Xây dựng 'pháo đài' của Đảng ở biên giới (bài 5)

Nhiều năm qua, công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng biên giới đặc biệt khó khăn là vấn đề thách thức của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Chủ trương đưa cán bộ, đảng viên BĐBP về tăng cường tại các xã biên giới để củng cố tổ chức đảng và chính quyền địa phương đã đem lại nhiều kết quả trong hoạt động thực tiễn.

Bài 1: “Đỏ mắt” tìm cán bộ có trách nhiệm

Bài 2: Trục xuyên suốt lòng tin với dân

Bài 3: Gạt nước mắt ở lại với đồng bào

Bài 4: Nghị quyết trên mâm cơm

Bài 5: Làm mô hình trình diễn để dân học tập, làm theo

“Hôm họp triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, tôi đã quán triệt với các cán bộ tăng cường xã biên giới, phải tập trung tìm kiếm mô hình phát triển kinh tế ở địa phương để nâng cao thu nhập cho người dân. Đây là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất hiện nay, cũng là kỳ vọng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam. Sắp tới sẽ có hội nghị chuyên đề cán bộ tăng cường xã biên giới để bàn sâu các giải pháp căn cơ hơn” – Thượng tá Hoàng Văn Mẫn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Quảng Nam nêu nhiệm vụ rất rõ ràng.

Người dân xã biên giới La Dêê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đang dần cơ giới hóa trong sản xuất lúa nước. Ảnh: Hải Luận

Người dân xã biên giới La Dêê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đang dần cơ giới hóa trong sản xuất lúa nước. Ảnh: Hải Luận

Lúc làm việc với ông Ta Ngôn Thiếu, Chủ tịch UBND xã A Xan về vấn đề phát triển kinh tế – xã hội của địa phương sắp tới, Đại úy Zơ Râm Bên, Phó Bí thư Đảng ủy xã A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam thẳng thắn trao đổi: “Tuần trước, họp Ban Chấp hành Đảng bộ xã, tôi phát biểu, các chương trình, mục tiêu, giải pháp đã ghi đầy đủ trong nghị quyết, báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ xã A Xan, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Năm 2020 đã đi qua hơn một nửa, chỉ còn lại hơn 4 năm của nhiệm kỳ, xã phải làm gì đây? Những ngày bình thường chỉ cắt cử 1 đồng chí lãnh đạo trực ở văn phòng UBND xã, còn lại xuống cơ sở, giám sát thật chặt các công trình do Nhà nước đầu tư, tránh tình trạng “làm dối”, theo sát và đốc thúc các mô hình, dự án điểm về phát triển kinh tế vườn đồi ở trong dân. Cái nào làm tốt, hiệu quả kinh tế cao sẽ nhân rộng ra nhiều thôn làm theo”.

Giúp dân bằng cả tấm lòng

Thiếu tá ALăng XRăng, cán bộ Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng La Êê, BĐBP Quảng Nam đi xuống địa bàn vận động người dân chăn nuôi heo tập trung, nhân giống thành đàn heo nhiều con mới có lãi cao. Người dân trong vùng chẳng nghe XRăng nói. Một ngày cuối tuần, XRăng đi xe máy vượt gần 200km xuống huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam gặp người nuôi giống heo rừng. Anh giới thiệu mình ở trên vùng cao biên giới xuống học hỏi cách nuôi heo. Chủ trại nuôi heo mời anh ở lại qua đêm để hướng dẫn kinh nghiệm.

Tạo điểm nhấn

“Bao nhiêu năm nay, các hội nghị, cuộc họp nào cũng nói và phân tích đến mô hình trồng cây và chăn nuôi ở các hộ dân trong xã. Nói mãi thành quen luôn, nhưng thực tế vẫn chưa có mô hình nào mang tính chủ lực và điển hình cho dân làm theo. Lãnh đạo Đảng ủy và UBND xã La Dêê, huyện Nam Giang đang nỗ lực làm điểm giúp dân trồng bưởi da xanh, mít cao sản và cam Vinh, hy vọng đây là điểm nhấn của nhiệm kỳ này” – Thiếu tá Trần Thanh Vinh, Phó Bí thư Đảng úy xã La Dêê chia sẻ.

Trở về quê ở xã Zuôih, huyện Nam Giang, XRăng quyết định lấy tiền lương dành dụm bấy lâu mua vật liệu làm trại nuôi heo rừng bán hoang dã. “Lúc đó, mới xảy ra dịch tả lợn châu Phi, nhiều người phản đối ghê lắm. Tôi tự làm mọi công đoạn, mua 4 con giống F2 (heo nhà thụ tinh với heo rừng tự nhiên) trị giá 20 triệu đồng. Sau một thời gian, con này đẻ, con kia đẻ, đàn heo tăng lên gần 40 con. Tháng trước bán bớt 20 con, thu 80 triệu đồng, số còn lại để tăng đàn lên 100 con”.

