Xây dựng nhãn hiệu tập thể sản phẩm ngựa bạch

Ngựa bạch Hữu Kiên, huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) có giá trị cao về kinh tế. Tuy nhiên, hiện chưa có nghiên cứu thực nghiệm về chất lượng sản phẩm cũng như chưa được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nên thường bị lợi dụng danh tiếng. Vì vậy, huyện Chi Lăng đang tích cực xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm này.

Ngựa bạch là giống quý hiếm, có thể dùng thịt, xương để làm thuốc chữa bệnh. Tại Lạng Sơn, ngựa bạch được người dân chăn nuôi tập trung từ hơn 30 năm trước, trong đó, chủ yếu tại xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng. Đây là giống vật nuôi mang về giá trị kinh tế cao cho người dân; những con ngựa hơn 3 năm tuổi có trị giá 70 – 80 triệu đồng/con. Ngựa bạch cho sản phẩm thịt tươi, thịt đã qua chế biến và cao ngựa bạch được các thị trường như: Hà Nội, Nam Định, Thái Nguyên, Hải Phòng… ưa chuộng.

Ngựa được chăn thả tự nhiên tại Thảo nguyên Khau Sao

Ngựa được chăn thả tự nhiên tại Thảo nguyên Khau Sao

Với mục tiêu phát triển chăn nuôi ngựa bạch tại Hữu Kiên, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có chất lượng tốt; tạo sự liên kết giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu, Trung tâm Ứng dụng phát triển khoa học công nghệ và đo lường chất lượng sản phẩm phối hợp với một số phòng, ban của huyện Chi Lăng triển khai dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm từ ngựa bạch của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn”. Đề tài được triển khai từ tháng 6/2018 đến tháng 12/2019. Mục tiêu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm ngựa bạch trên thị trường; thiết lập kênh tiêu thụ ổn định, đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm từ ngựa bạch; phát triển khu vực chăn nuôi ngựa bạch.

Trong năm 2018, Trung tâm Ứng dụng phát triển khoa học công nghệ và đo lường chất lượng sản phẩm đã tiến hành khảo sát thực trạng chăn nuôi, kinh doanh ngựa bạch trên địa bàn huyện Chi Lăng. Xây dựng bản đồ quy hoạch vùng chăn nuôi, chế biến sản phẩm từ ngựa bạch gồm 5 xã: Hữu Kiên, Quan Sơn, Chiến Thắng, Lâm Sơn, Liên Sơn. Cùng đó, tiến hành thiết kế mẫu nhãn hiệu tập thể bao bì cho sản phẩm; 1 mẫu logo nhãn hiệu bao bì sản phẩm; 3 nhãn hàng hóa; 1 mẫu hộp đựng sản phẩm… Đồng thời, xây dựng hệ thống công cụ, phương tiện quản lý nhãn hiệu tập thể như: Quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể, bao bì tem nhãn; xây dựng tài liệu kỹ thuật hướng dẫn chăn nuôi, chế biến; đăng ký mã số, mã vạch để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ huyện, xã về công tác quản lý cho sản phẩm, tập huấn cho người dân về quy trình chăn nuôi, chế biến, và quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể… với hơn 160 người tham gia.

Cuối năm 2018, tổng đàn ngựa trên địa bàn huyện Chi Lăng là 1.635 con, trong đó có 712 con ngựa bạch. Hiện nay, Trung tâm Ứng dụng phát triển khoa học công nghệ và đo lường chất lượng sản phẩm đang hoàn tất hồ sơ và gửi Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, đồng thời triển khai các chương trình, hoạt động nhằm quảng bá rộng rãi về sản phẩm.

Thời gian qua có rất nhiều sản phẩm cùng loại khác lợi dụng danh tiếng, uy tín làm ảnh hưởng nên giá bán chưa phản ánh được giá trị thực của sản phẩm từ ngựa bạch. Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể không chỉ giúp người tiêu dùng phân biệt sản phẩm ngựa bạch Chi Lăng với các sản phẩm cùng loại mà còn giúp người chăn nuôi ngựa tăng thu nhập.

Thảo nguyên Khau Sao thuộc thôn Suối Mạ A (Hữu Kiên, Chi Lăng, Lạng Sơn) là nơi chăn thả hơn 1.700 con ngựa trong đó có gần 700 ngựa bạch thuần chủng nguồn gốc từ Việt Nam. Nơi đây, đồng bào người Tày và Nùng sinh sống chủ yếu nhờ chăn nuôi. Nhiều năm gần đây, các hộ gia đình chủ động chăn nuôi và chăm sóc nên số lượng ngựa không ngừng tăng lên, góp phần bảo vệ nguồn gen ngựa bạch Việt Nam thuần chủng.

P.V

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xay-dung-nhan-hieu-tap-the-san-pham-ngua-bach-121507.html