Xây dựng phương án chủ động ứng phó lũ ĐBSCL

Là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế song hiện cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức do biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, hạn hán gia tăng, các hiện tượng khí hậu, thời tiết cực đoan… Do đó, việc chủ động xây dựng phương án ứng phó lũ ĐBSCL theo hướng bền vững, thích ứng với BĐKH có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Daidoanket.vn

Nhiều thách thức

Vùng ĐBSCL bao gồm 13 tỉnh thành, có tổng diện tích 3,94 triệu héc-ta và dân số 17,5 triệu người, chiếm 12% diện tích tự nhiên và 20% dân số cả nước, là một trong những đồng bằng màu mỡ trên thế giới với các điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng cực kỳ thuận lợi cho phát triển nông nghiệp; là một trong những vùng đồng bằng có sản lượng nông sản lớn nhất khu vực Đông Nam Á và đứng đầu Việt Nam. Đóng vai trò là vùng trọng điểm về kinh tế nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực của cả nước, đóng góp phần lớn sản lượng và giá trị xuất khẩu sản phẩm nông sản, thủy sản…

Tuy nhiên, ĐBSCL đang phải đối diện với nhiều thách thức, trong đó đặc biệt là tác động của BĐKH, nước biển dâng và từ việc khai thác tài nguyên nước ở thượng nguồn dẫn tới nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt ngày càng bất thường, khó kiểm soát. Trong đó, thách thức lớn nhất mà vùng phải đối mặt đó là thách thức từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở phía thượng nguồn, phát triển kinh tế - xã hội nội tại của ĐBSCL; những thách thức do tác động của BĐKH và nước biển dâng dẫn đến làm thay đổi dòng chảy ở các lưu vực sông, suy giảm lượng phù sa, sạt lở bờ sông, sụt lún đất do khai thác nước ngầm quá mức, sự gia tăng xâm nhập mặn, hạn hán…

Bên cạnh đó, còn tồn tại những bất cập, hạn chế trong quy hoạch phát triển vùng cũng như sự lỏng lẻo trong thực hiện quy hoạch phát triển vùng như đầu tư dàn trải, sự chồng chéo, cạnh tranh nhau trong cơ cấu phát triển ngành nghề của mỗi địa phương làm cho nguồn lực bị phân tán, tiềm năng của cả vùng không được phát huy…

Những bất cập nêu trên đang và sẽ đe dọa quá trình phát triển của vùng ĐBSCL, sinh kế và đời sống người dân trong vùng nói riêng và cả nước nói chung, qua đó tác động tới khu vực và quốc tế, đặc biệt là vấn đề an ninh lương thực. Để vượt qua thách thức, biến ĐBSCL thành một vùng phát triển thịnh vượng, nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL đã và đang đề ra nhiều giải pháp để ứng phó và thích nghi do tác động của BĐKH.

Đảm bảo sinh kế cho người dân

Nhận thức rõ những thách thức cũng như vai trò quan trọng của vùng ĐBSCL trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước, ngày 17/11/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Nghị quyết đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2050, ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến, GDP bình quân đầu người đạt gần 10 nghìn USD/năm; tỷ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80%; độ che phủ rừng đạt trên 5% (so với 4,3% hiện nay), các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo tồn. Trong đó, để phát triển bền vững, việc đảm bảo sinh kế cho người dân phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm.

Dự báo thời gian tới lũ vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục lên và thời gian lũ ở mức cao còn kéo dài, mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành và các địa phương trong vùng tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ, chủ động triển khai các biện pháp hạn chế thiệt hại, đồng thời khai thác các mặt lợi của lũ.

Cụ thể, các địa phương, đặc biệt là các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long tập trung rà soát, xây dựng phương án chủ động ứng phó với lũ với mức lũ cao nhất theo dự báo, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng của người dân, đặc biệt là bảo vệ tính mạng trẻ em. Đồng thời, chủ động di dời các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực có nguy cơ sạt lở ven sông, kênh, rạch, vùng bị ngập sâu, nhà không bảo đảm an toàn…

Một số chuyên gia cho rằng, có thể đưa ra mô hình, giải pháp phù hợp, thích ứng với tự nhiên, phát triển bền vững khu vực ĐBSCL với điều kiện những mô hình, giải pháp này phải được xem xét trong tổng thể chung của vùng, phải lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, trung tâm, làm cơ sở xuyên suốt cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng; phải dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên; phải kết hợp giữa công nghệ tiên tiến, hiện đại với tri thức, kinh nghiệm truyền thống bản địa. Đặc biệt, cần có tầm nhìn dài hạn, ưu tiên cho thích ứng với BĐKH, bảo đảm tính ổn định, sinh kế của người dân…

Linh Anh

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/xay-dung-phuong-an-chu-dong-ung-pho-lu-dbscl.html