Xây dựng nền tảng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vững chắc

Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) TPHCM giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu nâng cao năng lực ĐMST cho 3.000 doanh nghiệp và phát triển 1.000 dự án khởi nghiệp đến năm 2025, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của khởi nghiệp ĐMST và thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển tốt hơn.

Các hoạt động triển lãm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được TPHCM tổ chức thường xuyên

Các hoạt động triển lãm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được TPHCM tổ chức thường xuyên

TPHCM đã sớm ban hành nhiều chính sách đột phá nhằm hình thành hệ sinh thái ĐMST và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST. Giai đoạn 2016-2020, thành phố đã tạo ra 34 cơ sở ươm tạo, 10 không gian làm việc (khoảng 33.000m2) và các không gian ĐMST. TPHCM đã kết nối với 160 cố vấn khởi nghiệp, hơn 200 chuyên gia hướng dẫn, từ đó nâng cao kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn cho hơn 3.000 cá nhân, nhóm khởi nghiệp ĐMST…

Để tiếp tục thúc đẩy khởi nghiệp, UBND TPHCM đã ký phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST TPHCM giai đoạn 2021-2025. Đề án đặt mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp vào GRDP đến năm 2025 đạt từ 45%-50%; đồng thời, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình DN có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Đề án tập trung vào 2 nhóm đối tượng: Doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup). Sở KH-CN TPHCM sẽ tái cấu trúc các chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đẩy mạnh hoạt động sàn giao dịch công nghệ hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ĐMST, đồng thời phát triển hệ thống thu thập và cung cấp thông tin khoa học và công nghệ phục vụ nghiên cứu phát triển và ĐMST.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, ở giai đoạn đầu của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (phát triển ý tưởng thành sản phẩm, hoàn thiện sản phẩm, ươm tạo, thử nghiệm sản phẩm với thị trường…) gần như không có nguồn lực tư nhân nào tham gia, đây cũng là giai đoạn thất bại nhiều nhất của các doanh nghiệp này, do đó Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ chính thông qua các tổ chức hỗ trợ và ươm tạo. Đề án được triển khai nhằm xây dựng nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động ĐMST, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển sản phẩm chủ lực của thành phố.

Hiện Sở KH-CN đang chủ trì thực hiện một số dự án như: Hình thành mạng lưới trung tâm khởi nghiệp ĐMST; Xây dựng các mô hình tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST theo tiêu chuẩn quốc tế; đẩy mạnh hoạt động sàn giao dịch công nghệ hỗ trợ chuyên giao công nghệ và ĐMST; tái cấu trúc các chương trình nghiên cứu KH-CN.

Song song đó, TPHCM cũng tăng cường hợp tác quốc tế thông qua mô hình hợp tác với Israel, giúp cải tiến công nghệ, phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực doanh nghiệp. Công viên phần mềm Quang Trung phối hợp với các đối tác hỗ trợ các startup Việt tăng tốc khởi nghiệp tại Hoa Kỳ và nhiều chương trình khác… nhằm tạo nguồn lực mới, kết nối với cộng đồng thúc đẩy ĐMST ở TPHCM phát triển.

Các hoạt động hỗ trợ của TPHCM nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST thời gian qua đã tạo được niềm tin, thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng khởi nghiệp ĐMST, từ đó đã có những đóng góp quan trọng cho hoạt động ĐMST của quốc gia, góp phần cải thiện chỉ số ĐMST toàn cầu của Việt Nam tăng 17 bậc so với năm 2016.

Báo cáo xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm 2020 của StartupBlink cho thấy ở khu vực Đông Nam Á, cả Indonesia và Thái Lan giảm lần lượt 13 và 17 hạng, xuống vị trí thứ 54 và 50. Trong khi đó, Việt Nam tăng 13 bậc lên vị trí thứ 59. Nếu tính theo từng thành phố, thủ đô Hà Nội vào tốp 200 trung tâm khởi nghiệp trên toàn cầu sau khi nhảy 33 bậc, lên hạng 196 (tổng 1,261 điểm), TPHCM đứng thứ 225 (tổng 0,995 điểm).

BÁ TÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xay-dung-nen-tang-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-vung-chac-728548.html