Xây dựng nhà trẻ cho con công nhân là đầu tư vào hiện tại và tương lai

Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6 là dịp để toàn xã hội nhìn lại việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Đối với tổ chức công đoàn, song hành với chủ trương xây dựng các thiết chế công đoàn trong đó ưu tiên hệ thống nhà trẻ, khu vui chơi cho con em công nhân chính là để đầu tư cho hiện tại và tương lai.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường thăm một nhà trẻ cho con em công nhân tại Đồng Nai tháng 10.2017. Ảnh: PV

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường thăm một nhà trẻ cho con em công nhân tại Đồng Nai tháng 10.2017. Ảnh: PV

Từ nhà trẻ triệu USD ở Đồng Nai

Ngày 1.6, ông Đinh Sỹ Phúc - Chủ tịch CĐCS Cty Taekwang Vina (KCN Biên Hòa 2, Đồng Nai) - cho biết: Dịp hè năm 2018, để chăm lo cho con công nhân Cty, CĐCS Cty đang tổ chức rất nhiều hoạt động vui chơi giải trí, sinh hoạt hè cho con công nhân, mục đích vừa tạo sân chơi cho các em, đồng thời cũng là dịp để rèn luyện thêm cho con công nhân các kỹ năng trong cuộc sống.

“Đối với trường mầm non Thái Quang đã từng vinh dự được Thủ tướng Chính Phủ - Nguyễn Xuân Phúc tới thăm, chúng tôi cũng mới tổ chức tổng kết cho hơn 400 con công nhân và kết quả của các em đều rất tốt do trường được đầu tư lớn và bài bản” - ông Phúc cho biết. Theo ông Đinh Sỹ Phúc, hiện tại, trường Thái Quang đang cho các giáo viên được nghỉ ngơi trong thời gian 3 ngày, sau đó sẽ tiếp tục nhận lại con công nhân để công nhân tiếp tục có nơi gửi con, an tâm tập trung vào công việc. Ngoài ra, CĐCS Cty cũng đang phối hợp với các đơn vị khác xây dựng chương trình giáo dục mới áp dụng dành riêng cho con công nhân đang làm việc tại Cty Taekwang Vina. Chương trình mới này có ưu điểm tăng cường khả năng tương tác ngoại ngữ (tiếng Anh) cho con công nhân từ khi đang còn trong môi trường mẫu giáo.

Năm 2016, Cty Taekwang Vina (KCN Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) đã đưa vào sử dụng trường mầm non Thái Quang có diện tích 7.500m2 với mức đầu tư trên 3 triệu USD để chăm lo cho khoảng 1.000 con công nhân. Chị Nguyễn Thị Phương (30 tuổi, công nhân Cty Taekwang Vina, KCN Biên Hòa 2) chia sẻ: “Trước đây, em gửi con ở P.Tân Hiệp, rất xa chỗ làm nên mỗi lần đi làm về phải đưa đón cháu rất vất vả, nhưng gần 1 năm nay, khi trường mẫu giáo Thái Quang của Cty đi vào hoạt động thì gia đình em được ưu tiên gửi cháu vào học ở đây với mức phí chỉ 800.000 đồng/tháng. Do trường nằm gần Cty nên rất thuận tiện cho việc đưa đón cháu, buổi sáng, vợ chồng em chở cháu tới trường, sau đó bọn em tới chỗ làm, còn buổi chiều về, 2 vợ chồng tan ca sớm thì đợi cháu tan học rồi đón cháu về nhà cùng, rất vui vẻ”.

Bà Trương Huỳnh Hồng Lĩnh - Hiệu trưởng trường mẫu giáo của công ty Dona Standard - Đồng Nai - cho biết: Điểm đặc biệt, trường mẫu giáo này được xây dựng không vì mục đích lợi nhuận, do đó trường không thu học phí mà do Cty hỗ trợ, chỉ có khoản ăn uống là thỏa thuận với phụ huynh đóng góp 430.000 đồng/tháng để các cháu được ăn bữa sáng, bữa trưa, bữa chiều… Ngoài ra, các khoản bảo hiểm cũng được Cty hỗ trợ. Không chỉ miễn phí, giờ giấc chăm sóc các cháu cũng phù hợp với thời gian làm việc của NLĐ, vì trường nhận các cháu từ 6h30 sáng tới 8h tối nên khi NLĐ có tăng ca vẫn yên tâm với con cái. Nhằm đảm bảo chất lượng, đội ngũ các cô giáo ở đây được trả mức thu nhập cao, từ gần 8 triệu đồng trở lên để các cô giáo chuyên tâm chăm sóc, dạy dỗ con em công nhân.

Tại thiết chế công đoàn, con công nhân được chăm lo cả thể chất lẫn văn hóa. Ảnh: PV

Xây dựng các Thiết chế CĐ là hết sức cấp thiết

Mặc dù đã có nhiều cố gắng từ phía doanh nghiệp và tổ chức công đoàn nhưng việc đảm bảo nơi giữ trẻ, trông trẻ cho con công nhân yên tâm công tác vẫn còn nhiều nan giải.

