Xây dựng nền kinh tế biển xanh

Việt Nam sẽ trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn để từ đó tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế, khu vực về biển và đại dương

Để khai thác hiệu quả các cơ hội mà biển đem lại, đồng thời giảm thiểu thách thức và nguy cơ đối với tài nguyên và môi trường biển, Việt Nam cần chủ động xây dựng một nền kinh tế biển xanh. Đây là nhận định của nhiều đại biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt Nghị quyết 36) do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tổ chức tại Bạc Liêu ngày 31-5. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động Vì môi trường hưởng ứng ngày Đại dương thế giới và ngày Môi trường thế giới năm 2019.

Tuyên ngôn về biển, đại dương

Trong bối cảnh hiện nay, biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển về kinh tế cũng như vấn đề an ninh quốc gia. Thế kỷ XXI được xem là "Thế kỷ của đại dương". Là quốc gia nằm ven biển Đông với bờ biển dài 3.260 km từ Bắc xuống Nam, hơn 3.000 hòn đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng hơn 1 triệu km2 cùng 28 tỉnh, TP ven biển, Việt Nam có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Quý Kiên nhận định: "Trong những năm qua, kinh tế biển của Việt Nam đã có những thành tựu đáng kể, song vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ, thách thức. Việc phát triển kinh tế biển ở một số nơi, một số khu vực đã gây ra ô nhiễm môi trường khu vực ven bờ, các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm. Một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực còn nhiều hạn chế...".

Đến năm 2030, kinh tế của 28 tỉnh, thành ven biển chiếm từ 65%-70% GDP cả nước Ảnh: Ngọc Trinh

Đến năm 2030, kinh tế của 28 tỉnh, thành ven biển chiếm từ 65%-70% GDP cả nước Ảnh: Ngọc Trinh

Vừa qua, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36/NQ-TW. TS Tạ Đình Thi, Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, khẳng định Nghị quyết 36/NQ-TW năm 2018 là "tuyên ngôn" về biển, đại dương.

Thu gom 100% chất thải nguy hại

Theo quan điểm của Nghị quyết 36, phải phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngăn chặn ô nhiễm, sự cố môi trường... Đến năm 2030, kinh tế của 28 tỉnh, thành ven biển chiếm từ 65%-70% GDP cả nước, các ngành kinh tế biển phát triển bền vững đạt chuẩn mực quốc tế, thu nhập bình quân đầu người của các địa phương ven biển gấp 1,2 lần thu nhập bình quân cả nước. "Theo Nghị quyết 36, phải thu gom được 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt và xử lý đạt quy chuẩn môi trường. Khu kinh tế, KCN và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu đạt 100%..." - ông Tạ Đình Thi cho biết.

Đến năm 2045, Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn để từ đó tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế, khu vực về biển và đại dương.

Theo ông Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu, kể từ khi Nghị quyết 36 được ban hành, Bạc Liêu đã cụ thể hóa mục tiêu phát triển kinh tế biển một cách mạnh mẽ và đã ban hành nghị quyết cùng kế hoạch, trong đó có nhiều nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện. Tỉnh Bạc Liêu có bờ biển dài 56 km, vùng biển rộng 40.000 km2, trữ lượng hải sản lớn, phong phú về chủng loại. Trữ lượng cá lên đến 800.000 tấn, có thể đánh bắt 10.000 tấn/năm, toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 tàu cá các loại, đây là một lợi thế rất lớn để Bạc Liêu trở thành địa phương có tiềm năng phát triển kinh biển.

Ông Chiến nhấn mạnh: "Để đáp ứng được các nhu cầu phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển đảo, tỉnh sẽ gắn kết kinh tế biển với các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ logistics. Đồng thời, chú trọng đầu tư nâng cấp và hoàn thiện cơ sở dịch vụ hậu cần khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản, đưa kinh tế biển thành trụ cột thứ 5 trong tăng trưởng kinh tế".

Trồng rừng ngập mặn

Cùng ngày, Bộ TN-MT phối hợp UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ phát động ra quân "Trồng rừng ngập mặn chống sạt lở ven biển, xâm nhập mặn hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường". Các đại biểu đã trồng 2.000 cây mắm xuống bãi bồi ngoài đê biển thuộc địa bàn phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu. Việc phát động trồng rừng ven biển nhằm lan tỏa phong trào tái sinh rừng để ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm sinh kế cho người dân vùng ven biển. Đồng thời, điều này góp phần chuyển tải thông điệp "Hãy giữ gìn rừng ngập mặn như một sự giữ gìn môi trường bền vững nhất" đến cộng đồng.

Ca Linh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/xay-dung-nen-kinh-te-bien-xanh-2019053120260887.htm