Xây dựng NIC sẽ tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tầm cỡ thế giới ở Việt Nam

Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) được kỳ vọng tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tầm cỡ thế giới ở Việt Nam, góp phần nâng cấp hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia một cách căn bản, đóng góp vào việc thực hiện Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0

Nhấn mạnh về sự cần thiết phải xây dựng một Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tại Việt Nam, TS Đặng Quang Vinh – Phó trưởng ban môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam hiện đang tích cực, chủ động tham gia CMCN 4.0 trong bối cảnh nhiều quốc gia khác trong khu vực có nhiều chính sách để hưởng ứng cuộc cách mạng này. Trong đó, tập trung vào chính sách thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo thực hiện R&D và chuyển giao các công nghệ mới nhất.

Ví dụ như Thái Lan thành lập True Digital Park (2018); Ấn Độ hợp tác với WEF thành lập Trung tâm CMCN 4.0 (2018); Pháp thành lập Station F (2016); Estonia thành lập Smart City Hub (2015); Trung Quốc nâng cấp Zhongguancun National Demonstration Zone (2011).

Các NIC đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đưa các công nghệ đến gần hơn với doanh nghiệp và người dân, trình diễn và chuyển giao công nghệ, khuyến khích tinh thần sáng tạo trong doanh nghiệp và người dân tạo ra các công nghệ bản địa tiên tiến cho các nước trong thời đại CMCN 4.0.

Đồng thời, tạo ra các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đẩy đủ, hiện đại để các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp có thể triển khai các ý tưởng kinh doanh dựa trên công nghệ của mình, thúc đẩy gia tăng việc làm, tăng trưởng GDP.

Cũng theo TS Vinh, hiện các trung tâm đổi mới sáng tạo đã có của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa tạo ra tác động đáng kể về công nghệ, chủ yếu làm nhiệm vụ thu hút đầu tư (chủ yếu là FDI) vào các lĩnh vực sản xuất, không phải đặc trưng của CMCN 4.0, sự lan tỏa công nghệ còn hạn chế. Thêm vào đó còn một số vấn đề khiến chúng ta trăn trở như năm 2018 chỉ số GCI của Việt Nam chỉ xếp thứ 82/138, giảm 0,5 điểm; các NIC, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam chưa lọt vào các bảng đánh giá, xếp hạng trên thế giới (Starup Genome); trong 10 năm qua, các cơ sở hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam chưa tạo ra một công ty tỷ đô nào (VNG có giá trị hơn 1 tỷ USD nhưng thành lập từ 2004).

Chính thực tiễn trên đòi hỏi Việt Nam phải có các NIC tiên tiến để nhanh chóng đưa đất nước chuyển sang phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo (innovation-driven) trên nền tảng công nghệ 4.0. Mô hình này được kỳ vọng đủ sức cạnh tranh quốc tế, làm hình mẫu cho cả nước; mang đầy đủ các yếu tố của hệ sinh thái startup, có sự hỗ trợ mạnh mẽ về chính sách từ nhà nước; hoạt động linh hoạt, hiệu quả theo nguyên lý thị trường; quản trị tầm quốc tế với những thông lệ tốt nhất thế giới.

TS Đặng Quang Vinh cho rằng, việc xây dựng NIC sẽ tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tầm cỡ thế giới ở Việt Nam. Ảnh: Hán Hiển

Về mục đích, NIC được kỳ vọng tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tầm cỡ thế giới ở Việt Nam, góp phần nâng cấp hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia một cách căn bản, đóng góp vào việc thực hiện Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0; Thí điểm một mô hình thực thi chính sách mới trong đó Nhà nước và doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ vì mục đích xã hội, thể hiện tư duy sáng tạo chính sách cần thiết trong cuộc đua toàn cầu về CMCN 4.0 và quản trị quốc gia; NIC sẽ là lực lượng vật chất để thúc đẩy quá trình tạo ra công nghệ trong nước để phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nắm bắt thời cơ, vươn lên vị trí dẫn đầu trong một số lĩnh vực của CMCN 4.0.

Về chức năng, nhiệm vụ, NIC sẽ là nơi giới thiệu, trình diễn, tư vấn chuyển giao công nghệ; Cho thuê mặt bằng trọn gói, bao gồm các dịch vụ đi kèm (pháp lý, internet, logistics,…) cho các dự án startup và doanh nghiệp công nghệ; Cho thuê mặt bằng tổ chức sự kiện, hội nghị chuyên ngành công nghệ, trình diễn công nghệ, giới thiệu sản phẩm công nghệ; Đào tạo, tư vấn về công nghệ; Cho thuê trang thiết bị nghiên cứu (lab), các thiết bị mô phỏng, các hệ thống tính toán và dữ liệu phục vụ các nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ; Đầu tư, góp vốn kinh doanh, trực tiếp thúc thẩy nghiên cứu các công nghệ mới.

Trong giai đoạn đầu, NIC sẽ tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên như nhà máy thông minh, thành phố thông minh (cả phần cứng và phần mềm); công nghiệp nội dung số (trò chơi, quảng cáo, phim ảnh, âm nhạc); công nghiệp an ninh mạng (giải pháp an ninh để bảo vệ các hệ thống, mạng lưới dân sự-nhà máy, thành phố, cơ quan hành chính…).

Về hình thức đầu tư, NIC có 100% vốn đầu tư tư nhân, hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014, đảm bảo hoạt động linh hoạt, phù hợp với cơ chế thị trường, có thể nhanh chóng đi vào hoạt động và tạo ra kết quả cho nền kinh tế; đảm bảo có thể tiếp nhận hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước vì mục đích phát triển và chuyển giao công nghệ trong nước.

Về quy mô, NIC sẽ được xây dựng trên diện tích 23ha đất trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với mặt bằng xây dựng khoảng 90 nghìn m2 sàn. Vốn đầu tư công trình này rơi vào khoảng 1.900 tỷ đồng (tương đương khoảng 82 triệu USD) trong đó 1.700 tỷ đồng là vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, 200 tỷ đồng là vốn lưu động. Thời gian thực hiện xây dựng là năm (kể từ khi khởi công-2019) và có thể bắt đầu hoạt động từ năm thứ 2.

Ông Đặng Quang Vinh cho biết thêm, về hiệu quả kinh tế-xã hội, NIC kỳ vọng thu hút 40 công ty công nghệ lớn, 150 startup, doanh nghiệp nhỏ và vừa, 15 quỹ đầu tư mạo hiểm, 2 trung tâm hỗ trợ phát triển cho startup, 40 công ty dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, tạo ra hơn 5000 việc làm trong ngành công nghệ và nhiều lợi ích khác cho các doanh nghiệp công nghệ ví dụ như phòng lab, trung tâm giới thiệu sản phẩm, hội thảo, hội nghị…

Hán Hiển

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/xay-dung-nic-se-tao-ra-he-sinh-thai-khoi-nghiep-cong-nghe-tam-co-the-gioi-o-viet-nam-d150534.html