Xây dựng ngôi trường thân thiện giáo viên cần biết lắng nghe

Môi trường nhà trường thân thiện, lành mạnh với mối quan hệ sư phạm được xây dựng trên sự tôn trọng, hợp tác và thấu hiểu sẽ thúc đẩy các hành vi tích cực ở người học.

Nhà trường có ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, tình cảm và hành vi của học sinh

Nhà trường là nơi diễn ra các hoạt động dạy học, giáo dục và hoạt động giao tiếp sư phạm giữa giáo viên và học sinh và giữa các học sinh với nhau. Môi trường là toàn bộ các yếu tố tự nhiên và xã hội hiện hữu, bao xung quanh và có ảnh hưởng lớn lao đến đời sống con người, vì thế, môi trường giáo dục nhà trường là tập hợp các yếu tố về vật chất và tâm lí, xã hội có tác động trực tiếp đến hiệu quả và chất lượng quá trình dạy học, giáo dục nhằm hình thành và phát triển nhân cách cho người học.

Thông qua môi trường nhà trường, mỗi học sinh được bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, kiến thức khoa học, kĩ năng thực hành cần thiết để các em hoàn thiện bản thân phù hợp với yêu cầu của xã hội. So với gia đình, nhà trường là môi trường rộng lớn hơn, phong phú và hấp dẫn hơn đối với thế hệ trẻ. Trong nhà trường, học sinh được giao lưu với thầy cô, bạn bè, được tham gia vào các hoạt động mang tính xã hội. Vì thế, môi trường nhà trường có ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, tình cảm và hành vi của học sinh cũng như ảnh hưởng đến hiệu quả và chất lượng giáo dục.

Môi trường nhà trường là điều kiện và chất xúc tác ảnh hưởng đến việc hình thành nhận thức, thái độ, tình cảm và hành vi của học sinh. Môi trường nhà trường thân thiện, lành mạnh với mối quan hệ sư phạm được xây dựng trên sự tôn trọng, hợp tác và thấu hiểu sẽ thúc đẩy các hành vi tích cực ở người học. Ngược lại, môi trường nhà trường thiếu tính thân thiện không những không giúp học sinh hình thành hành vi tích cực mà sẽ tạo điều kiện để học sinh bộc lộ những hành vi tiêu cực. Điều đó cho thấy trong các điều kiện và môi trường khác nhau sẽ hình thành những đặc điểm tâm lí khác nhau ở học sinh.

Sự phát triển tâm lí và phát triển nhân cách của học sinh trong nhà trường không thể tách rời với quá trình giáo dục. Vì vậy để đi đến kết quả cuối cùng của giáo dục là giúp người học phát triển toàn diện đòi hỏi điều kiện môi trường nhà trường, hoạt động dạy học và giáo dục có sự tương tác chặt chẽ với nhau.

Môi trường giáo dục học sinh là môi trường mà ở đó học sinh được an toàn, được có giá trị; được yêu thương, được hiểu, được tôn trọng dựa trên nền tảng của các giá trị như: tin tưởng, cởi mở, tôn trọng, đồng cảm, chia sẻ, không bạo lực, không có sự kì thị sẽ giúp người học có cơ hội phát huy tối đa tiềm năng của mình. Người học không còn có thái độ ngượng ngùng, khép mình, xấu hổ, mất tự tin, bất an, chán nản vì sự đe dọa, trừng phạt và phán xét.

Một môi trường giáo dục lấy người học làm trung tâm mà trong đó các mối quan hệ dựa trên lòng tin cậy và tôn trọng sẽ khơi dậy động cơ tốt đẹp, sự sáng tạo, tích cực và sự tập trung cao độ, tinh thần trách nhiệm với hoạt động học tập của người học. Ngoài ra, môi trường học đường thân thiện còn giúp học sinh phát triển năng lực tự đánh giá một cách tích cực và tự điều chỉnh hành vi của mình trong quá trình học tập để hài hòa với các thành viên trong lớp.

