Xây dựng nông thôn mới trên đất Kinh Bắc

Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều địa phương ở tỉnh Bắc Ninh đã có những cách làm riêng, sáng tạo phù hợp với đặc thù về vị trí địa lý, kinh tế - xã hội của mỗi vùng miền, nhưng cùng mục tiêu là sớm về đích.

Xã Cách Bi, huyện Quế Võ được công nhận xã nông thôn mới năm 2017.

Khai thác lợi thế sẵn có

Huyện Quế Võ nằm ở phía đông tỉnh Bắc Ninh, cách thành phố Bắc Ninh 10 km về phía bắc, là địa phương có diện tích rộng và dân số đông nhất tỉnh, với hệ thống giao thông đường bộ và đường sông thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2018, Quế Võ đặt mục tiêu quyết tâm cán đích chuẩn NTM.

Ðến nay, sau hơn bảy năm triển khai thực hiện xây dựng NTM, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2010 - 2018 tăng bình quân 15,3%/năm, GRDP thực hiện năm 2018 đạt 8.494 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 56,3 triệu đồng/người/năm. Năm 2017, xã Cách Bi đã được công nhận đạt chuẩn NTM, người dân được hưởng thụ những thành quả thiết thực từ hệ thống điện - đường - trường - trạm cho đến các công trình văn hóa, trường học…

Chủ tịch UBND huyện Quế Võ Hoàng Minh Xuyên cho biết: Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị quan trọng, vì vậy, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tạo sự đồng thuận của người dân qua cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Quế Võ xác định mục tiêu xây dựng NTM không chỉ là nhiệm vụ của các cấp chính quyền mà còn là trách nhiệm, quyền lợi của mỗi người dân. Do đó, yếu tố then chốt, thành công trong công cuộc xây dựng NTM chính là nhờ sự chủ động, sáng tạo của chính người dân.

Trong xây dựng NTM, huyện Quế Võ tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp với nhiều giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng các kỹ thuật canh tác mới nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Huyện đã có một số mô hình nông nghiệp nổi bật như mô hình sản xuất lúa chất lượng cao Nàng Xuân, Bắc thơm số 7, mô hình trồng khoai tây giống và khoai tây thương phẩm, trồng dưa lưới, dưa vàng, 1.100 ha sản xuất rau an toàn, công nghệ chuồng kín trong chăn nuôi lợn, nuôi thỏ Niu Di-lân, chim bồ câu, cá lồng siêu thâm canh... Việc phát triển các mô hình này góp phần thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, thu hút doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh đầu tư vào địa phương. Quế Võ cũng triển khai nhiều chính sách về đào tạo nghề và giải quyết việc làm, như chính sách dạy nghề cho người nghèo, tàn tật, lao động nông thôn, và chính sách khuyến khích phụ nữ, thanh niên khởi nghiệp, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 40% năm 2011 lên 67% năm 2018.

Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Từ một huyện thuần nông, sau hơn bảy năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn tại huyện Gia Bình đã được nâng cấp, thay đổi cơ bản cảnh quan môi trường; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện. GRDP giai đoạn 2011 - 2018 tăng bình quân 8,5%/năm, thu nhập bình quân năm 2017 đạt 41 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1 đến 1,5%/năm.

Ðể có được kết quả như hôm nay, trong những năm qua, nông dân huyện Gia Bình đã chủ động chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng năng suất, chất lượng, giá trị và hiệu quả sản xuất. Ðồng thời, huyện tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất như mô hình trồng lúa giống lai, đề án phát triển thủy sản, mô hình nuôi cá lồng trên sông Ðuống, trang trại nuôi lợn, thủy cầm, gia cầm, ba ba, thỏ, mô hình trồng nấm, mô hình cây ăn quả, rau an toàn…

Huyện đã huy động và đầu tư gần 250 tỷ đồng thảm nhựa, đổ bê-tông gần 25 km đường trục xã và gần 130 km đường trục, đường làng ngõ xóm, giao thông trục chính đường nội đồng, bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân. Ðồng thời, huyện chủ động xây dựng, sửa chữa 54 trạm bơm tưới, tiêu nước, kiên cố hóa hơn 45 km kênh tưới tiêu, nạo vét gần 700 nghìn mét khối kênh mương... Hệ thống thủy lợi của huyện bảo đảm đáp ứng yêu cầu sản xuất, tưới tiêu nước mùa vụ, phòng, chống thiên tai và phục vụ nhu cầu dân sinh, cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, 57 công trình trường học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở của huyện được xây mới và sửa chữa giúp tất cả các trường học trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia. Ngoài ra, 37 công trình nhà văn hóa thôn, nhà văn hóa xã, trụ sở ủy ban nhân dân xã được đầu tư 94 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cho người dân.

Ðáng chú ý, để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, Gia Bình chú trọng công tác đào tạo nhân lực, đa dạng các hình thức đào tạo nghề, tạo điều kiện cho người lao động học nghề. Huyện tổ chức mở nhiều lớp khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư dạy nghề cho nông dân, nhằm tạo ra nguồn nhân lực có tay nghề và chuyên môn kỹ thuật góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lao động nông thôn từ nông nghiệp chuyển dần sang lao động phi nông nghiệp. Tính đến tháng 6-2018, số lao động có việc làm của 13 xã trên địa bàn huyện đạt 96%.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Bình Nguyễn Văn Ðịnh, một trong những yếu tố tiên quyết, hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM tại Gia Bình là thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, qua đó mọi người dân tin tưởng tham gia đóng góp xây dựng và giám sát quá trình thực hiện, phát huy hiệu quả vốn đầu tư xây dựng NTM.

Bài, ảnh: THÁI SƠN và TÂM THỜI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/38627902-xay-dung-nong-thon-moi-tren-dat-kinh-bac.html