Tiếng lành đồn gần xa, cán bộ xã và người dân ở các xã khác tự tìm đến tham quan mô hình nuôi heo của Thiếu tá ALăng XRăng. Anh đã vận động ông Rơ Nước Zức, ở xã Chơ Chun, huyện Nam Giang xuống xem mô hình. Về nhà, ông Zức đồng ý làm trại nuôi heo. XRăng đã bỏ hơn 10 ngày công làm chuồng trại cho ông Zức, mua 2 con giống thả nuôi. Tổng mức đầu tư của ông Zức chỉ 15 triệu đồng, hiện nay đã nhân ra 20 con heo, mới bán 2 con nhỏ với giá 6 triệu đồng. Theo XRăng, có 3 hộ chuẩn bị đầu tư trại nuôi heo giống như mô hình của anh.

“Hôm tôi lên rẫy của ông Zơ Râm Huấn, Bí thư Đảng ủy xã La Êê, huyện Nam Giang tìm hiểu tại sao heo của ông chết hết, mà heo của tôi không chết. Tôi khẳng định với ông Huấn: Anh thả nuôi đúng giống heo cận huyết nên nó chết. Anh nên đầu tư làm lại trại heo, thả giống nuôi F2, dù có đắt hơn chút đỉnh, nhưng nó đảm bảo tốt. Tôi sẽ giúp anh ngày công làm chuồng trại và kỹ thuật nuôi không lấy tiền” - Thiếu tá ALăng XRăng chia sẻ thành tâm.

Theo XRăng, thức ăn cho heo là thân cây chuối cắt nhỏ, các loại rau, sắn..., không cần phải nấu gì cả. Ngoài ra, XRăng còn nuôi trên 100 con vịt, gà và hồ nuôi cá sản lượng khoảng 1 tấn/năm.

Ứng dụng khoa học để tăng giá trị sản phẩm

Hiện nay, xã Ga Ry và xã Ch,Ơm, huyện Tây Giang đang triển khai dự án “Mô hình cây dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm”, tập trung trồng đẳng sâm, táo mèo, nhân sâm, ba kích... dùng chế biến dược liệu, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khả quan. Ông Pơloong Năng, Bí thư Đảng ủy xã Ch,Ơm nhẩm tính: “100% hộ dân ở đây tham gia trồng đẳng sâm với tổng diện tích hơn 200ha, trong đó, thôn Achoong chiếm gần một nửa. Các công đoạn như chọn giống, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch, bà con làm theo truyền thống nên năng suất vẫn còn thấp”.

Trong định hướng và quy hoạch phát triển kinh tế ở các xã biên giới của tỉnh Quảng Nam, ông Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam khái quát mục tiêu: “Tới đây sẽ khởi công xây dựng nhà máy chế biến nông sản nên các vùng cần có quy hoạch hợp lý để gắn kết vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến sâu, qua đó, tăng giá trị sản phẩm cho người sản xuất”.

Thiếu tá ALăng XRăng chăm sóc đàn gà, vịt trong trang trại của gia đình. Ảnh: Hải Luận

- Dọc biên giới tỉnh Quảng Nam có điều kiện khí hậu lý tưởng, tại sao không tập trung trồng và sản xuất lớn những loại cây có giá trị kinh tế cao? - Tôi đặt vấn đề.

- Những vùng này cần có những doanh nghiệp lớn hoặc viện nghiên cứu vào khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng mới quyết định trồng được cây gì có giá trị kinh tế cao. Cần phải ứng dụng khoa học để tăng giá trị và thu nhập của người dân.

- Người dân các xã biên giới họ hiểu rõ thổ nhưỡng, khí hậu, con người ở đây..., tại sao tỉnh, huyện không để cho các xã làm chủ đầu tư các dự án trồng cây, chăn nuôi nhỏ và vừa ở ngay địa phương như quy định của Chính phủ?

- Đó là thực tế đã diễn ra trong thời gian qua. Tới đây, cần xem xét kỹ lưỡng và sẽ giao cho xã làm chủ đầu tư để anh em ở cơ sở có trách nhiệm với người dân hơn và cập nhật được kiến thức thực tiễn. Phải mạnh dạn làm mới biết khả năng và trình độ của xã đến đâu, từ đó học tập bổ sung thêm kiến thức. Bám sát thực tiễn sẽ “gỡ” được nhiều vướng mắc.

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xay-dung-phao-dai-cua-dang-o-bien-gioi-bai-5-post431778.html