Xây dựng ngành Tài nguyên và Môi trường hiện đại và hội nhập

Ngày 11/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025 với sự tham gia của 295 đại biểu chính thức, đại diện cho 5.068 đảng viên đến từ 39 đảng bộ, chi bộ trực thuộc.

Toàn cảnh Đại hội. Ảnh: monre.gov.vn

Toàn cảnh Đại hội. Ảnh: monre.gov.vn

Tạo chuyển biến tích cực toàn diện

Nhiệm kỳ 2015-2020, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt về vấn đề môi trường, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt tại trên diện rộng…, Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát huy truyền thống đoàn kết, bám sát chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước để hóa giải các thách thức, phát huy thuận lợi thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, tạo chuyển biến tích cực toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.

Trong 5 năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý, khẳng định vị thế của ngành Tài nguyên và Môi trường trong phát triển bền vững của đất nước. Đảng bộ đã cùng Ban cán sự Đảng tập trung chỉ đạo các đơn vị, chủ động tham mưu để ban hành những chủ trương, chính sách lớn mang tầm chiến lược dài hạn cho giai đoạn phát triển mới của đất nước. Đặc biệt, công tác quản lý, bảo vệ môi trường có đổi mới mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động; chuyển từ bị động khắc phục sang chủ động phòng ngừa. Chất lượng dự báo khí tượng thủy văn được nâng cao, chủ động ứng phó giảm thiểu tác động của thiên tai.

Bộ cũng đặt nền móng cho số hóa hệ thống thông tin địa lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ quản lý, giám sát tài nguyên, môi trường; hoạt động đo đạc và bản đồ được quản lý thống nhất bằng pháp luật; thúc đẩy ứng dụng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; cung cấp các dịch vụ định vị vệ tinh chính xác trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất các các biện pháp tổng thể, dài hạn nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua việc trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP với tầm nhìn 100 năm và tư duy đột phá, biến thách thức thành cơ hội trong phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long kết nối với vùng Thành phố Hồ Chí Minh và tiểu vùng Mê Công.

Phát huy trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu

Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu chỉ đạo Đại hội. Ảnh: monre.gov.vn

Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tham mưu cho Đảng, Nhà nước thực hiện thống nhất quản lý tài nguyên và môi trường; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xây dựng ngành Tài nguyên và Môi trường hiện đại, hội nhập, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định mục tiêu then chốt nhiệm kỳ 2020-2025 là: “Xây dựng Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường thật sự trong sạch, vững mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ thật sự là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng để lãnh đạo toàn Đảng bộ hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của Ngành trong nhiệm kỳ 2020-2025 và các năm tiếp theo, đưa Bộ Tài nguyên và Môi trường và toàn ngành lên một tầm cao mới, hiện đại và hội nhập”.

Những vấn đề lớn mà Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định về xu thế chủ đạo trên thế giới, cạnh tranh ngày càng gay gắt; nhiều quốc gia, đối tác lớn thay đổi, điều chỉnh chính sách sẽ tác động trực tiếp đến thu hút đầu tư, nhu cầu sử dụng tài nguyên. Các nước ngày càng chú trọng hàng rào kỹ thuật về môi trường, dẫn đến nguy cơ chuyển dịch công nghệ lạc hậu, kém thân thiện với môi trường vào Việt Nam.

Biến đổi khí hậu và nước biển dâng, ô nhiễm môi trường xuyên biên giới tiếp tục là những vấn đề đặt ra. Sự xuất hiện của dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững, dẫn đến sự điều chỉnh trong các chính sách, mô hình phát triển của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ. Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh thế chia sẻ là những mô hình được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn.

Ở trong nước, kết quả của 35 năm đổi mới đã tạo thế và lực để bước vào giai đoạn phát triển mới, với mô hình tăng trưởng bền vững hơn. Nỗ lực hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ tiếp tục tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Công nghiệp hóa, đô thị hóa là xu thế tất yếu dẫn đến sự chuyển dịch về đất đai, gia tăng sử dụng các tài nguyên nước, biển… đòi hỏi phải có các chính sách, chiến lược, quy hoạch đồng bộ, hiệu quả, thông minh.

Để giải quyết những vấn đề lớn, các giải pháp chiến lược trong nhiệm kỳ mới sẽ được Đảng bộ tập trung lãnh đạo, hoàn thành tốt, tiếp tục khẳng định vị thế và những đóng góp của ngành Tài nguyên và Môi trường đối với phát triển đất nước. Đảng bộ chú trọng tổng kết đánh giá thực tiễn, hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp, thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ cho quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực tài nguyên.

Công tác xây dựng Đảng nhấn mạnh đến việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác chính trị tư tưởng, cụ thể hóa thành chương trình hành động phù hợp với nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động; kết hợp chặt chẽ giữa “xây và chống”, lấy “xây làm chính”; gắn xây dựng tổ chức Đảng với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh. Đảng bộ xác định phải nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên và đảng viên; củng cố đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác đảng, đoàn thể; phát huy trách nhiệm và vai trò người đứng đầu; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết ngăn chặn những biểu hiện cục bộ, bè phái, đoàn kết…

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh thêm, hiện nay cách mạng công nghệ, kinh tế số đang và sẽ ngày càng phát triển, xung đột lợi ích trong chia sẻ các nguồn tài nguyên, trách nhiệm giải quyết các vấn đề môi trường xuyên biên giới… đòi hỏi Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường phải nâng cao hơn nữa tính năng động, sáng tạo, chủ động, phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức Đảng, tổ chức chính quyền trực thuộc thực hiện các nhiệm vụ chính trị bám sát thực tiễn. Trên cơ sở dự báo những thay đổi, biến động để có giải pháp ứng phó kịp thời, xây dựng ngành Tài nguyên và Môi trường hiện đại, hội nhập.

Tại Đại hội, các đại biểu đã bầu Ban Chấp hành khóa mới gồm 34 đồng chí. Thứ trưởng Lê Công Thành tiếp tục được bầu là Bí thư Đảng ủy Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2020-2025.

Minh Nguyệt (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chinh-tri/xay-dung-nganh-tai-nguyen-va-moi-truong-hien-dai-va-hoi-nhap-20200811193817430.htm