Xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh: Bắt đầu từ những chủ nhân tương lai

Hơn ngàn năm văn hiến đất Thăng Long, hơn 30 năm đổi mới cùng đất nước, truyền thống và hiện đại đã làm nên khí chất một Thủ đô Hà Nội Anh hùng, hào hoa, hội nhập; làm nên những con người mang tâm thế thời đại mới.

Tiếp nối, giữ gìn, phát huy những giá trị, tinh thần ấy, trách nhiệm của Hà Nội hôm nay gắn với phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Chủ trương lớn đã đưa ra song làm thế nào để thực hiện hiệu quả, xây thế nào để thành công, để đúng với mong đợi… đó là câu chuyện dài, không thể ngày một ngày hai.

Một chủ trương đúng

Có lẽ trong lịch sử phát triển của Thủ đô, không mục tiêu văn hóa nào kéo dài xuyên thế kỉ như “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Gần đây nhất ngày Hà Nội và cả nước bước vào chu trình 10 năm hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô đã phát động một đợt thi đua dài ngày, trong đó có mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Và hôm nay, không còn tính chất một cuộc vận động, mục tiêu ấy đã được nâng tầm thành chương trình hành động của Thủ đô thực hiện quyết tâm lớn của Bộ Chính trị.

Trong đó, Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã xác định: “Tiếp tục xây dựng văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống ngàn năm văn hiến; tạo bước chuyển biến mới trong xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh…”, coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020.

Cột cờ Hà Nội

Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVI về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020" đặt mục tiêu tạo sự chuyển biến rõ nét trong nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội; khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa, nhân văn gia đình truyền thống của Thăng Long - Hà Nội phù hợp với những yêu cầu của nếp sống công nghiệp, đô thị hiện đại; xây dựng và phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; đẩy mạnh xây dựng, phát triển đời sống văn hóa cơ sở...

Theo đó, xây dựng nếp sống người Hà Nội với các tiêu chí: Chấp hành pháp luật, sống nghĩa tình, nhân ái, vì mọi người, nói lời hay, làm việc tốt, phong cách đẹp... Đồng thời, năm 2017, Thành phố đã ban hành 2 bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng và trong công sở.

Một nét đẹp của Văn hóa Tràng An

Người Hà Nội vốn hào hoa phong nhã. Từ ngàn đời nay, khi nói về vẻ đẹp của người Hà Nội, hai chữ "thanh lịch" dường như đã được "đóng đinh" định vị. Song, Hà Nội một trái tim hồng, Hà Nội cũng là của muôn phương hội tụ. Hà Nội đang diễn ra quá trình giao lưu mạnh mẽ giữa truyền thống và hiện đại.

Quá trình ấy tất yếu có va đập, sự tích hợp nét đẹp hay bổ sung thói xấu… sẽ tác động đến việc hình thành lối sống, nếp sống người Hà Nội. Xây dựng được một lối ứng xử văn hóa là điều vô cùng quan trọng, đặc biệt trong thời điểm hiện nay. Nghị quyết của Bộ Chính Trị, Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội cho thấy quyết tâm và đường hướng cơ bản để xây dựng một Thủ đô hiện đại, văn minh, trong đó, giải pháp lớn có liên quan đến văn hóa và mục tiêu xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch.

Tháp Rùa soi bóng

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh phải bắt đầu từ việc xây dựng con người văn hóa. Mười triệu người dân Thủ đô là từng ấy thói quen, từng ấy tính cách với những nhóm đối tượng khác nhau. Đại diện của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội từng cho rằng, việc triển khai xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh phải đồng bộ, rộng khắp, tránh để trống địa bàn, trống đối tượng. Một trong những yếu tố phải tập trung khi xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là xây dựng ý thức văn minh trong các trường học…

Chúng ta đang sống trong những thời khắc giao thoa của văn hóa, thiết nghĩ, quá trình tạo dựng những giá trị văn hóa, nhất là văn hóa ứng xử của người Hà Nội không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai, nó đòi hỏi những nỗ lực bền lâu, liên tục, nhất là phải bắt đầu từ lớp trẻ. Khi những mầm non của Thủ đô, những chủ nhân tương lai của Thành phố được quan tâm rèn giũa việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa Hà Nội, ta càng củng cố niềm tin vào việc hình thành nếp sống văn minh, thanh lịch của Thủ đô thời đại mới.