Quan tâm, tôn trọng, biết chia sẻ và thấu cảm với học sinh

Để có thể xây dựng môi trường nhà trường nhân văn và thân thiện giáo viên cần biết lắng nghe học sinh, có lời nói và cử chỉ thể hiện sự quan tâm, tôn trọng học sinh, biết chia sẻ và thấu cảm với những vấn đề học sinh đang gặp phải trong học tập và cuộc sống, công hằng với học sinh, không phân biệt đổi xử, tạo điều kiện để học sinh được bộc lộ thẳng thắn, biết cách khích lệ và động viên học sinh để các em biết vượt qua nhũng trở ngại,...

Tăng cường sự tham gia của học sinh vào việc xây dựng văn hóa trường học, nội quy lớp học. Xây dựng nội quy lớp học là một cách giúp tăng hứng thú, thái độ nhiệt tình tham gia và tính tự chủ của học sinh. Thông thường, học sinh thực hiện các nội quy mà nhà trường và giáo viên đưa ra sẵn trước khi tham gia học tập. Vì vậy, để tạo lập môi trường nhà trường thân thiện, giáo viên nên để cho học sinh cùng được tham gia đóng góp ý kiến và xác lập những quy tắc ứng xử và nội quy lớp học. Tác dụng lớn của biện pháp chính là giúp các em tự nhận thức, tự đánh giá bản thân và các bạn trong lớp để từ đó sẽ tuân thủ kỉ luật nghiêm túc hơn, có trách nhiệm hơn trong việc quản lí hành vi của mình và khuyến khích những hành vi tích cực của bạn bè. Học sinh không cảm thấy những quy tắc đó là những yêu cầu bắt buộc từ bên ngoài mà bản thân các em chính là một nhân tố quan trọng tạo nên kỉ luật của lớp học.

Căn cứ trên nội quy của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp có thể cho học sinh trao đổi, bày tỏ những mong muốn của mình về các nội dung như: Môi trường lớp học và xây dựng mối quan hệ bạn bè thân thiện, hình thức khen thưởng và kỉ luật đối với các hành vi tích cực và tiêu cực; phân công các cá nhân hoặc nhóm giám sát việc thực hiện nội quy. Ví dụ, ngoài các nội quy nhà trường, học sinh đưa ra một số quy định trên cơ sở sự khuyến khích của giáo viên như: đi học đúng giờ, không nói chuyện riêng trong giờ học, tích cực học tập, tích cực hợp tác với các bạn trong lớp, không sử dụng điện thoại trong giờ học, không chế nhạo bạn học khi các bạn đưa ra các ý kiến khác biệt,...

Cùng với đó tổ chức các hoạt động đa dạng để học sinh cùng tham gia nhằm nâng cao sự gắn kết với lớp học, trường học. Sự gắn bó, hiểu biết, chia sẻ với nhau của các học sinh được hình thành và phát triển thông qua các hoạt động chung. Giáo viên cần xác định các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của tập thể học sinh,đặc điểm tâm lí của học sinh để từ đó lên kế hoạch và xây đựng chương trình cho các hoạt động hướng tới mục đích chung vì sự phát triển của nhà trường, của lớp học.

Nhà trường nên phát động các hoạt động như các cuộc thi tìm hiểu về nhà trường; thảo luận và chia sẻ về môi trường nhà trường mà học sinh mong đợi xây dựng nhà trường xanh - sạch - đẹp,... để học sinh có ý thức trong việc xây dựng môi trường nhà trường thân thiện, do đó, đòi hỏi giáo viên cần giao nhiệm vụ, khuyến khích sự phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.

Lắng nghe và tìm ra hướng giải quyết phù hợp giúp em vượt qua tất cả để học tập tốt hơn. Do đó, người lãnh đạo là thuyền trưởng của một chiếc tàu. Ngôi trường phát triển hay thất bại là do sự lãnh đạo sáng suốt của người lãnh đạo. Muốn vậy người lãnh đạo cần có tầm nhìn của nhà trường trong tương lai, xây dựng kế hoạch dài hạn, kế hoạch trung hạn và kế hoạch tác nghiệp năm học. Ở đó mọi người biết thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau. Biết lắng nghe và tôn trọng những ý kiến đóng góp của nhau, xem trường như là nhà của mình thì họ mới tận tâm với nghề.

