Xây dựng nông thôn hiện đại

Sau khi đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, định hướng của tỉnh Đồng Nai là xây dựng nông thôn hiện đại, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy mô hàng hóa lớn phục vụ cho phát triển đô thị với kỳ vọng không ngừng nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người dân nông thôn.

Đường giao thông nông thôn ở Đồng Nai...
(Ảnh: K.V)

Hiện khu vực Đông Nam Bộ có hai địa phương có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đó là Đồng Nai và Bình Dương. Đặc biệt, Đồng Nai đứng đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới nâng cao với 31 xã đã được công nhận đạt chuẩn. Đây là nỗ lực không ngừng trong suốt thời gian qua của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương nói trên, với quyết tâm xóa đói, giảm nghèo, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cùng với đó là sự đồng thuận, nhất trí cao để chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai đi vào thực chất.

So với trung ương, bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới của tỉnh của Đồng Nai nhiều hơn về số lượng chỉ tiêu và có một số chỉ tiêu yêu cầu đạt ở mức cao hơn. Tỉnh này cũng đã chủ động ban hành sớm bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao nhằm tránh tình trạng sau khi xây dựng xong, ở nhiều địa phương sẽ tự bằng lòng, thỏa mãn… sau khi đạt chuẩn. Đây cũng là cơ sở để các địa phương giữ vững, duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt, đảm bảo tính bền vững, thúc đẩy phong trào phát triển ở trình độ, chất lượng cao hơn.

Cơ sở vững chắc để tỉnh Đồng Nai xây dựng nông thôn mới nâng cao là tập trung cho phát triến sản xuất. Thời gian qua, nhiều địa phương ở tỉnh này đã xây dựng thành công những mô hình sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người nông dân có sự thay đổi hẳn tư duy trong sản xuất. Nhờ đó, các sản phẩm nông nghiệp đã không chỉ cung cấp thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.Theo bà Lê Thị Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc, huyện Xuân Lộc là một trong 4 huyện của tỉnh Đồng Nai được chọn xây dựng mô hình điểm về huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước, chính vì vậy, địa phương này luôn xác định rõ điều kiện thực tế để đặt ra mục tiêu cụ thể, rõ ràng, trong đó chú trọng đi vào chất lượng và bền vững.

Trang trại trồng sầu riêng thu nhập trên một tỷ đồng/năm ở huyện Định Quán
(Ảnh: K.V)

Từ đây, Xuân Lộc hướng vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp sạch, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.Từ những định hướng trên, huyện Xuân Lộc đã đặt ra mục tiêu phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt trên 70 triệu đồng/người/năm vào năm 2020, trên 95 triệu đồng/người/năm vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện đã quan tâm thu hút nông dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Huyện cũng đã hình thành được các vùng chuyên canh có khả năng xuất khẩu, đạt giá trị cao như vùng sản xuất xoài 1,4 nghìn ha; hồ tiêu 2,2 nghìn ha; 1,4 nghìn ha chôm chôm; 500 ha thanh long ruột đỏ...Ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, đến nay, trên địa bàn tỉnh này có nhiều mô hình sản xuất công nghệ cao, nông nghiệp sạch như mô hình trồng bưởi VietGAP cho thu nhập 1,2-2 tỷ đồng/ha ở huyện Vĩnh Cửu; nuôi tôm công nghệ cao đạt từ 2,5-3 tỷ đồng/ha ở huyện Nhơn Trạch…

Được biết, năm 2019, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của Đồng Nai đạt 51,59 triệu đồng/người/năm, tăng gấp từ 3 đến 4 lần so với 10 năm trước.Thu được kết quả to lớn trong xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai trong những năm qua cũng còn phải kể đến vai trò của cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào này. Thực tế ở Đồng Nai cho thấy, nơi nào cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm chính trị cao, quyết liệt, quyết đoán trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với điều kiện thực tiễn thì nơi đó đạt kết quả cao.

Có thể thấy, ngay sau khi trung ương ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Đồng Nai đã kịp thời cụ thể hóa bằng kế hoạch, chương trình và bộ tiêu chí nông thôn mới các giai đoạn, cụ thể như giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020, bằng những giai đoạn cụ thể trên, Đồng Nai đã tiến hành thực hiện từng bước chắc chắn để toàn thể người dân đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Cũng ngay sau khi trung ương ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai đã kịp thời cụ thể hóa bằng kế hoạch, chương trình và bộ tiêu chí nông thôn mới với số lượng và chất lượng cao hơn. Cùng với đó là ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao để các địa phương tiếp tục đà phát triển, không bị cầm chừng, thậm chí tụt hậu sau khi đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, nhiều địa phương ở Đồng Nai đã phát huy vai trò của người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, đó là đặc biệt chú trọng công tác cán bộ, các Thành ủy, Huyện ủy đã có sự điều động, bố trí những cán bộ lãnh đạo hội đủ phẩm chất, năng lực, quyết đoán về cơ sở chỉ đạo phong trào xây dựng nông thôn, phát triển kinh tế. Đồng thời điều chuyển những người đứng đầu thiếu năng lực, thiếu quyết liệt trong thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới nhằm xóa tư tưởng trì trệ của đội ngũ cán bộ cơ sở. Cụ thể như huyện Xuân Lộc đã luân chuyển 8 chủ tịch, bí thư của 8/12 xã; TP.Long Khánh luân chuyển cán bộ lãnh đạo của 4/9 xã xây dựng nông thôn mới.

Mô hình nuôi tôm theo công nghệ trải bạt hiệu quả kinh tế cao tại Nhơn Trạch.
(Ảnh: K.V)

Thực tiễn cho thấy, từ chỗ thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, đến nay, đa số nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã nhận thức được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới. Thể hiện qua việc chủ động thay đổi cách thức sản xuất nông nghiệp, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi góp phần to lớn thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NG/TW của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh Đồng Nai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã chỉ rõ, Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước về đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn. Trong tái cơ cấu nông nghiệp và việc triển khai chính sách phát triển nông nghiệp, tỉnh này cũng có những bước đột phá.

Trên thực tế, Đồng Nai đã tạo ra được cơ chế để thu hút nguồn đầu tư mới, từ đó có sức bật mới từ những tiềm năng, nhất là việc thu hút được doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao vào các địa bàn vùng sâu, vùng xa.Từ đó, bộ mặt nông thôn của Đông Nai liên tục đổi mới nhờ được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng từ đường giao thông, trường học, bệnh viện đến các cơ sở phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí. Đó là hệ thống trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia; hệ thống y tế đạt chuẩn; môi trường sinh thái từng bước được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh…Sau khi đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, định hướng của tỉnh Đồng Nai là xây dựng nông thôn hiện đại, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy mô hàng hóa lớn phục vụ cho phát triển đô thị với kỳ vọng không ngừng nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người dân nông thôn. Theo đó, Đồng Nai đang triển khai đề án phát triển nông nghiệp đô thị cho vùng kinh tế Tây Nam gồm 7 địa phương, đó là TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Thống Nhất và một phần huyện Vĩnh Cửu./..

K.V

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/kinh-te/xay-dung-nong-thon-hien-dai-537890.html