Cơ sở của niềm tin thành công

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác giáo dục: “Hiền dữ đâu phải là tính sẵn/Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Người quan niệm, giáo dục không là yếu tố vạn năng, là tất cả, song giáo dục góp phần chủ đạo, phần nhiều làm nên tính cách con người. Trong thời đại hội nhập, giáo dục được coi là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng hệ giá trị Việt Nam mới.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ chia sẻ thì mục tiêu của giáo dục là tạo nên những con người thực sự nhân văn… Như vậy nhà trường sẽ là môi trường tốt để hình thành nhân cách học trò, là cơ sở để chúng ta hiện thực hóa chủ trương xây dựng những chủ nhân tương lai thông minh, văn minh.

Văn Miếu Quốc Tử Giám - Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam

Thêm cơ sở để chúng ta đặt cược niềm tin ấy là lợi thế từ... truyền thống. Cả nghìn năm thu hút nhân tài bách nghệ, bồi đắp phẩm cách, chốn Kinh kỳ - Kẻ Chợ, mảnh đất hội tụ tinh hoa, người người văn minh, thanh lịch, nức tiếng thơm đâu có thể bỏ qua nét đẹp truyền đời. Đấy là gốc rễ, là cái lõi để ta tiếp tục xây dựng truyền thống văn minh, thanh lịch mà người Hà Nội dày công vun đắp bấy lâu.

Một tín hiệu vui với xây dựng văn hóa, con người Hà Nội từ năm 2011, ngành giáo dục Thành phố đã triển khai dạy đại trà bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh cho học sinh Hà Nội" cho học sinh ở tất cả các cấp học.

Trong các nhà trường, đẩy mạnh tổ chức cuộc thi giáo viên dạy giỏi chuyên đề tích hợp giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh cho học sinh trong môn Ngữ văn ở 2 cấp THCS, THPT và cuộc thi giáo viên dạy giỏi chuyên đề “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh” cho giáo viên THCS toàn Thành phố đã được hưởng ứng tích cực; có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại cao viết về chuyên đề vai trò của việc giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh trong các môn học.

Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong trường học; xây dựng các kế hoạch về việc chỉ đạo và tổ chức hoạt động hè cho học sinh hàng năm… Các nhà trường đã tăng cường hoạt động văn hóa, văn nghệ bằng nội dung và hình thức phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Xây dựng hệ giá trị, văn hóa đạo đức cốt lõi làm chuẩn mực, để mọi thành viên đồng thuận lấy đó làm mục tiêu phấn đấu. Tổ chức các câu lạc bộ để tập hợp thu hút và giáo dục toàn diện đối với người học, góp phần xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Theo thống kê, tỉ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm khá, tốt toàn Thành phố tăng ở mỗi cấp học, chất lượng văn hóa có sự tiến bộ rõ rệt, chất lượng giáo dục đạo đức, truyền thống lịch sử của Thủ đô và phong cách người Hà Nội cho học sinh có chuyển biến tốt.

Xây dựng “Văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh” đã trở thành phong trào rộng khắp, được sự hưởng ứng, tham gia tích cực, có hiệu quả của các cấp, các ngành Thành phố. Bên cạnh những tiêu chí chung của Thành phố, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng những tiêu chí cụ thể để thực hiện phong trào.