Đồng thời, giáo viên phải luôn trau dồi chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ hiểu biết, toàn tâm toàn ý với công việc được giao.

Tạo tâm lý tin cậy, mong muốn chia sẻ, gần gũi giữa giáo viên và học sinh. Luôn cư xử với thái độ ân cần niềm nở, biết cách lắng nghe, luôn gọi tên khi giao tiếp, tạo mối quan hệ thân thiện giữa học sinh với nhau thông qua tổ chức các hoạt động tập thể. Chú trọng phát triển các kỹ năng xã hội trong các hoạt động nhóm, không can thiệp quá nhiều vào quá trình học sinh chơi, nếu không cần thiết. Tôn trọng sự phát triển tự nhiên, đặc điểm tâm lý lứa tuổi, đặc điểm cá nhân. Chấp nhận học sinh học bằng cách Thử – Sai. Cho phép trẻ được làm sai trước khi làm đúng, không cần thiết chỉnh sửa quá nhiều.

Động viên học sinh lạc quan, tin vào bản thân bằng lời nói thân thiện “không sao đâu”, “làm lại nào”, “từ từ thôi”, “con sắp làm được rồi” mỗi khi học sinh gặp thất bại. Kiên nhẫn với học sinh, tránh thúc ép, gây căng thẳng khi luyện tập các kỹ năng cho học sinh. Chấp nhận sự khác biệt. Tôn trọng ý kiến cá nhân, tránh áp đặt để trẻ dần hình thành ở trẻ thói quen suy nghĩ độc lập.

Khuyến khích trẻ bộc lộ cảm xúc, ý nghĩ và tự tin diễn đạt bằng lời nói thoải mái trước đám đông qua các hoạt động trình diễn trên sân khấu, trước bạn học lẫn người lạ. Không định kiến với trẻ. Chỉ cấm đoán khi không an toàn. Hạn chế ra mệnh lệnh, tăng cường khích lệ. Không nên nói “Không được làm thế này” mà nói “Con nên làm thế này”.

Cẩn trọng trong việc đánh giá trẻ. Nên đánh giá sự tiện bộ của mỗi trẻ so với bản thân và đối chiếu với yêu cầu chung của lứa tuổi. Đánh giá với mục đích giúp đỡ trẻ phát triển tốt hơn. Tránh việc so sánh trẻ với nhau. Luôn nhìn nhận, khen ngợi mọi tiến bộ lớn, nhỏ của trẻ và ngay cả những trẻ khó dạy nhất.

Tạo cơ hội cho trẻ tự phục vụ và giúp đỡ nhau tùy theo khả năng. “Lấy người học làm trung tâm” thực sự là phương pháp dạy học “thân thiện” với người học. Thường xuyên lấy ý tưởng dạy học từ trẻ. Tổ chức cho trẻ tự làm đồ chơi, thậm chí đồ dùng dạy học và cho trẻ tích cực tham gia vào việc tạo dựng môi trường lớp học. Cân bằng giữa hoạt động tự do và hoạt động giáo dục có chủ đích.

Môi trường tâm lý-xã hội vốn không xây dựng một sớm một chiều, đồng thời, không phải là một quá trình thi công đơn phương; mà ngược lại, là quá trình dài lâu và đòi hỏi nỗ lực và kiên định từ nhiều phía, từ bản thân thầy cô giáo, cán bộ phụ vụ và lãnh đạo nhà trường, phụ huynh và bản thân các học sinh nữa. Với quyết tâm tạo ra một môi trường nhân ái, thân thiện mỗi đơn vị trường học sẽ phát triển nhân cách của các em ngày càng hoàn thiện, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Trương Anh Sáng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/xay-dung-ngoi-truong-than-thien-giao-vien-can-biet-lang-nghe-82698