Xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Long: Vai trò chủ thể của người dân là yếu tố quyết định

Những năm qua, chương trình xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Vĩnh Long có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là phát huy sức mạnh từ nhân dân. Nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành, phát huy và khai thác được sức mạnh của toàn xã hội, cũng như lợi thế của địa phương. Đặc biệt, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới là một trong những yếu tố quyết định sự thành công.

Đến với Vĩnh Long hôm nay, có thể nhận thấy rõ những thay đổi về cơ sở hạ tầng ở các địa phương, đặc biệt là hệ thống đường giao thông nông thôn được nâng cấp khang trang, giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi… Vĩnh Long đã hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2020 đề ra (sớm hơn hai năm).

Điểm nổi bật trong xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Long là tập trung phát huy nội lực, làm tốt công tác vận động, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Năm 2019, tổng nguồn lực xây dựng nông thôn mới tại Vĩnh Long đạt hơn 656 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hơn 619 tỷ đồng, huy động đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp và nguồn lực của cộng đồng người dân hàng chục tỷ đồng…

Hạ tầng giao thông nông thôn tại Vĩnh Long được nâng cấp nhiều từ xây dựng nông thôn mới

Hạ tầng giao thông nông thôn tại Vĩnh Long được nâng cấp nhiều từ xây dựng nông thôn mới

Nhiều địa phương tại Vĩnh Long đã trở thành “điểm sáng” trong xây dựng nông thôn mới, huy động được sức dân, sự đồng lòng chung sức của các cấp ngành, đoàn thể… Như tại huyện Mang Thít, trong nhiệm kỳ 2015- 2020, huyện Mang Thít xây dựng 5/5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra, nâng tổng số đến nay có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, Mang Thít có xã Long Mỹ là xã đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long đạt nông thôn mới giai đoạn 1 và xã An Phước đạt nông thôn mới đầu tiên của Vĩnh Long trong giai đoạn 2.

Khi bắt tay xây dựng chương trình quốc gia về nông thôn mới, huyện Mang Thít huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và có sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Công tác phối kết hợp giữa Ban chỉ đạo và các ngành chặt chẽ, kịp thời, có sự hỗ trợ của tỉnh và đã phát huy nội lực từ chính quyền đến các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đề ra.

Cùng với chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp, việc mời gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cũng được xúc tiến, mang lại nhiều kết quả tích cực; một số ngành công nghiệp có lợi thế so sánh phát triển nhanh như chế biến thức ăn chăn nuôi, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ... tạo công ăn việc làm cho người dân nông thôn. Qua đó đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của địa phương, đồng thời cũng góp phần quan trọng trong nâng cao mức thu nhập của hộ dân cư nông thôn.

Hay như tại huyện Long Hồ, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân một số xã trước gặp nhiều khó khăn do hệ thống đường giao thông nông thôn xuống cấp trầm trọng. Nhưng kể từ khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai, người dân tích cực tham gia xây dựng, nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân thuận lợi, dễ dàng hơn.

Như năm 2019, tuyến đường nối liền xã Long Phước với xã Phú Đức được thi công. Để làm tuyến đường này, người dân đã hiến nhiều diện tích đất cùng hoa màu và vật kiến trúc... Theo UBND xã Long Phước, nhờ làm tốt công tác vận động và sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, trong năm qua, xã đã xây dựng được nhiều tuyến đường nhựa rộng lớn. Hiện nay, đường liên xóm ở xã đạt 100%. Nhiều tuyến đường vừa đưa vào sử dụng tạo sự phấn khởi trong nhân dân, như đường liên xóm Bờ Chùa nối dài ấp Phước Ngươn và tuyến đường Kênh Mương dài 1.463m với kinh phí hơn một tỷ đồng; ba cây cầu ở hai ấp Phước Ngươn B và ấp Long Thuận…

Phong trào xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Long đang tạo được sức lan tỏa. Thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới đến toàn thể cán bộ, nhân dân. Cùng với đó, tạo điều kiện cho người dân trực tiếp tham gia phát triển kinh tế, tổ chức sản xuất nhằm nâng cao đời sống. Người dân là chủ thể kiểm tra, giám sát, phản biện và là chủ thể thụ hưởng trong xây dựng nông thôn mới. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy người dân tích cực tham gia, đây là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương…

Linh Nhi

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xay-dung-nong-thon-moi-o-vinh-long-vai-tro-chu-the-cua-nguoi-dan-la-yeu-to-quyet-dinh-149502.html