Xây dựng nông thôn mới tại vùng đặc biệt khó khăn: Phải linh hoạt, sáng tạo hơn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết xây dựng nông thôn mới (NTM) vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) giai đoạn 2016-2020, định hướng giai đoạn 2021-2025.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, giai đoạn 2016-2020, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để tập trung ưu tiên, hỗ trợ các địa phương vùng ĐBKK phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có xây dựng NTM. Từ những cơ chế, chính sách đặc thù, tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng NTM trên địa bàn ĐBKK giai đoạn 2016-2020 khoảng hơn 791.900 tỷ đồng (bằng 38,1% tổng vốn huy động của cả nước).

Đường NTM ở huyện vùng cao Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái

Đường NTM ở huyện vùng cao Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái

Đến nay, cả nước có 8 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng ĐBKK và 14/30 huyện nghèo được hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP thoát khỏi tình trạng khó khăn nhưng chưa có huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Có 315/2.430 xã ĐBKK, xã ATK thuộc Chương trình 135, xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn NTM (đạt 13%). Ngoài ra, có 15/108 xã (13,9%) thuộc 4 đề án xây dựng NTM đặc thù (Điện Biên, Lào Cai, Bắc Kạn, Nghệ An) đã đạt chuẩn NTM... Ước tính đến hết năm 2020 có khoảng 25% thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, xây dựng NTM tại vùng ĐBKK vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như: Chất lượng cơ sở hạ tầng ở nhiều địa phương còn thấp; tình trạng di dân tự do, thiếu đất ở, thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt... vẫn diễn ra ở một số nơi. Hơn thế, vùng ĐBKK cũng đang là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Từ thực tế này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập để phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBKK trong giai đoạn 2021-2025 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Cùng với vai trò của các bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương; sự hưởng ứng vào cuộc của người dân là hết sức quan trọng.

Về phương hướng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, việc triển khai xây dựng NTM tại các vùng ĐBKK phải có cách làm sáng tạo, linh hoạt hơn, không rập khuôn và phải phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng vùng, miền. Trong đó, lấy phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm và dành sự quan tâm đặc biệt cho giáo dục - đào tạo.

Việc xây dựng NTM tại khu vực ĐBKK phải gắn với việc đẩy mạnh đầu tư phát triển vùng, chứ không đơn lẻ, cô lập; phải gắn đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối của vùng và của quốc gia. Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương triển khai lập quy hoạch đánh giá các khu vực dễ sạt lở đất, những khu vực nguy hiểm để làm cơ sở quy hoạch phân bố lại dân cư. Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Điện, nước sạch, thủy lợi, y tế, giáo dục, các hạ tầng để phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân. Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hạ tầng và nhân lực để thu hút các nhà đầu tư vào khu vực ĐBKK, vào những địa phương miền núi.

Song song với triển khai các chương trình, dự án, Phó Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động, quán triệt sâu rộng tới các cấp chính quyền và người dân phương châm "xây dựng NTM là của dân, do dân, người dân hưởng lợi, dân làm, nhà nước hỗ trợ". Hơn ai hết, người dân cần nâng cao sự tự chủ để cuộc sống khá giả hơn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng: “Để nông thôn thực sự mới, cần sự vào cuộc tích cực hơn của cấp ủy, chính quyền các địa phương. Tập trung phấn đấu không còn huyện trắng xã NTM. Mỗi tỉnh có ít nhất một đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM và không còn xã dưới 5 tiêu chí xây dựng NTM”.

Hoàng Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xay-dung-nong-thon-moi-tai-vung-dac-biet-kho-khan-phai-linh-hoat-sang-tao-hon-149377.html