Xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam thông minh và thích ứng với biến đổi khí hậu

Sáng 10-11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị toàn quốc Sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự và phát biểu chỉ đạo.

Rau quả và trái cây là mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh về xuất khẩu, dự kiến có thể đạt kim ngạch xuất khẩu năm 2018 trên 4 tỷ USD.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, về mục tiêu kinh tế, tổng quan chung cả giai đoạn 5 năm, nông nghiệp đạt được tăng trưởng 2,55%/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 157 tỷ USD, bình quân đạt 31,5 tỷ USD/năm, tăng 51,2% so với bình quân của 5 năm trước; năng suất lao động đạt 35,5 triệu đồng/lao động, tăng gần 10 triệu đồng/lao động so với năm 2012, tăng trung bình 6,67%/năm, đạt gấp đôi so với mục tiêu đề ra trong đề án. Về mục tiêu xã hội, cùng với đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, an ninh dinh dưỡng, cơ cấu lại nông nghiệp đã giúp tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn từ 75,8 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 130 triệu đồng năm 2017 (gấp 1,71 lần so với năm 2012 và 3,5 lần so với năm 2008), qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo nông thôn bình quân 1,5%/năm. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới đến hết năm 2017 đạt 34,4%, dự kiến cuối năm 2018 sẽ đạt 40% và năm 2020 sẽ đạt mục tiêu 50% số xã đạt chuẩn. Về mục tiêu môi trường, đến hết năm 2017 tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45% (mục tiêu đến năm 2020 đạt 42%).

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định: 5 năm qua, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đem lại kết quả rất quan trọng. Thứ nhất là sự chuyển biến về nhận thức của cả hệ thống chính trị từ nông dân đến các cấp chính quyền. Kết quả, sản xuất nông nghiệp được chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế từng vùng, miền và mỗi địa phương. Khoa học công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ có đóng góp làm tăng thêm sản phẩm 30%. Nhiều mục tiêu của đề án với 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội, môi trường đã thu được kết quả tốt; tăng trưởng nông nghiệp đạt 2,55%, nhiều sản phẩm có thứ hạng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế vào được các thị trường khó tính: Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc. Dự báo năm 2018, Việt Nam sẽ đạt kim ngạch xuất nông lâm thủy sản đạt 40 tỷ USD, góp phần tăng thu nhập cho người dân, xóa đói, giảm nghèo...

Quang cảnh hội nghị.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế như: Chất lượng tái cơ cấu ở một số nơi còn chưa được tốt, sản xuất manh mún, theo phong trào, năng suất, chất lượng một số sản phẩm nông sản vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, giá trị gia tăng thấp. Vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc sản xuất, chế biến, liên kết, định hướng thị trường vẫn chưa tốt; khả năng tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp còn khó khăn; ứng dụng công nghệ cao chưa tạo ra bước đột phá... “Nông nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển do Việt Nam đã ký các Hiệp định thương mại tự do với các nước. Vì vậy, chúng ta cần xác định xây dựng một nền nông nghiệp Việt Nam thông minh, hiện đại, tăng tính cạnh tranh quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao đời sống của nông dân. Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền các địa phương... phải tiếp tục vào cuộc để xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho tái cơ cấu ngành nông được tốt”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/xay-dung-nen-nong-nghiep-viet-nam-thong-minh-va-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-554128