Trong sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi đi thông điệp "Nếu văn hóa còn thì dân tộc còn, dân tộc còn thì văn hóa còn. Đi vào kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, làm sao giữ cho được bản sắc riêng của Hà Nội, con người Hà Nội với chiều sâu văn hóa, phong cách thanh lịch, văn minh".

Việc triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng và đưa vào giảng dạy bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Thủ đô… đã góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào, điều chỉnh hành vi của người Hà Nội, nhất là của thế hệ trẻ; những giá trị, nét đẹp văn hóa của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, truyền thống trong gia đình, họ tộc và cộng đồng dân cư được kế thừa và phát huy…Được giáo dục trong môi trường văn hóa, nhiều học sinh đã có những thay đổi trong nhận thức về lối sống, ửng xử, giao tiếp… góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức.

Theo chia sẻ của em Vũ Thanh Hà và Nguyễn Minh Thư - học sinh trường THCS Phú Diễn: “Nét đẹp của người học sinh trước hết thể hiện ở việc thực hiện đúng phong cách của người học sinh từ cách ăn nói đến ứng xử hàng ngày. Nhờ những chuyên đề ý nghĩa từ bộ tài liệu dạy về ứng xử thanh lịch, văn mình mà nếp chào hỏi của các bạn khi đón khách đến trường, sự thân thiện, cởi mở giữa các bạn và thầy cô luôn là điều ấn tượng với mỗi ai có dịp đến thăm trường”.

Phát huy những kết quả đạt được, Thành phố chỉ đạo các trường học tiếp tục thực hiện có chất lượng việc giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh” cho học sinh. Sức ảnh hưởng của bộ tài liệu đang được khẳng định bởi những giá trị đạo đức mang lại trong nhà trường.

Nhân thêm tình yêu Hà Nội

Hình ảnh xúc động của Học sinh Thủ đô trong một giờ học ứng xử với văn hóa người Hà Nội, thanh lịch, văn minh

Nếp sống thanh lịch, văn minh là nét đẹp truyền thống được kết tinh từ hàng nghìn năm gây dựng và phát triển của mảnh đất Thăng Long – Hà Nội. Để nếp sống tiếp tục lan tỏa những giá trị trường tồn trong cuộc sống hôm nay, trách nhiệm phải được thực thi gắn với tình yêu Hà Nội, phải để học sinh hiểu về Hà Nội, xây dựng hình ảnh thanh lịch, văn minh bằng chính tình yêu Hà Nội.

Trong năm 2018 - năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ Thành phố, để hoàn thành các mục tiêu lớn xây dựng Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh, đề nghị các tổ dân phố duy trì và thực hiện tốt việc giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường; an ninh, trật tự khu phố; nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, ứng xử văn hóa trong gia đình, cộng đồng, xã hội.

Có dịp dự buổi chuyên đề “Lớp 6 bao điều mới mẻ” ở một trường THCS của quận Bắc Từ Liêm thực sự cảm kích trước mong muốn cho con trẻ của các thầy cô nơi đây. Chuyên đề ấy không có cụ thể trong sách vở nhưng được xây dựng sáng tạo từ chính tư duy của bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh”.

Chuyên đề được các thầy cô lồng ghép nhẹ nhàng, xúc động phương pháp học tập, văn hóa xếp hàng, văn hóa nghe – nói… được học sinh đón nhận nồng nhiệt. Hay chuyên đề “Ứng xử thông minh với mạng xã hội và kĩ năng chào hỏi, cảm ơn đối với học sinh THCS” bằng những tình huống cụ thể, chuyên đề hướng tới trang bị cho các em học sinh những kiến thức cơ bản về mạng xã hội, kĩ năng chào hỏi, cảm ơn, đồng thời hướng các em trở thành những công dân thông thái trong thời đại mới...

Rồi ở một ngôi trường ở vùng thuần nông Thượng Cát, câu chuyện về tủ sách di động, câu chuyện mô hình nhà vệ sinh tích hợp công nghệ số, nhà để xe thông minh, câu chuyện về các CLB kĩ năng mềm… được xây dựng nên từ ý tưởng đưa văn hóa ứng xử nơi công cộng đến gần hơn gần hơn với học sinh – dù nơi đó còn khó khăn.

