Xây dựng phù điêu Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các dân tộc tỉnh Thái Nguyên

Hai bức phù điêu cỡ lớn 'Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên' đang được xây dựng tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa ở trung tâm TP Thái Nguyên (Thái Nguyên).

Hai bức phù điêu cỡ lớn “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên” đang được xây dựng tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa ở trung tâm TP Thái Nguyên (Thái Nguyên).

Đây là công trình vĩnh cửu nhằm tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, thể hiện tình cảm, sự tri ân của nhân dân chiến khu xưa đối với Đại tướng. Tuy nhiên, việc xây dựng công trình đang gặp khó khăn, có nguy cơ chậm tiến độ.

Phù điêu “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên”, gồm hai bức, bốn mặt, mỗi bức dài gần 37 m, cao 9,8 m, dày 0,5 m, tổng diện tích 1.448 m2, được xây dựng ở bên phải và bên trái lễ đài chính Quảng trường Võ Nguyên Giap, là công trình nghệ thuật điêu khắc trên chất liệu đá có yêu cầu cao về nội dung, kỹ thuật và mỹ thuật, có độ bền vững vĩnh cửu với thời gian. Bốn mặt của hai bức phù điêu khắc họa sự đùm bọc của đồng bào vùng ATK (An toàn khu) đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp; hình tượng Đại tướng với chiến thắng Điện Biên Phủ, với sự phát triển lớn mạnh của quân đội nhân dân Việt Nam; sự phát triển về mọi mặt của tỉnh Thái nguyên trong thời kỳ đổi mới.

Phù điêu “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên” được xây dựng nhằm tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, tự hào dân tộc; lòng thành kính, tưởng nhớ, tri ân của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Với yêu cầu khắc họa chân thực thần thái, vóc dáng, phong cách, trí tuệ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thể hiện tình cảm, sự tri ân của Đảng bộ, nhân dân đối với công lao của Đại tướng; đồng thời bảo đảm yêu cao cầu kỹ thuật, mỹ thuật, chất liệu sử dụng bền vững vĩnh cửu với thời gian và không gian ngoài trời, màu sắc phù hợp cảnh quan tại nơi sinh hoạt văn hóa, tổ chức các hoạt động kỷ niệm diễn ra hằng năm, điểm thu hút du khách trong nước và quốc tế nên tỉnh Thái Nguyên tiến hành các bước xây dựng phù điêu “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên” một cách cẩn trọng.

Phát huy rộng rãi trí tuệ của xã hội, đặc biệt là giới họa sĩ, điêu khắc, kiến trúc sư cả nước, tỉnh Thái Nguyên tổ chức cuộc thi sang tác mẫu phác thảo phù điêu “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên”. Sau khi chọn được mẫu phác thảo, tỉnh dựng nguyên mẫu để xin ý kiến các tầng lớp nhân dân, lựa chọn nhà thầu có chuyên môn, kinh nghiệm, năng lực điêu khắc trên chất liệu đá, tổ chức thi công phù điêu.

Hai bức phù điêu mang tên Đại tướng ở TP Thái Nguyên, đến nay, thi công được khoảng 90% khối lượng và theo tiến độ sẽ hoàn thành vào ngày 25-8. Tuy nhiên, đại diện nhà thầu thi công công trình chia sẻ: “Do chưa được thanh toán vốn tương xứng, các đối tác chế tác đá, cung cấp vật tư, thiết bị thi công đang gặp nhiều khó khăn, đề nghị được thanh toán vốn thì mới có điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công. Trong điều kiện không được thanh toán vốn kịp thời, công trình sẽ không thể hoàn thành theo đúng tiến độ”.

Mặt khác, mặt sau hai bức phù điêu hoành tráng nhìn ra sông Cầu, được thiết kế là vườn hoa, cảnh quan, nhưng hiện nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng, cỏ dại mọc um tùm trông rất phản cảm, khi hoàn thành người dân khó chiêm ngưỡng mặt sau hai tấm phù điêu này.

Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên mong muốn, các cơ quan chức năng của tỉnh và nhà thầu cần tăng cường phối hợp giải quyết khó khăn để công trình có ý nghĩa về chính trị, văn hóa và kiến trúc này sẽ được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2-9 và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 tới đây đúng như cam kết của nhà thầu, nhằm tạo khí thế vui tươi, phấn khởi trong xã hội.

THẾ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/xay-dung-phu-dieu-dai-tuong-vo-nguyen-giap-voi-cac-dan-toc-tinh-thai-nguyen-609272/