Xây dựng nông thôn mới tại Sóc Sơn:Tập trung nguồn lực nâng cấp hạ tầng

Sau 7 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/Tu của Thành ủy về 'Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020', đến nay toàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã có 20/25 xã về đích nông thôn mới. Trong năm 2019, huyện Sóc Sơn phấn đấu đưa 5 xã còn lại gồm: Minh Phú, Tân Minh, Xuân Thu, Kim Lũ, Bắc Sơn sớm về đích nông thôn mới.

Đời sống nông dân từng bước được cải thiện

Với mục tiêu phấn đấu 100% số xã về đích trong năm 2019, từ khi triển khai giai đoạn 2 Chương trình số 02, huyện Sóc Sơn đã tập trung nguồn lực nâng cấp hạ tầng. Theo đó, đã xây dựng được gần 72km giao thông trục xã, thôn và trên 191km đường ngõ xóm; đầu tư 37 trạm bơm, gần 68km kênh mương thủy lợi. Triển khai thực hiện 32 dự án nâng cấp trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và 27 nhà văn hóa…

Kết quả đến nay, 5 xã còn lại chưa về đích nông thôn mới đã đạt từ 15 - 17 tiêu chí, các tiêu chí còn lại đều cơ bản đạt. Bên cạnh đó, căn cứ Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Sóc Sơn đã đạt 6/9 tiêu chí; còn lại 3 tiêu chí cơ bản đạt là giao thông, thủy lợi, môi trường.

Một trong những điểm nhấn ấn tượng trong xây dựng nông thôn mới huyện Sóc Sơn là đời sống nông dân từng bước được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 43,2 triệu đồng/người/năm. Toàn huyện không còn nhà dột nát, đa số các hộ có nhà ở kiên cố, khang trang. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đã giảm còn khoảng 1,8%. Các hoạt động chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân và giáo dục các cấp được bảo đảm và không ngừng nâng cao…

Đánh giá cao nỗ lực của huyện Sóc Sơn trong triển khai Chương trình số 02 thời gian qua, bà Hoàng Thị Huyền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, nhận định: Để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2019, các cấp ngành địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, từ đó chung tay, đóng góp vào việc thực hiện chương trình, nhất là tại 5 xã chưa về đích. Đối với các xã đã về đích nông thôn mới, cần quan tâm, duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt.

Cùng với cơ sở hạ tầng, bà Huyền cũng đề nghị địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhân rộng những mô hình canh tác có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân.

Tiếp tục tập trung phát triển kinh tế

Bên cạnh những thành tích đã đạt được trong công tác xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới, UBND huyện Sóc Sơn sẽ đẩy mạnh tập trung phát triển kinh tế. Trong đó, chú trọng thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển chăn nuôi; khuyến kích phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại xa khu dân cư, đảm bảo môi trường. Huyện cũng chủ trương thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho cây trồng vật nuôi, tập trung chỉ đạo sản xuất đúng khung thời vụ, tổ chức lại sản xuất ở các xã đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, quan tâm xây dựng, tăng quy mô các vùng sản xuất tập trung.

Bên cạnh đó, thời gian tới huyện sẽ tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, xây dựng và phát triển các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng. Đồng thời tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình có hiệu quả kinh tế cao như: Sản xuất nấm, rau hữu cơ, rau an toàn, cây ăn quả, hoa chất lượng, chè an toàn…

Ngoài ra huyện Sóc Sơn cũng đề ra mục tiêu giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, đăng ký xã nông thôn kiểu mẫu tại 20/25 xã đã hoàn thành nông thôn mới. Phấn đấu hoàn thành nông thôn mới năm 2019 tại 5 xã: Minh Phú, Bắc Sơn, Tân Minh, Xuân Thu, Kim Lũ và hoàn thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

HUYỀN THANH

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/tap-trung-nguon-luc-nang-cap-ha-tang-d2064527.html