Là người tâm đắc với bộ tài liệu "Người Hà Nội thanh lịch, văn minh, cô Bùi Thị Hương - Hiệu trường Trường THCS Phú Diễn trải lòng: Ở mỗi môi trường khác nhau cần phải cho các con tiếp cận với một góc độ khác nhau. Ở Trường THCS Phú Diễn, nhà trường muốn hướng tới những nét ứng xử của học sinh đối với truyền thống văn hóa Hà Nội. Từ bộ tài liệu - vốn chỉ trên lí thuyết, bằng những hình ảnh, con người, truyền thống cụ thể nó đã đi được vào tâm tưởng học trò một cách nhân văn, bài bản.

Có lẽ vì vậy mà ở ngôi trường hai mươi tuổi này, bên cạnh nét đẹp của sự thân thiện là mong muốn học sinh có chất khỏe mạnh, có trí tuệ giỏi, có đạo đức tốt… Các cô đang từng ngày gieo mầm yêu thương, gieo mầm trách nhiệm cho con trẻ.

Song vẫn còn đâu đó những tiết học chuyên đề bị tận dụng giờ dạy, những ngôi trường chưa thực sự coi trọng việc giáo dục học sinh nếp sống người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Mừng vui ở đâu đó hàng ngày người ta tìm đọc những cuốn cách gọi tên cảm xúc, cảm ơn, xin lỗi… Gieo suy nghĩ gặt hành động, gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt số phận. Hãy dạy trẻ bằng tình yêu để đón nhận tình yêu lớn, dạy trẻ ứng xử đẹp để hình thành nếp sống thanh lịch, văn minh.

Thiết nghĩ, việc làm phải từ Tâm, mong muốn phải xuất phát từ tình yêu văn hóa Hà Nội, từ trách nhiệm với thế hệ trẻ tương lai. Để định hình và xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử tốt trong nhà trường thì nhà trường cần phải đẩy mạnh hơn nữa những bài học, những câu chuyện về cách ứng xử bằng những tình huống thực tế của cuộc sống. Hoặc có thể tích hợp các tình huống văn hóa ứng xử nơi công cộng vào giáo trình để giảng dạy trong nhà trường.

Những chủ nhân tương lai

Tương lai của Thủ đô, của đất nước phụ thuộc vào ý thức, tư duy, hành động của mỗi chúng ta. Hà Nội là của cả nước, của chung mọi nhà, mọi người. Lãnh đạo Nhà nước đã từng khẳng định, thành phố có nhiều nhưng Thủ đô chỉ có một. Văn hóa ứng xử - kĩ năng mềm, sức mạnh mềm để Hà Nội hội nhập bền vững.

Chốn hội tụ bốn phương đã và đang dung nạp vào lòng biết bao phong vị, lối sống của nhiều vùng miền. Rồi sau đó dung hòa, sàng lọc để có những người Hà Nội mới bên cạnh người Hà Nội đã sống nhiều năm ở mảnh đất này, những tác phong, lề lối, cách nghĩ hiện đại bên cạnh những nền nếp của người Kẻ Chợ xưa...

Thủ đô sẽ bảo tồn được những vẻ đẹp vốn có và đẹp hơn nếu mỗi công dân biết sống bằng tinh thần đẹp, vì cái đẹp cho một biểu tượng lớn: Hà Nội yêu thương... Vận nước đang vươn tới, Thủ đô đang cất cánh. Tình yêu Hà Nội sẽ là chất xúc tác để chủ trương của Thủ đô - xây dựng thành công người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Trần Nguyễn

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn//xay-dung-nguoi-ha-noi-thanh-lich-van-minh-bat-dau-tu-nhung-chu-nhan-tuong-lai_n39940.html