Xây dựng nông thôn ở thị xã Sơn Tây, 'thay áo mới' từ những xuất phát điểm thấp - Kỳ 1: Vượt khó xây dựng những tiêu chí bền vững

10 năm thực hiện Chương trình 2 của Thành ủy Hà Nội về 'Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới', từng bước nâng cao đời sống nhân dân, từ những xuất phát điểm thấp, thị xã Sơn Tây đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để thực hiện các phong trào 'Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới' và cuộc vận động 'Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Về Sơn Tây – Xứ Đoài mây trắng bây giờ, diện mạo nông thôn mới thực sự đã được 'khoác áo mới'.

Thị xã Sơn Tây có 6 xã thực hiện xây dựng NTM. Với nhiều giải pháp quyết liệt được triển khai, đến hết năm 2018, Thị xã đã hoàn thành xây dựng NTM ở cả 6/6 xã. Đáng chú ý, trong lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù diện tích sản xuất giảm, nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp thị xã Sơn Tây thời gian qua vẫn tăng 3-5%/năm.

Gắn với xây dựng NTM, thị xã Sơn Tây đã cải tạo, nâng cấp 227km đường giao thông nông thôn; 35 dự án cứng hóa kênh mương, hồ, đập; nâng cấp, cải tạo, xây mới 59/70 nhà văn hóa, khu thể thao thôn, làng... Đến hết năm 2018, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của thị xã đạt 39 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,21%...

Nhìn vào những kết quả của hiện tại, không nhiều người biết rằng, 10 năm trước, 6 xã của thị xã Sơn Tây từng có xuất phát điểm rất thấp để xây dựng NTM. Bà Phan Thị Hảo, Phó Chủ tịch UBND thị xã cho biết: Năm 2010, xuất phát điểm xây dựng NTM của thị xã với nhiều khó khăn, thách thức: Số tiêu chí đạt và cơ bản đạt của các xã thấp (3-5 tiêu chí), thu nhập bình quân theo đầu người còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao (8,86%). Kinh tế tập thể tuy đã được quan tâm nhưng phát triển chậm và hiệu quả chưa cao, kinh tế trang trại, gia trại ở quy mô nhỏ công nghiệp – dịch vụ chưa phát triển đồng bộ. Nhận thức của nhân dân về xây dựng NTM còn chưa đầy đủ.

Bà Hoàng Thị Tý, người dân thôn Ngải Sơn, xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây góp công xây dựng mương nội đồng. Ảnh: P.T

Bà Hoàng Thị Tý, người dân thôn Ngải Sơn, xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây góp công xây dựng mương nội đồng. Ảnh: P.T

Lấy ví dụ ở xã Kim Sơn, trước khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã có xuất phát điểm rất thấp. Theo bà Lê Thị Chính, Chủ tịch UNBD xã Kim Sơn thì: Có những tiêu chí về giao thông, nước sạch, thực sự rất khó khăn. Nhưng đến nay, các tiêu chí xây dựng NTM của xã đều đã đạt chuẩn, trong đó tiêu chí “cứng” hóa các đường giao thông nội đồng, mương nội đồng đã hoàn thành với mức điểm được chấm rất cao (10/10 điểm).

Điểm đặc biệt ở Kim Sơn là ở chỗ, đảng bộ, chính quyền nơi đây đã tích cực tuyên truyền, đã sâu sát đến từng hộ dân để bà con hiểu, xây dựng NTM là sự nghiệp của chính nhân dân, có lợi cho nhân dân. Việc cứng hóa giao thông nội đồng, mương nội đồng và nhiều phần việc khác có sự góp công không nhỏ của bà con. Bà con nhân dân ở đây rất tích cực tham gia các công trình, các phần việc xây dựng NTM, bởi họ xác định đó trước hết là vì lợi ích của chính bản thân mình, gia đình mình trong xây dựng, phát triển kinh tế.

Người dân xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây được tạo điều kiện vay vốn nông nghiệp, phát triển kinh tế hộ gia đình. Ảnh: D.L

Bà Hoàng Thị Tý, người dân thôn Ngải Sơn, xã Kim Sơn cho biết: “Chúng tôi khi tham gia xây dựng NTM, ai cũng phấn khởi. Bởi Nhà nước đã lo giúp bà con nguyên vật liệu, chúng tôi góp ngày công, giờ làm. Nếu thuê nhân công, thuê đơn vị thi công, mỗi hộ dân phải góp vào xây đường, xây mương khoảng 3 triệu đến 7 triệu đồng. Mức đóng góp như vậy là quá cao với bà con. Nhờ sự tham mưu góp ý, tính toán có hợp lý của chính quyền và nhân dân, mỗi hộ dân góp công sức, góp giờ làm, góp thêm chi phí là 500 nghìn đồng một hộ. Và công việc này thực chất là có lợi cho chúng tôi, nên bà con ai cũng góp sức nhiệt tình lắm”.

Xã Đường Lâm – vốn nổi tiếng với làng cổ Đường Lâm, nhưng thời điểm khi bắt tay vào xây dựng NTM, theo nhận định của chính quyền và nhân dân nơi đây thì tình hình lúc đó đúng là: Ngổn ngang trăm mối. Bởi xã có địa bàn rộng, trên địa bàn có vùng đồi gò, đất bạc màu nên khó khăn trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Dân số lại khá đông, tỷ lệ lao động nông nghiệp cao, thu nhập bình quân đầu người mới đạt khoảng 16-17 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 6,25%; trên địa bàn xã lại không có DN nên việc huy động nguồn vốn xây dựng NTM khó khăn. Ngoài ra, lúc đó, đường trục chính nội đồng của xã vẫn là đường đất. Đặc biệt, tuyến ngõ vào thôn Mông Phụ là làng cổ phải lát gạch để bảo tồn nên cần nhiều kinh phí. Các công trình nhà văn hóa và trường mầm non ở làng cổ Mông Phụ đều xuống cấp nhưng không có đất để xây mới…

Thế nhưng về Đường Lâm bây giờ, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn không ngừng được nâng cấp và hoàn thiện, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng, nhất là các hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh. Trong xã, các hộ dân được khuyến khích phát triển kinh tế, phát triển các mô hình trang trại như: Nuôi gà mía, nuôi bò sữa… Qua đó mà đời sống của nhân dân đã khá lên.

Từ xuất phát điểm chỉ ở mức có 3 đến 5 tiêu chí đạt trên tổng số 19 tiêu chí cần có của chương trình NTM, các xã ở thị xã Sơn Tây đã rất nỗ lực để vượt khó, hoàn thành các chương trình xây dựng NTM với tất cả tiêu chí đều đạt chuẩn.

Hiện nay, Sơn Tây đang hoàn thiện hồ sơ để đề nghị các cấp có thẩm quyền công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng chuẩn NTM năm 2019. Đồng thời, triển khai xây dựng NTM nâng cao tại xã Thanh Mỹ, phấn đấu hoàn thành năm 2020.

(Còn nữa)

Phan Thủy – Duy Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/xay-dung-nong-thon-o-thi-xa-son-tay-thay-ao-moi-tu-nhung-xuat-phat-diem-thap-ky-1-vuot-kho-xay-dung-nhung-tieu-chi-ben-vung-161256.html