Xây dựng Nghị định hướng dẫn Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng

Ngày 16/4, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức phiên họp Ban soạn thảo các Nghị định hướng dẫn Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan - Trưởng Ban soạn thảo chủ trì phiên họp.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, ngày 9/12/2020, tại Phiên họp thứ 51, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã thông qua Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng sửa đổi và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021. Chính phủ giao cho Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng 2 Nghị định: Nghị định quy định chi tiết Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Tháng 5 năm 2021 sẽ trình Chính phủ 2 Nghị định.

"Ngay sau khi Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng được thông qua, Bộ LĐ-TB&XH rất chủ động triển khai xây dựng các văn bản thi hành Pháp lệnh. Trong thời gian qua đã tích cực phối hợp với các ban, ngành triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Sau buổi họp Ban soạn thảo sẽ tổng hợp ý kiến để trình Bộ trưởng và sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến tại 3 miền Bắc, Trung, Nam và đăng tải trên website để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân", Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan chủ trì phiên họp.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan chủ trì phiên họp.

Ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH), Phó Trưởng Ban soạn thảo, Tổ trưởng tổ biên tập cho biết, về nội dung, dự thảo 2 Nghị định cơ bản được thống nhất về bố cục và rà soát, chỉnh lý hoàn thiện các nội dung liên quan đến công tác xác nhận người có công và hướng dẫn chi tiết việc thực hiện một số chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân của họ. Tuy nhiên, còn một số nội dung cần xin ý kiến của Ban soạn thảo.

Đối với dự thảo Nghị định quy định chỉ tiết Pháp lệnh cho ý kiến về việc quy định định lượng các khái niệm thế nào là "đặc biệt dũng cảm", "lan tỏa rộng rãi". Qua quá trình thảo luận xây dựng dự thảo Nghị định, hiện nay, Tổ biên tập chưa đưa ra được khái niệm quy định cụ thể, chi tiết các khái niệm nêu trên.

Về trình tự, thủ tục xem xét xác nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và bổ sung căn cứ xem xét xác nhận. Ông Lợi cho biết, trình tự, thủ tục, dự thảo Nghị định dự kiến sửa đổi như sau: Cá nhân lập bản khai và các giấy tờ theo quy định gửi Ủy ban cấp xã. Sau đó, UBND cấp xã sẽ có trách nhiệm xác nhận bản khai, kiểm tra giấy tờ và tổng hợp gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét xác nhận. Bởi với quy định hiện hành tại Nghị định số 31/2021 gồm 2 bước đối với người dân: Cá nhân viết bản khai xin xác nhận của UBND cấp xã; sau đó cá nhân gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền xem xét xác nhận. "Với trình tự này yêu cầu cá nhân thực hiện 2 bước nộp hồ sơ. Đồng thời, quá trình xem xét xác nhận cũng gặp vướng mắc trong quá trình xử lý, xác minh hồ sơ. Việc quy định như dự thảo Nghị định nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân", ông Lợi nhấn mạnh.

Ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công trình bày một số nội dung cần xin ý kiến.

Về điều kiện hưởng trợ cấp tuất đối với con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng, dự kiến 2 phương án. Phương án l, việc xác định đối tượng khuyết tật hưởng tuất theo Luật Người khuyết tật (do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã cấp Giấy chứng nhận). Nếu thực hiện theo Phương án này thì dự kiến sẽ tăng số lượng đối tượng hưởng và kinh phí chi trả trợ cấp. Phương án 2, kế thừa quy định tại điểm c, d Điều 10 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ.

Đối với Nghị định quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng quy định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng theo mức chuẩn và điều chính mức trợ cấp tổn thương cơ thể đối với thương binh, thương binh B, mỗi tỷ lệ tổn thương cơ thể được xác định theo mức chuẩn.

Quy định các mức trợ cấp ưu đãi mỗi năm một lần, trợ cấp ưu đãi một lần được xác định theo mức chuẩn, bao gồm: Trợ cấp thờ cúng liệt sĩ; Hỗ trợ chi phí báo tử liệt sĩ; Trợ cấp ưu đãi trong giáo dục đào tạo; Trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và làm nghĩa vụ quốc tế; Trợ cấp đối với người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Huy chương kháng chiến và người có công giúp đỡ cách mạng trong gia đình được tặng Huy chương kháng chiến; Trợ cấp đối với thân nhân người hoạt động kháng chiến được tặng Huân chương kháng chiến, Huy chương kháng chiến chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi; Trợ cấp đối với thân nhân người có công giúp đỡ cách mạng chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi.

Mức chi điều dưỡng xác định theo mức chuẩn (điều dưỡng tập trung bằng 2 lần mức chuẩn, điều dưỡng tại nhà bằng 1 lần mức chuẩn). Điều chỉnh tăng mức hỗ trợ cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cân thiết. Chi hỗ trợ ăn thêm ngày lễ, tết đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh B, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên: số ngày được hỗ trợ là số ngày nghỉ lễ, tết theo quy định của Bộ luật Lao động, ngày Thương binh - liệt sĩ 27/7 và ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12.

VÂN KHÁNH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/xay-dung-nghi-dinh-huong-dan-phap-lenh-uu-dai-nguoi-co-cong-voi-cach-mang-20210416142324395.htm