Tại Cần Thơ, bà Nguyễn Thị Diệu Hiền - Trưởng ban Nữ công LĐLĐ TP.Cần Thơ - cho biết, hiện nay, toàn TP có 95.000 CNVCLĐ. Trong đó, số CNLĐ ở các KCN chiếm hơn 19.000 người. Trong toàn bộ 8 KCN của TP, hiện KCN Trà Nóc và KCN Cái Răng có số lượng CN lớn nhất. Về vấn đề nhà trẻ cho con CNLĐ tại các KCN ở Cần Thơ, theo bà Hiền là còn thiếu rất nhiều nên CN phải gửi con ở các cơ sở giữ trẻ của tư nhân, tư thục ở bên ngoài KCN. Điều đó gây khó khăn cho CN khi phải vất vả đưa, đón con xa nơi làm việc. Thêm nữa, chi phí gửi ở các cơ sở tư nhân thường rất cao, trong khi lương CN lại thấp nên ảnh hưởng đến đời sống. Chưa kể, thời gian qua, ở một số cơ sở giữ trẻ tư nhân xảy ra các vụ bạo hành trẻ em nên tâm lý của CN có con gửi ở cơ sở tư cảm thấy bất an.

Hay ở Quảng Nam, tại khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, tỉnh Quảng Nam có một khu nhà trẻ dành cho con công nhân vừa mới hoàn thành, dự kiến chỉ đón được gần 200 em nhỏ. Con số này là quá nhỏ so với số lượng 30.000 công nhân đang làm việc tại đây, trong đó, nhiều công ty, nhà máy có đa số là lao động nữ, có nhu cầu gửi con rất cao.

Ông Phan Minh Á - Phó Chủ tịch LĐLĐ Quảng Nam - cho biết, khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc có hơn 30.000 công nhân lao động. Tháng 4.2017, Tổng LĐLĐVN phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng thiết chế công đoàn gồm nhà ở, nhà trẻ, nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu thiết yếu của đoàn viên, CNLĐ góp phần giảm bớt khó khăn về điều kiện sống và làm việc của CNLĐ tại các KCN, KCX.

Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì con số này vẫn chưa thấm vào đâu. “Nhiều nhà máy có đa số là lao động nữ, nhu cầu gửi con nhỏ rất lớn nhưng họ buộc lòng phải gửi ở những nhà trẻ nhỏ, tư thục, nhóm trẻ bên ngoài. Chúng tôi rất trăn trở. Sắp đến đây khi dự án nhà ở cho công nhân được phê duyệt, vài năm sau đó đi vào hoạt động, phục vụ cho 3.500 đoàn viên, CNLĐ thì nhu cầu về nhà trẻ, nhà văn hóa sẽ càng bức xúc hơn nữa” - ông Á cho hay.

Tại phía Bắc, trên địa bàn huyện Văn Lâm (Hưng Yên) có khoảng 20.000 CN đang làm việc tại các nhà đóng trên địa bàn huyện. Trong đó, khoảng 50% là phải thuê nhà trọ, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc tìm kiếm trường, lớp để cho con ăn học. Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, mặc dù chính quyền địa phương cũng đã tạo điều kiện nhận con CN vào các trường công lập (từ mầm non đến cấp 2), nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của gia đình CNLĐ. Bởi hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều DN mới thành lập, thu hút đông NLĐ, do đó dân số tăng cao, trong khi đó hệ thống trường lớp ít được đầu tư, mở rộng - đây cũng là một trong những khó khăn, vất vả mà NLĐ phải đau đầu, đối mặt.

Bà Tôn Kim Thúy - Chủ tịch LĐLĐ huyện Văn Lâm (Hưng Yên) xác nhận ý kiến của CN đề nghị DN xây dựng nhà trẻ là có thật và nhu cầu trường, lớp đối với CNLĐ là rất cấp thiết. Để có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho NLĐ, bà Thúy có ý kiến, hiện tại các KCN, nơi tập trung đông CNLĐ còn thiếu nhà ở, nhà gửi trẻ, thiếu các thiết chế văn hóa phục vụ CNLĐ; điều kiện sống thiếu thốn, nhiều CNLĐ có con nhỏ phải gửi về quê cho người thân chăm sóc… Do đó, việc xây dựng các Thiết chế CĐ là hết sức cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu và góp phần chăm lo tốt hơn đến đời sống của CNLĐ.

“Ngoài việc xây dựng các Thiết chế của CĐ, thì các cấp CĐ cũng cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để có tác động với những DN có đông NLĐ để người sử dụng dành quỹ đất, đầu tư xây dựng trường, tiếp nhận con CN. Khi NLĐ đã giải tỏa được mối lo gửi trẻ thì họ sẽ toàn tâm, toàn ý, đóng góp sức LĐ, tạo ra những sản phẩm có chất lượng” - bà Thúy đóng góp thêm ý kiến.

TRẦN TUẤN - VIỆT LÂM - THÙY TRANG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/xay-dung-nha-tre-cho-con-cong-nhan-la-dau-tu-vao-hien-tai-va-tuong-lai-610543.ldo