Xây dựng Nhà Văn hóa truyền thống Hồ Chí Minh tại Mông Cổ

'Việc xây dựng Nhà Văn hóa truyền thống Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất lớn không những là trung tâm giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và văn hóa Việt Nam mà còn là nơi hoạt động văn hóa, nghệ thuật của các cháu học sinh. Và đây là một biểu tượng sinh động về quan hệ tốt đẹp Việt Nam-Mông Cổ', Đại sứ Đoàn Thị Hương nhấn mạnh.

Đại sứ Đoàn Thị Hương và Bộ trưởng Yo Baatarbileg (Ảnh: Tapchiquehuong)

Đại sứ Đoàn Thị Hương và Bộ trưởng Yo Baatarbileg (Ảnh: Tapchiquehuong)

Mới đây, Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ, bà Đoàn Thị Hương đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Khoa học và Thể thao Mông Cổ, Yo Baatarbileg về các lĩnh vực hợp tác giáo dục, văn hóa, khoa học giữa hai nước.

Bộ trưởng Yo Baatarbileg cho biết, năm 2016, hai nước đã tổ chức cuộc họp lần thứ 3 Tiểu ban Hợp tác Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Mông Cổ tại Hà Nội. Bộ trưởng mong muốn hai nước tiếp tục thúc đẩy triển khai có hiệu quả các nội dung của cuộc họp. Đồng thời phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy thực hiện Dự án “Nghiên cứu và phát triển các sản phẩm từ cây dược liệu Mông Cổ để phòng ngừa và điều trị bệnh gan và xương khớp” trong thời gian sớm nhất. Ông cũng đề nghị hai nước triển khai tổ chức cuộc họp lần thứ 4 Tiểu ban Hợp tác Khoa học và công nghệ Việt Nam - Mông Cổ tại Ulan Bator trong năm 2020.

Trong hai năm qua, với sự nỗ lực của Đại sứ quán trong việc kết nối hợp tác giữa các địa phương của Mông Cổ và Việt Nam; sự quan tâm của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Khoa học và Thể thao Mông Cổ, nhiều sinh viên ở các tỉnh, thành, vùng sâu, vùng xa của Mông Cổ đã được sang Việt Nam du học theo diện học bổng của Hiệp định hai nước. Các sinh viên này sẽ tạo nguồn nhân lực cho các địa phương và góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, văn hóa giữa các địa phương Mông Cổ-Việt Nam có hiệu quả thiết thực hơn.

Về vấn đề hợp tác khoa học công nghệ, Đại sứ Đoàn Thị Hương chia sẻ: Việt Nam đã bố trí kinh phí và thành lập nhóm nghiên cứu với đội ngũ các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực dược liệu để kết hợp với các nhà khoa học của Viện Hàn lâm khoa học Mông Cổ. Hai bên đã thực hiện dự án “Nghiên cứu và phát triển các sản phẩm từ cây dược liệu Mông Cổ để phòng ngừa và điều trị bệnh gan và xương khớp”. Đại sứ đề nghị Bộ Giáo dục, Văn hóa, Khoa học và Thể thao Mông Cổ sớm thông báo kinh phí đối ứng để hai bên thống nhất và đưa dự án triển khai ngay từ năm 2020.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề quan trọng được Đại sứ nêu ra trong buổi làm việc với Bộ trưởng Yo Baatarbileg là việc xây dựng Nhà Văn hóa truyền thống Hồ Chí Minh. Đại sứ Đoàn Thị Hương cho biết, năm 2020, Trường Thực nghiệm số 14 mang tên Hồ Chí Minh sẽ kỉ niệm 40 năm mang tên vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam. Đại sứ đề nghị Bộ trưởng quan tâm, tạo cơ sở pháp lý để trường mở rộng Phòng Truyền thống Hồ Chí Minh hiện nay thành Nhà Văn hóa truyền thống Hồ Chí Minh.

"Việc xây dựng Nhà Văn hóa truyền thống Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất lớn không những là trung tâm giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và văn hóa Việt Nam mà còn là nơi hoạt động văn hóa, nghệ thuật của các cháu học sinh. Và đây là một biểu tượng sinh động về quan hệ tốt đẹp Việt Nam-Mông Cổ", Đại sứ Đoàn Thị Hương nhấn mạnh.

Với tinh thần đó, Đại sứ mong muốn Bộ trưởng Yo Baatarbileg dành sự quan tâm đặc biệt, giải quyết các thủ tục cần thiết đề công trình Nhà Văn hóa truyền thống Hồ Chí Minh sớm được triển khai Kết thúc buổi làm việc, hai bên nhất trí sẽ thường xuyên duy trì trao đổi tiếp xúc để triển khai các hoạt động có hiệu quả những nội dung hai bên đã bàn thảo.

Theo Hiệp định hợp tác giáo dục giữa hai nước, mỗi năm có 15 sinh viên Mông Cổ sang Việt Nam du học và 5 sinh viên Việt Nam sang Mông Cổ du học. Hiện có 57 sinh viên Mông Cổ đang theo học các bậc đào tạo đại học và sau đại học tại Việt Nam.

Anh Vũ (TH)

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/xay-dung-nha-van-hoa-truyen-thong-ho-chi-minh-tai-mong-co-101443.html