Xây dựng nông thôn mới nâng cao theo hướng đô thị và văn minh

Cuối năm 2017, huyện Thanh Trì đã được thành phố (TP) Hà Nội quyết định công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Kể từ đó đến nay, đời sống kinh tế - xã hội của người dân trên địa bàn huyện ngày càng có nhiều khởi sắc. Để tiếp tục duy trì chuẩn và nâng cao chất lượng các tiêu chí gắn với đô thị văn minh và bảo vệ môi trường, năm 2019, huyện Thanh Trì tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới nâng cao tại 6 xã, kịp thời đáp ứng nhiệm vụ phát triển của thành phố trong giai đoạn mới…

Báo cáo công tác duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới (NTM) đã đạt được trong thời gian qua, đại diện Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Thanh Trì cho biết, sau 3 năm thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy (giai đoạn 2016 - 2020), trên địa bàn huyện Thanh Trì các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội đã được đầu tư xây dựng mới và cải tạo nâng cấp khang trang sạch đẹp, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.

Nhiều công trình an sinh trên địa bàn huyện Thanh Trì được xây dựng mới

Nhiều công trình an sinh trên địa bàn huyện Thanh Trì được xây dựng mới

Đặc biệt, nhận thức của cán bộ đảng viên và nhân dân trong huyện về chủ trương “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020” được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Trong đó, các tiêu chí xây dựng NTM đã và đang được duy trì, củng cố và nâng cao.

Theo ông Đặng Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, nhằm tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa các tiêu chí về NTM, trong năm 2019, huyện tiếp tục thực hiện Quyết định số 4212/QĐ – UBND ngày 20/8/2018 của UBND Thành phố Hà Nội về việc ban hành Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020. Để chủ động thực hiện vấn đề này, Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM của huyện đã tập trung chỉ đạo rà soát, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Trong đó, huyện đã tập trung chỉ đạo hoàn thành xây dựng và công khai các quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn như quy hoạch phân khu S4, S5, GS, GSA, H2-3, H2-4, tổ chức công bố lấy ý kiến cộng đồng 4 đồ án quy hoạch chi tiết hai bên đường và quy hoạch khu trung tâm huyện tỷ lệ 1/500. Bố trí kinh phí và chỉ đạo các xã rà duyệt điều chỉnh quy hoạch NTM, quy hoạch khu trung tâm xã tỷ lệ 1/500 cho phù hợp với các quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn; 100% các xã đạt tiêu chí theo chuẩn nâng cao.

Kết quả, sau 3 năm triển khai, huyện đã bố trí trên 1.188 tỷ đồng để tập trung đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiến các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, các dự án hạ tầng khung và các công trình phúc lợi, an sinh xã hội…Đến nay, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi rõ nét theo hướng đô thị và văn minh, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Có thể thấy, với sự vào cuộc sát sao của các cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của người dân. Đến nay, nhiều tuyến đường giao thông quan trọng của huyện đã hình thành như tuyến đường nối Tứ Hiệp - Ngũ Hiệp, đường nối đường Phan Trọng Tuệ chạy dọc sông Hòa Bình, đường phía Đông và phía Tây khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, 2 tuyến đường trục xã Vĩnh Quỳnh và trên 2,5 km đường ngõ xóm tại các xã Liên Ninh, Hữu Hòa, Tả Thanh Oai...Các tuyến đường trục xã, thôn được thực hiện duy trì vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, tạo cảnh quan môi trường.

Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay trên địa bàn huyện đã cải tạo, nâng cấp được khoảng hơn 300km đường liên xã, trục xã, liên thôn, trục thôn và đường ngõ xóm với tổng kinh phí khoảng 316 tỷ đồng; trong đó năm 2016 cải tạo, nâng cấp 94,1km; năm 2017 cải tạo nâng cấp 177,1 km; năm 2018 được 89,8km. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa các trường học. Tính đến nay, số trường đạt chuẩn Quốc gia của huyện là 49/77 trường, đạt 63,6%, trong đó cấp THCS: 19/22 (86%), cấp Tiểu học: 19/25 (76%), cấp Mầm non: 11/30 (36,6%).

Cùng với đó, các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện cho công tác tuyên truyền và triển khai các công việc tới từng người dân, đến nay 100% các thôn đều có điểm sinh hoạt văn hóa và đều được đầu tư trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cộng đồng dân cư. Trên địa bàn huyện đã có một trung tâm VHTT&TT huyện; 88 nhà văn hóa thôn, khu dân cư, tổ dân phố, hai trung tâm văn hóa xã (Đông Mỹ, Tứ Hiệp); Thường xuyên quan tâm đến các hộ nghèo, các gia đình chính sách; hỗ trợ xây dựng cải tạo nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết với kinh phí trên 5 tỷ đồng. Đến nay trên địa bàn không có nhà tạm, nhà dột nát…

Theo đại diện Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Thanh Trì, nhằm tiếp tục duy trì chuẩn và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM gắn với đô thị văn minh và đảm bảo vệ sinh môi trường, thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao tại 6 xã là Tân Triều, Thanh Liệt, Đại Áng, Ngũ Hiệp, Tam Hiệp, Ngọc Hồi; qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xây dựng hạ tầng… nâng cao các tiêu chí trong lĩnh vực giáo dục – y tế - văn hóa, cảnh quan – môi trường… phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo tiêu chuẩn NTM nâng cao.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/xay-dung-nong-thon-moi-nang-cao-theo-huong-do-thi-va-van-minh-92423.html