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, lao động dồi dào..., tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều bước tiến trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, cần có một định hướng tổng thể, xác định được các ngành công nghiệp ưu tiên, phù hợp với bối cảnh quốc tế của mỗi giai đoạn, thì công tác rà soát và định hướng phát triển hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp mà Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp đã và đang triển khai là việc làm hết sức cần thiết.

Theo đó, trên cơ sở các quy hoạch cũ về phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Thanh Hóa sẽ xây dựng thêm một khu kinh tế: Khu Kinh tế Cửa khẩu Na Mèo tại huyện Quan Sơn, giáp với nước bạn Lào. Đây là khu vực đã và sẽ diễn ra nhiều hoạt động giao thương giữa Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng với các tỉnh Bắc Lào. Với vai trò và vị trí chiến lược đối với phát triển kinh tế cửa khẩu và kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời bảo đảm an ninh chính trị và quốc phòng, việc thành lập khu kinh tế cửa khẩu này là rất cần thiết. Phạm vi của Khu Kinh tế Cửa khẩu Na Mèo được đề xuất thuộc địa giới hành chính các xã: Na Mèo, Sơn Thủy, Mường Mìn, Sơn Điện, Sơn Lư và thị trấn Quan Sơn, với tổng diện tích hơn 49.880 ha. Phát triển khu kinh tế này sẽ theo hướng mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, gắn kết chặt chẽ với sự phát triển chung của tỉnh, nhất là với hành lang kinh tế Quốc lộ 217.

Định hướng giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Khu Kinh tế Cửa khẩu Na Mèo bắt đầu phát triển nhiều hoạt động thương mại - dịch vụ trên cơ sở khơi dậy những lợi thế của vùng. Hệ thống giao thông, các kho đầu mối, kho xăng dầu, kho ngoại quan, hệ thống hạ tầng... sẽ từng bước được xây dựng. Định hướng phát triển nguồn điện, lưới điện, hệ thống cấp nước, mạng lưới bưu chính viễn thông đã được lên phương án. Những ngành công nghiệp có lợi thế, như: Chế biến lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến thức ăn gia súc phục vụ chăn nuôi... sẽ được ưu tiên phát triển, nhằm khai thác thế mạnh nguyên liệu trong vùng và của nước bạn Lào.

Với Khu Kinh tế Nghi Sơn, tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 1699/QĐ-TTg, ngày 17–12–2018 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt, điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung Khu Kinh tế Nghi Sơn với diện tích đã được quy hoạch mở rộng lên 106.000 ha. Tiếp tục nhất quán mục tiêu xây dựng Khu Kinh tế Nghi Sơn thành khu vực phát triển công nghiệp tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gắn với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển nước sâu. Trọng tâm phát triển công nghiệp các giai đoạn tới ở đây được xác định là công nghiệp lọc hóa dầu và công nghiệp cơ bản, như: Công nghiệp hóa chất sau lọc hóa dầu, công nghiệp cán thép cao cấp, cơ khí chế tạo, công nghiệp điện, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến nông - lâm - thủy sản chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.

Tại Khu Công nghiệp Bỉm Sơn sẽ tập trung tăng tỷ lệ lấp đầy, cải thiện cơ chế ưu đãi và nâng cao năng lực quản lý để đẩy nhanh quy trình thủ tục nhằm thu hút thêm nhiều nhà đầu tư. Từ năm 2020, đặc biệt là sau năm 2030, sẽ mở rộng Khu Công nghiệp Bỉm Sơn về phía Tây của khu công nghiệp hiện hữu, ước tính tổng diện tích mở rộng khoảng 750 ha.

TP Thanh Hóa và các khu vực lân cận sẽ ưu tiên phát triển mới các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ phía Tây và phía Bắc với tổng diện tích khoảng 1.970 ha. Bên cạnh ngành dệt may và da giầy cao cấp, khu vực này sẽ ưu tiên các ngành sản xuất hàng tiêu dùng, dược phẩm, thiết bị y tế, các ngành công nghiệp sạch và công nghiệp công nghệ cao.

Khu vực Lam Sơn - Sao Vàng và hành lang Lam Sơn - Nghi Sơn, được ưu tiên phát triển trung tâm công nghệ cao, ưu tiên các ngành chế biến thực phẩm công nghệ cao, bảo dưỡng, sửa chữa và vận hành máy bay, sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử, đồ gia dụng, phụ tùng ô tô... Những tháng tới, sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng và nâng cao tỷ lệ lấp đầy ở Khu Công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng.

Với các khu công nghiệp, quan điểm định hướng vẫn duy trì 8 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, gồm: Ngọc Lặc, Thạch Quảng, Lam Sơn – Sao Vàng, Bỉm Sơn, Bãi Trành, Đình Hương – Tây Bắc Ga, Hoàng Long và Lễ Môn. Tuy nhiên, về hạ tầng tại các khu công nghiệp này sẽ được đầu tư bổ sung hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các nhà đầu tư. Định hướng phát triển, cũng như dành đất cho lĩnh vực công nghiệp mang tính dài hơi cũng chính là cách để khơi dậy tiềm năng của từng vùng trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu cho phát triển chung toàn xã hội. Nguồn lao động lớn của Thanh Hóa cũng được tạo thêm nhiều việc làm khi ngành công nghiệp cũng như các khu kinh tế, khu công nghiệp phát triển.

Linh Trường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/xay-dung-phuong-an-phat-trien-lau-dai-cho-khu-kinh-te-khu-cong-nghiep-nham-khoi-day-loi-the-phat-trien/111601.htm