Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng để phát triển Thủ đô

Những năm qua, các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội đã chủ động đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ từ quận, huyện tới cấp ủy, chính quyền cơ sở. Nhờ vậy, chất lượng nhân sự cấp ủy cơ sở ở nhiều Đảng bộ được nâng cao, từ đó chất lượng đội ngũ cán bộ của thành phố cũng ngày càng được nâng lên, bổ sung nguồn lực quan trọng để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững hơn trong giai đoạn tới.

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, quận Tây Hồ đã mở 187 lớp bồi dưỡng, đào tạo với hơn 22 nghìn lượt học viên. Hằng năm, Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ đều họp, xem xét yêu cầu thực tế, từ đó xây dựng kế hoạch và chiêu sinh. Ðơn cử như để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, mỗi cán bộ không chỉ nắm vững các cơ chế, chính sách mà còn phải được bồi dưỡng về công tác tuyên truyền, dân vận;

Hay về công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, quận tổ chức các lớp cập nhật những kiến thức về tin học cho các cán bộ, công chức. Các lớp học đều thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật. Thường trực Quận ủy kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo đề ra quy chế chặt chẽ, trừ trường hợp bất khả kháng, nếu học viên tùy tiện nghỉ một buổi cũng sẽ đưa vào đánh giá cán bộ cuối năm.

Hội đồng bảo vệ khóa luận tốt nghiệp lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch nguồn Bí thư, Phó Bí thư quận, huyện, thị xã và Đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hội đồng bảo vệ khóa luận tốt nghiệp lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch nguồn Bí thư, Phó Bí thư quận, huyện, thị xã và Đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đặc biệt, những đồng chí đang trong diện luân chuyển hoặc quy hoạch, kết quả học tập tại những lớp đào tạo, bồi dưỡng này càng được chú trọng và được lãnh đạo quận theo dõi khá kỹ. Thực tế, không ít học viên đạt loại giỏi tốt nghiệp các khóa đào tạo khi vào việc đã đạt hiệu quả cao.

Tại quận Hai Bà Trưng, Ban Thường vụ Quận ủy đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 88-KH/QU về "Thực hiện Ðề án đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 và chuẩn bị cho nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo", trong đó tập trung vào các đối tượng, chức danh cụ thể, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn.

Thí dụ, như lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quy hoạch Ban Chấp hành Ðảng bộ quận gồm 80 đồng chí; lớp dành cho cán bộ nguồn được quy hoạch chức danh bí thư, phó bí thư các phường gồm 89 đồng chí; lớp quy hoạch chức danh trưởng, phó các phòng, ban thuộc quận gồm 116 đồng chí; quy hoạch chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân các phường gồm 87 đồng chí…

Các lớp học đã trang bị nhiều kiến thức, nhất là kinh nghiệm xử lý các tình huống trong thực tế cho học viên. Trong chỉ đạo, điều hành, quận vận dụng triệt để phương châm “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả), từ đó giúp nâng cao hiệu quả công việc.

Tại quận Long Biên, kết quả học tập được đánh giá bằng mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo vị trí việc làm đảm nhận. Lãnh đạo quận Long Biên cho biết, việc điểm danh, kiểm tra, cấp chứng chỉ trong quá trình đào tạo là cần thiết, nhưng quan trọng nhất là kết quả thực thi nhiệm vụ sau khi học tập, bồi dưỡng. Ðối với các trường hợp đã được bồi dưỡng nhưng vẫn không đáp ứng yêu cầu công việc, vị trí đảm nhiệm sẽ tiến hành điều chuyển, luân chuyển, miễn nhiệm.

Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cũng được đổi mới, nâng cao hiệu quả, đào tạo theo đúng địa chỉ, sát yêu cầu, không trùng lặp nội dung và đối tượng. Có như vậy mới đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công việc.

Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ và năng lực, phong cách làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, khả năng hội nhập kinh tế, quốc tế đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô;

Đồng thời, đề ra các chỉ tiêu: Cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trình độ chuyên môn sau đại học đạt từ 35% trở lên; Trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân 100%; 100% số cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn có trình độ lý luận từ trung cấp trở lên; 100% số cán bộ chủ chốt cấp phường, thị trấn và hơn 80% cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ đại học. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, để cụ thể hóa các mục tiêu này, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 20/9/2017 về "Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý".

Sau thành công của lớp nguồn quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, đã có 30 cơ quan, đơn vị (gồm 25 Quận, Huyện, Thị ủy và 5 Đảng ủy trực thuộc) tổ chức các lớp nguồn quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ cùng cấp và nguồn quy hoạch các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ cấp ủy quản lý, trong đó có 26 lớp với 2.542 học viên nguồn quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ cùng cấp; 69 lớp với 8.122 học viên nguồn quy hoạch cấp trưởng, phó các phòng ban, cơ quan đơn vị và quy hoạch Bí thư, Phó Bí thư các chi bộ, Đảng bộ cơ sở trực thuộc Quận, Huyện, Thị ủy.

Riêng năm 2019, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch nguồn Bí thư, Phó Bí thư Quận, Huyện, Thị ủy và Đảng ủy trực thuộc Thành ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 cho 86 cán bộ; Lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch nguồn giám đốc các sở, ban, ngành, thành phố và tương đương, Chủ tịch Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã nhiệm kỳ 2021 - 2026 cho 84 cán bộ; tổ chức hai lớp đào tạo tiếng Anh giao tiếp cho 40 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, kịp thời bổ sung đội ngũ các cấp trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ và bố trí các chức danh lãnh đạo, quản lý vừa qua; đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng cho nhân sự kế cận cho nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, bên cạnh việc góp phần nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, phẩm chất chính trị, đạo đức, đây cũng là dịp giúp các đồng chí cán bộ nguồn trao đổi kinh nghiệm công tác, tăng cường học hỏi, sự hiểu biết, chia sẻ, từ đó phối hợp hiệu quả hơn trong công việc, giúp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị thành phố.

Chính nhờ sự chuẩn bị nguồn nhân lực bài bản, kỹ lưỡng từ “đầu vào” đến việc đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, cho nên kết quả nhân sự cấp ủy cơ sở ở nhiều Đảng bộ như: Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Thanh Trì, Đan Phượng, Hai Bà Trưng, Bộ Tư lệnh Thủ đô... đều được nâng cao về chất lượng.

Trong đó, cùng với sự nâng lên về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, hầu hết các Đảng bộ bảo đảm cơ cấu cán bộ nữ, một số nơi đạt tỷ lệ cao như quận Thanh Xuân đạt hơn 40%, quận Cầu Giấy đạt hơn 32%, huyện Thanh Trì đạt 29,1%, huyện Đan Phượng đạt hơn 22%... Tại Đảng bộ huyện Phúc Thọ, tỷ lệ cấp ủy viên cơ sở của huyện có trình độ từ đại học trở lên tăng 27,6%, đạt 94%.

Ở cấp thành phố, đồng chí Vũ Đức Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết, hệ số quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025 so với nhiệm kỳ 2015 - 2020 tăng từ 1,49 lên 1,98; Trình độ chuyên môn thạc sĩ trở lên tăng từ 48,2% lên 73,2%; Trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân tăng từ 92,9% lên 93,3%... Đây là con số đáng mừng, cho thấy chất lượng đội ngũ cán bộ của thành phố đang ngày càng được nâng lên, bổ sung nguồn lực quan trọng để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững hơn trong giai đoạn tới./.

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/xay-dung-nguon-nhan-luc-chat-luong-de-phat-trien-thu-do-111800.html