Xây dựng 'pháo đài' của Đảng ở biên giới (bài 4)

Nhiều năm qua, công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng biên giới đặc biệt khó khăn là vấn đề thách thức của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Chủ trương đưa cán bộ, đảng viên BĐBP về tăng cường tại các xã biên giới để củng cố tổ chức đảng và chính quyền địa phương đã đem lại nhiều kết quả trong hoạt động thực tiễn.

Ông Zơ Râm Huấn, Bí thư Đảng ủy xã La Êê, huyện Nam Giang, Quảng Nam. Ảnh: Hải Luận

Ông Zơ Râm Huấn, Bí thư Đảng ủy xã La Êê, huyện Nam Giang, Quảng Nam. Ảnh: Hải Luận

Bài 1: “Đỏ mắt” tìm cán bộ có trách nhiệm

Bài 2: Trục xuyên suốt lòng tin với dân

Bài 3: Gạt nước mắt ở lại với đồng bào

Bài 4: Nghị quyết trên mâm cơm

Bao nhiêu năm nay, Nhà nước đã đầu tư kinh phí để mua cây giống, con giống, phân bón... chở từ đồng bằng lên cấp cho đồng bào ở biên giới tỉnh Quảng Nam. Nhưng các dự án chỉ làm “nửa vời” và không hiệu quả, người dân lao động quần quật nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Hiện nay, đội ngũ cán bộ cấp xã đã cơ bản có bằng đại học, cần lắm có bước đột phá thật sự vào các mô hình phát triển kinh tế để làm thay đổi cuộc sống của người dân.

“Các xã biên giới tỉnh Quảng Nam có thời tiết mát mẻ giống như Đà Lạt, nhưng trái mướp, bó rau, quả trứng... phải chở từ dưới đồng bằng lên đây bán với giá rất cao. Khoan hãy nói về công nghệ, quy trình to tát người dân chưa theo kịp, mỗi khi ban hành nghị quyết, cần dựa trên mâm cơm của người dân. Xem bữa cơm của họ đã có rau, có thịt, có trứng... chưa? Vậy, tại sao bữa cơm của nông dân vẫn chưa thường xuyên có những món đó?” - Trung tá Nguyễn Xanh, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã La Êê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam (đã về hưu, hiện đang ở xã La Êê) đặt câu hỏi.

Dự án nửa vời - hiệu quả bằng “0”

Khu vực dọc biên giới tỉnh Quảng Nam nằm ở độ cao từ 900 - 1.500m so với mặt nước biển, nhiệt độ dao động từ 20 - 28oC, có lượng mưa nhiều trong năm, phù hợp các loại cây có múi, cây dâu tây, sầu riêng... có giá trị kinh tế cao. Đặc điểm những loại vật nuôi, cây trồng ở vùng này ăn rất ngon. Nếu tổ chức sản xuất tốt, làm thương hiệu giỏi, sẽ là nguồn cung lớn cho thị trường thành phố Đà Nẵng, Tam Kỳ, Huế...

Tiếc thay, lâu nay, các nguồn vốn Nhà nước đầu tư về cây trồng, vật nuôi ở vùng này đạt hiệu quả cực kỳ thấp, có những dự án hiệu quả bằng con số “0”. Cây keo dễ trồng nhất, bà con phát rẫy trồng, huyện cấp cây giống, sau 5 năm trồng và chăm sóc, gọi thương lái lên mua với giá thấp dưới 50% so với giá mua ở các xã sát đường Hồ Chí Minh, vì chi phí vận tải quá xa. Tính chi li ra, người trồng keo không có lời lãi gì.

Khi cấp giống bò cho nông dân, ngành nông nghiệp mua giống từ các trại bò lớn ở các tỉnh khác rồi đem về cấp cho các hộ nghèo ở xã biên giới. Bò giống mua ở các trang trại tỉnh khác ăn nhiều cám, ăn bột... theo kiểu “con nhà giàu”, khi về xã biên giới tỉnh Quảng Nam, bò phải sống theo kiểu “con nhà nghèo”, toàn ăn cỏ, lá cây rừng, liền bị ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, rồi không quen với khí hậu ở đỉnh Trường Sơn. Đây là nguyên nhân người dân nhận bò nuôi bị chết dần, chết mòn trong những tháng đầu tiên.

Tình cờ tôi đi tham quan vùng trồng lúa nước ở gần UBND xã La Êê, gặp nhiều nhà dân bỏ từng bao phân bón ngoài trời, tôi hỏi họ tại sao không sử dụng mà để hư hỏng uổng phí vậy? “Số phân này của huyện chở lên để trong UBND xã cấp cho dân, mang về nhà chẳng biết dùng như thế nào” - Ông Zơ Râm Ninh trả lời.

- Nông dân ở dưới đồng bằng họ quý từng nắm phân, sao nhà mình không tìm cách bón cho cây? - Tôi hỏi thẳng vào vấn đề.

