Xây dựng 'pháo đài' của Đảng ở biên giới

Nhiều năm qua, công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng biên giới đặc biệt khó khăn là vấn đề thách thức của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Chủ trương đưa cán bộ, đảng viên BĐBP về tăng cường tại các xã biên giới để củng cố tổ chức đảng và chính quyền địa phương đã đem lại nhiều kết quả trong hoạt động thực tiễn.

Bài 1: “Đỏ mắt” tìm cán bộ có trách nhiệm

“Từ đầu năm 2020, theo yêu cầu của Tỉnh ủy Quảng Nam, Đảng ủy BĐBP tỉnh Quảng Nam đã điều động cán bộ, đảng viên BĐBP về tăng cường cho 14 xã biên giới, làm tốt công tác chuẩn bị văn kiện đại hội đảng bộ cấp xã nhiệm kỳ 2020-2025. Sau đại hội, đã có quyết định chuẩn y chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã, lực lượng này sẽ cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền tạo bước đột phá mới trong công tác lãnh đạo ở cơ sở vùng biên giới”.

Đồng chí Nguyễn Xanh, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã La Êê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam nghiên cứu giống lúa mới ở xã La Êê. Ảnh: Hải Luận

Đồng chí Nguyễn Xanh, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã La Êê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam nghiên cứu giống lúa mới ở xã La Êê. Ảnh: Hải Luận

Đó là chia sẻ của đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Đồng chí Phan Việt Cường nói tiếp: “Vấn đề đặt ra hiện nay ở các xã biên giới tỉnh Quảng Nam là phải tìm giải pháp phát triển kinh tế hộ gia đình, chọn cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, gắn với nhà máy chế biến sắp tới sẽ được xây dựng. Phải chọn việc để có bước đột phá mạnh mẽ ở những vùng dân cư nằm trên đỉnh Trường Sơn, sát biên giới Việt - Lào”.

Chọn 3 vấn đề trọng tâm

Theo Thượng tá Hoàng Văn Mẫn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Quảng Nam, 14 cán bộ, đảng viên BĐBP tăng cường cho các xã biên giới đợt này đều đã tốt nghiệp đại học, trình độ lý luận chính trị từ trung cấp đến cao cấp, nhiều cán bộ đã qua Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, chỉ huy đồn Biên phòng.

Ngược dòng thời gian để tìm hiểu câu chuyện và chủ trương tại sao phải điều động cán bộ, đảng viên BĐBP về tăng cường ở xã biên giới, ông Đoàn Thanh Thuận, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam nhớ lại: “Năm 2003, chia tách từ huyện Hiên ra thành 2 huyện Đông Giang và Tây Giang. Lúc đó, huyện Tây Giang chỉ có 60 cán bộ (trừ lĩnh vực giáo dục và y tế) với trình độ còn nhiều hạn chế. Trình độ cán bộ cấp xã, đặc biệt các xã biên giới rất thấp, ảnh hưởng đến công tác điều hành ở cơ sở”.

Ông Hồ Văn Úm là người có thâm niên 25 năm làm Bí thư Đảng ủy xã biên giới A Xan, huyện Tây Giang (đã nghỉ hưu) chia sẻ: “Mỗi lần từ xã đi họp ở huyện Hiên phải đi bộ hết 7 ngày, họp xong quay về hết 7 ngày nữa. Sau khi thành lập huyện Tây Giang, thời gian đi bộ họp huyện ngắn hơn, cả đi và về còn 10 ngày. Có khi, mới đi họp về tới nhà, phải quay trở ra huyện họp nội dung khác. Trung bình có khoảng 15 ngày trong một tháng đi bộ ròng rã trên đường để đi họp. Có thời điểm, tại văn phòng UBND xã, ai thích thì tới làm việc, không thì đi làm rẫy, tôi và Chủ tịch UBND xã phải mang con dấu về nhà cất giữ”.

Từ thực trạng đó, Đảng ủy BĐBP và Tỉnh ủy Quảng Nam thống nhất cử cán bộ Biên phòng xuống tăng cường cho các xã biên giới. Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhớ lại: “Anh em Biên phòng đều “lạ nước, lạ cái” với công tác điều hành ở địa phương. Tôi chỉ nêu ra 3 đầu việc lớn để tập trung làm tốt: Củng cố an ninh quốc phòng và xây dựng thế trận an ninh nhân dân; tham gia phát triển kinh tế - xã hội; tham gia phát triển Đảng. Nếu làm tốt 3 việc này sẽ góp phần xây dựng “pháo đài” của Đảng ở biên giới. Vì vậy, cần phải chọn cán bộ chịu khó, có trách nhiệm, nhiệt huyết mới chịu nổi áp lực công việc đầy khó khăn”.

Lớp cán bộ đặt nền móng

Từ ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, BĐBP tỉnh tiến hành lựa chọn cán bộ tăng cường xã. “Tôi có anh bạn cùng nhập ngũ đang làm đồn trưởng đồn Biên phòng tuyến biển, xuống động viên anh tăng cường cho xã biên giới ở vùng cao. Anh chia sẻ: Làm việc ở xã rất khó, có nhiều vấn đề cần giải quyết, tôi không đủ khả năng làm được. Nếu điều chuyển tôi lên công tác ở xã biên giới vùng cao, có thể tôi sẽ gián tiếp giúp cho xã. Sau đó, đơn vị đã điều chuyển anh ấy lên biên giới làm đồn trưởng để cùng cán bộ đồn giúp đỡ địa phương” – Đại tá Nguyễn Văn Đức, nguyên Chính ủy BĐBP Quảng Nam kể lại.

Người dân xã biên giới A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam thu hoạch lúa. Ảnh: Hải Luận

Đại tá Nguyễn Văn Đức cho biết thêm: “Thời điểm đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, phụ trách BĐBP tỉnh, đồng chí cũng thúc giục nhanh chóng điều cán bộ tăng cường cho các xã biên giới. Về sau, Ban Thường vụ Đảng ủy BĐBP Quảng Nam chọn ra 4 cán bộ tăng cường cho các xã biên giới gồm: Trần Công Long, Nguyễn Ánh, Nguyễn Xanh và Đoàn Minh Vương.

“Anh Vương lúc đó đang làm cán bộ quân nhu, tôi gọi lên phòng thông báo sẽ điều động anh tăng cường cho xã biên giới. Lúc đầu, anh Vương e ngại, tôi động viên và phân tích cụ thể về việc tại sao Bộ Chỉ huy chọn cán bộ quân nhu đi làm phó bí thư đảng ủy xã. Sau đó, anh vui vẻ và an tâm thực hiện nhận nhiệm vụ” - Đại tá Nguyễn Văn Đức tâm sự.

Sau khi đã bàn bạc và thống nhất với Huyện ủy Tây Giang và Huyện ủy Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, Đại tá Nguyễn Văn Đức đã trực tiếp bàn giao các cán bộ tăng cường cho 2 địa phương.

Bài 2: Trục xuyên suốt lòng tin với dân

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xay-dung-phao-dai-cua-dang-o-bien-gioi-post431061.html