Xây dựng niềm tin, chính sách hấp dẫn

Xu thế hợp tác làm phim đa quốc gia ngày càng phát triển, tuy nhiên, việc thu hút các đoàn làm phim nước ngoài đến Việt Nam vẫn gặp nhiều rào cản, do các quy định chưa thống nhất, giấy phép chồng chéo, thiếu chính sách ưu đãi...

Đủ thứ rào cản

“Năm 2016, là đầu mối kết nối với đoàn làm phim “Đảo đầu lâu” quay ở Việt Nam, chúng tôi thấy nếu thực hiện theo quy định Luật thì không thực hiện được. Cuối cùng chúng tôi trình văn bản lên Chính phủ xin cơ chế, có văn bản gửi sang các bộ, ngành, địa phương mà đoàn làm phim đi qua mới có thể quay phim được...” - ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kể.

Một số cảnh quay của phim Đông Dương (Indochine) tại Việt Nam Ảnh: thanhtra.com.vn

Một số cảnh quay của phim Đông Dương (Indochine) tại Việt Nam Ảnh: thanhtra.com.vn

Có kinh nghiệm đón nhiều đoàn làm phim nước ngoài đến Việt Nam, ông Trần Nhất Hoàng cho biết, khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép, đáng lẽ các đoàn làm phim có thể quay ở những nơi đã đăng ký. Tuy nhiên, đến địa phương, Sở Ngoại vụ yêu cầu phải có cấp phép của Bộ Ngoại giao, ngành Thông tin và Truyền thông cũng có giấy phép riêng... Điều đó thể hiện sự chồng chéo trong công tác quản lý.

Hơn thế, do quy định duyệt kịch bản và yêu cầu sửa kịch bản của đoàn làm phim nước ngoài, đã có một số nhà làm phim nước ngoài dự định quay ở Việt Nam nhưng sau đó không trở lại, vì họ "không tưởng tượng nổi". Khoảng năm 1990, đạo diễn Oliver Stone muốn tới Việt Nam làm phim “Trời và đất”, khi được yêu cầu sửa kịch bản, ông không chấp nhận và nói rằng bản thân ông không có quyền sửa kịch bản vì đã ký với nhà sản xuất.

Ngay cả một nước có quy định khá chặt chẽ trong lĩnh vực này như Trung Quốc, họ cũng chỉ yêu cầu các đoàn làm phim nước ngoài muốn tới quay ở Trung Quốc nộp kịch bản tóm tắt. Kịch bản liên quan đến các vấn đề lớn hoặc liên quan đến an ninh quốc gia, ngoại giao, sắc tộc, tôn giáo, quân sự sẽ được xem xét đánh giá sự phù hợp với quy định của nhà nước.

Ngoài thủ tục giấy phép chồng chéo và việc duyệt kịch bản phim, theo các chuyên gia, chính sách ưu đãi, hoàn thuế; chất lượng dịch vụ làm phim, nguồn nhân lực làm phim trong nước... cũng đang là những rào cản khiến Việt Nam chưa đủ sức hấp dẫn các đoàn làm phim nước ngoài. Bởi vậy, giai đoạn 2007 - 2018, đã có khoảng 280 dự án làm phim hợp tác, cung cấp dịch vụ và phim có yếu tố nước ngoài được thực hiện tại Việt Nam, nhưng đa số là dự án phim tài liệu, phim ngắn và phim có ngân sách thấp hoặc thời gian thực hiện tại Việt Nam ngắn.

Theo bà Phan Cẩm Tú, Hiệp hội Xúc tiến, Phát triển điện ảnh Việt Nam, trên thế giới có gần 100 chương trình ưu đãi làm phim đang được Chính phủ các nước áp dụng nhằm thu hút các nhà làm phim nước ngoài. Các chương trình ưu đãi phim mang tính cạnh tranh quốc tế cao luôn đem lại lợi ích kinh tế, cả trực tiếp và gián tiếp, cho địa phương và việc sản xuất phim. Vì thế, NSND Đặng Xuân Hải, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam góp ý, cần xây dựng các chính sách ưu đãi với đoàn làm phim nước ngoài vào nước ta sản xuất phim sao cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Yêu cầu kịch bản tóm tắt phim thay vì kịch bản đầy đủ

Tại Kỳ họp thứ Hai, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) theo hướng quy định hồ sơ xin cấp phép chỉ yêu cầu kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt thay vì kịch bản phim bằng tiếng Việt (đầy đủ),để đồng bộ với quan điểm, cơ chế thu hút các đoàn sản xuất phim nước ngoài.

Trên thực tế, nhiều bộ phim nước ngoài chỉ thực hiện một số cảnh quay tại Việt Nam; kịch bản phim sau khi được cơ quan có thẩm quyền thẩm định vẫn có thể thay đổi, việc thẩm định kịch bản phim đầy đủ cũng không đủ cơ sở để khẳng định kiểm soát được toàn bộ nội dung phim. Việc đề nghị cung cấp kịch bản chi tiết nội dung quay ở Việt Nam giúp cơ quan quản lý nhà nước bám sát được các yếu tố nhạy cảm tại Việt Nam.

Tuy vậy, cơ quan trình dự án Luật vẫn đề nghị giữ quy định tại dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai (kịch bản phim bằng tiếng Việt đầy đủ) với lý do: Qua thực tiễn công tác thẩm định kịch bản hiện nay, tóm tắt kịch bản phim chưa thể hiện hết nội dung phim; việc thẩm định kịch bản để nội dung phim bảo đảm các yêu cầu về chính trị, quốc phòng, an ninh; và một số quốc gia yêu cầu gửi kịch bản đầy đủ để thẩm định.

Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai, ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan liên quan, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - cơ quan được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao chủ trì nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) - đề nghị quy định yêu cầu kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt như Điểm b, Khoản 2, Điều 13, dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Ba này.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, kịch bản là bí mật của các nhà làm phim, không phải ai cũng sẵn sàng cung cấp chi tiết trước khi phát hành, vì lo lộ lọt thông tin liên quan đến nghề nghiệp. Mặt khác, phim có thể chỉ chọn quay ở Việt Nam thời lượng ít, nếu yêu cầu kịch bản đầy đủ, chi tiết của cả phim thì rất khó.

"Muốn các nhà sản xuất nước ngoài tới Việt Nam làm phim, chúng ta phải xây dựng niềm tin, tạo sự hấp dẫn để thu hút họ”, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/xay-dung-niem-tin%C2%A0chinh-sach-hap-dan-i289983/