- Phân phải bón vào mùa mưa để cây nó không bị chết, huyện cấp phân vào mùa nắng, ai mà dám bón cho cây.

- Nhà mình có được cấp giống cây gì không?

- Có, trước đây có cấp giống cây đinh lăng, trồng lên bán không có ai mua. Trồng giống quế ở ngoài miền Bắc đưa vào, không có mùi thơm, dân phải chặt bỏ sạch.

Ông Zơ Râm Huấn, Bí thư Đảng ủy xã La Êê thừa nhận: “Đa số các dự án cây trồng, vật nuôi đều do ngành nông nghiệp huyện làm chủ đầu tư. Họ chở cả xe lên cấp cho hộ nghèo là xong việc, hậu quả như thế nào thì xã phải gánh chịu với người dân. Đa số hộ nghèo lại không chịu khó trồng cây và chăm sóc tốt, nên hiệu quả không cao”.

- Xã mình hiểu thổ nhưỡng, khí hậu vùng này, tại sao không đứng ra làm chủ đầu tư cây trồng, vật nuôi để theo sát từ đầu đến cuối? - Tôi hỏi.

- Khi tôi đang làm Chủ tịch UBND xã La Êê đã nhiều lần họp dưới huyện nêu ra những bất hợp lý và đề nghị xã được làm chủ đầu tư về dự án trồng cây, chăn nuôi. Huyện trả lời, xã không đủ năng lực làm và khó quyết toán dự án.

- Cán bộ chủ chốt của xã đã tốt nghiệp đại học, trẻ hóa cán bộ, có thêm cán bộ Biên phòng tăng cường nữa, tại sao lại không đủ năng lực?

- Đó là trả lời của huyện. Xã không cần nhiều đâu, chỉ cần nguồn vốn 200 - 300 triệu đồng làm dự án trước, khi đó mới khẳng định được năng lực của xã đến đâu.

- Anh có dám cam kết, nếu không thành công sẽ chịu trách nhiệm kỷ luật?

- Điều đó là đương nhiên rồi. Tôi đang có đất rẫy, năm sau huyện có cho làm chủ đầu tư hay không, tôi vẫn tự bỏ vốn ra trồng cam Vinh và bưởi da xanh, phải làm mới có kinh nghiệm nói chuyện với dân, chí ít mấy ông dự án lên đây cũng có cái để nói chuyện từ thực tiễn với họ.

Vườn cây ăn trái của ông A Lăng Diệm, Phó Chủ tịch UBND xã La Dêê (đi trước), huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam có nhiều cây rừng mọc xen lẫn. Ảnh: Hải Luận

Soi thực tế vườn cây “kiểu mẫu” của xã

Tôi sang tìm hiểu về phát triển kinh tế - xã hội ở xã La Dêê, huyện Nam Giang, gặp Thiếu tá Trần Thanh Vinh (Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang) làm cán bộ tăng cường xã với chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã La Dêê, giới thiệu với tôi mô hình trồng cây ăn trái điểm của xã. Ông A Lăng Diệm, Phó Chủ tịch UBND xã La Dêê dẫn tôi đi xa hơn 10km, với độ cao khoảng 1.300m so với mặt nước biển, thời tiết rất mát mẻ. “Đây là đất của nhà tôi, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Giang hợp tác làm dự án, họ mua giống mít, bưởi da xanh, tập huấn kỹ thuật, hai vợ chồng tôi trực tiếp trồng và tưới nước. Trồng được 6 tháng rồi, chưa biết kết quả như thế nào. Trong xã cũng có mấy hộ thực hiện dự án trồng cây giống như tôi” - Ông A Lăng Diệm tâm đắc giới thiệu.

Quan sát kỹ vườn cây của ông Diệm đang chăm sóc, thấy cây rừng lên khá nhiều, trong đó có cây keo nằm xen lẫn giữa cây bưởi da xanh. Tôi hỏi ông Diệm:

- Tại sao lại trồng xen lẫn, để cây keo che kín làm cây bưởi không lớn nổi?

- Tui chờ cây keo lớn lên chặt bán, rồi cây bưởi lên sau.

- Cách anh tưới nước như thế nào?

- Tui xách nước lên tạt thẳng vào gốc.

Nhìn thực tế ông Diệm làm vườn cây, tôi nghiệm ra rằng, dự án của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Giang làm chủ đầu tư chưa theo sát thực tế tại vườn cây để hướng dẫn một cách kỹ lưỡng cho người dân hiểu và áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt. Đó là chưa kể cách phòng, chống sâu bệnh, bao trái chống côn trùng...

Bài 5: Tự bỏ tiền làm mô hình trình diễn

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xay-dung-phao-dai-cua-dang-o-bien-gioi-bai-4-post431541.html