Xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn: 25% thôn, bản được công nhận đạt chuẩn

Ngày 3/12/2020 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết xây dựng nông thôn mới (NTM) vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020, định hướng giai đoạn 2021-2025.

Vùng đặc biệt khó khăn bao gồm các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các huyện nghèo. Đây là vùng có điều kiện phát triển còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao, địa bàn chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa, bị chia cắt bởi địa hình, thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão lũ...

100% đường thôn bản của xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - xã đặc biệt khó khăn đã được bê tông hóa

100% đường thôn bản của xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - xã đặc biệt khó khăn đã được bê tông hóa

Trong giai đoạn 2016-2020, với sự quan tâm chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, sự quyết tâm của hệ thống chính trị và nỗ lực vươn lên của một bộ phận người dân, đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng đặc biệt khó khăn đã có nhiều khởi sắc.

Báo cáo đánh giá xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 nêu rõ: Đến nay, đã có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và 14/30 huyện nghèo được hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn, nhưng chưa có huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Có 315/2.430 xã đặc biệt khó khăn, xã ATK thuộc Chương trình 135 và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn NTM (đạt 13%); 15/108 xã (13,9%) thuộc 4 Đề án xây dựng NTM đặc thù (Điện Biên, Lào Cai, Bắc Kạn, Nghệ An) đã đạt chuẩn NTM; 337/3.513 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc Đề án 1385 được công nhận đạt chuẩn NTM (đạt 9,6%). Ước đến hết năm 2020 có khoảng 25% thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM. Tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng khoảng 791.909 tỷ đồng (bằng 38,1% của cả nước).

Đến nay, có khoảng 80% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 73% đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được cứng hóa; trên 70% số thôn, bản có đường trục giao thông được cứng hóa. 100% số xã và 97,8% số thôn đã có điện lưới quốc gia…

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được nhiều địa phương chú trọng triển khai. Đã có khoảng 1.060 sản phẩm OCOP của các chủ thể ở vùng khó khăn được chuẩn hóa theo bộ tiêu chí quốc gia (chiếm 50,8% của cả nước). Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm 5,65%/năm, các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm bình quân khoảng 4%/năm.

Để có được kết quả đó, các bộ, ngành Trung ương đã chủ động tham mưu trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách. Huy động đầu tư xây dựng NTM trên địa bàn đặc biệt khó khăn khoảng 791.909 tỷ đồng, (cả nước là 2.079.819 tỷ đồng), bằng 38,1% tổng vốn huy động của cả nước.

Kết quả đạt được khá nổi bật, trong đó hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn vùng đặc biệt khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, được chú trọng phát triển, góp phần nâng cao điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân. Chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân trong vùng ngày càng được nâng cao. Hệ thống chính trị ở cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng NTM được phát huy. An ninh trật tự trên địa bàn đặc biệt khó khăn cơ bản được giữ vững.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, khó khăn cần khắc phục như: Kết quả đạt chuẩn NTM của các địa phương vùng đặc biệt khó khăn chênh lệch khá lớn so với vùng miền khác của cả nước. Tiến độ và kết quả thực hiện các tiêu chí NTM đạt thấp so với bình quân chung cả nước...

Vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương cần quan tâm chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để hoàn thành các mục tiêu phấn đấu xây dựng NTM trên địa bàn. Tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân theo quy hoạch đã được phê duyệt gắn với bố trí, ổn định dân cư bảo đảm phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Quan tâm đến công tác đào tạo nghề, phát triển ngành nghề truyền thống gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu tại địa phương, các sản phẩm đặc sản có lợi thế theo Chương trình OCOP. Đồng thời, phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn.

Tiến Lợi

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xay-dung-nong-thon-moi-vung-dac-biet-kho-khan-25-thon-ban-duoc-cong-nhan-dat-chuan-149116.html