Xây dựng nền giáo dục thông minh

Đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, giáo dục phổ thông TP Hồ Chí Minh đã và đang không ngừng đổi mới, hướng đến xây dựng nền giáo dục thông minh (GDTM). Đây là điều kiện rất quan trọng trong công tác đào tạo để đưa thành phố hội nhập và vươn tầm thế giới.

Trong những năm học qua, Trường tiểu học Triệu Thị Trinh, quận 10 đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý giáo dục, cũng như công tác giảng dạy tại trường. Hiện, trường đã xây dựng mạng lưới công nghệ hóa toàn bộ công tác quản lý giáo viên, nhân viên và học sinh bằng các phần mềm CNTT. Ngoài ra, trường đầu tư các trang thiết bị hiện đại, như hệ thống máy tính, bảng tương tác, máy chiếu, phần mềm kiểm soát bạn đọc mượn sách trong thư viện, hệ thống ca-mê-ra… Đây là cơ sở quan trọng để tất cả giáo viên tiếp cận nhanh với những phương pháp, kỹ thuật dạy học mới, sử dụng thành thạo các phần mềm dạy học ứng dụng CNTT. Cùng với đó, trường còn tổ chức những chuyên đề chuyên môn, bồi dưỡng các phương pháp dạy học cho học sinh, đáp ứng yêu cầu của giáo dục hiện đại. Trong đó, phải kể đến các chuyên đề ứng dụng CNTT trong bài giảng tiếng Anh, Toán, Khoa học, dạy học theo định hướng STEM…

Hiệu trưởng Trường tiểu học Triệu Thị Trinh Đỗ Thị Mỹ Hòa cho biết: “Trường học thông minh (THTM) cần xây dựng chương trình giảng dạy thể hiện tính tổ hợp cao, linh hoạt và có tính mở để tạo ra môi trường tương tác thông minh cho người học. Bảo đảm nội dung chương trình có thể đáp ứng yêu cầu cung cấp kiến thức nền tảng, phát triển năng lực người học, đồng thời phải góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội hiện đại với bối cảnh ứng dụng sâu rộng CNTT hiện đại. Chương trình phải được xây dựng theo hướng làm tăng hứng thú học tập, tăng khả năng học tập cho người học, tăng tính hiệu quả của chương trình để tạo ra môi trường học tích cực, giúp người học được tham gia các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp nhu cầu và năng lực cá nhân”. Từ thực tiễn của trường trong việc áp dụng mô hình THTM, bà Đỗ Thị Mỹ Hòa cũng cho biết, một trong những yếu tố quyết định thành công của THTM đó là yếu tố nguồn nhân lực, vì thế phải xây dựng một đội ngũ giáo viên thông minh đáp ứng nhu cầu đổi mới phương pháp dạy học trong lớp học thông minh. Giáo viên phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đúng chuyên ngành, có năng lực sư phạm vững vàng, năng lực ứng dụng công nghệ cao để sử dụng, phối hợp các thiết bị thông minh trong giảng dạy và hỗ trợ học sinh học tập.

Thành phố hiện có 54 trường đại học, 52 trường cao đẳng, 64 trường trung cấp, 82 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 346 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống giáo dục của thành phố có quy mô 2.283 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên với hơn hai triệu học sinh, sinh viên và hơn 100 nghìn giáo viên, giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Đây là nguồn lực rất lớn để thành phố phát huy sức mạnh, trí tuệ và nguồn lực xã hội để xây dựng nền GDTM. TS Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho rằng: “Để đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố và cả nước, giáo dục phổ thông phải không ngừng đổi mới, phát triển mạnh mẽ, hội nhập với nền giáo dục tiên tiến của thế giới. Hiện, thành phố đang triển khai đề án “Xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh”. Trong đó, giáo dục phải đi trước, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực đạt trình độ cao tạo nguồn lực để xây dựng thành phố văn minh, hiện đại”. Theo TS Lê Hồng Sơn, thực tế, giáo dục phổ thông của thành phố đã sớm nhận thức, tập trung đầu tư một cách toàn diện để xây dựng và phát triển GDTM. Cụ thể, xây dựng hạ tầng cơ sở hiện đại, đáp ứng hiệu quả các hoạt động dạy và học; xây dựng nguồn nhân lực cho GDTM với khả năng thích ứng, biến đổi phù hợp xu hướng đổi mới trong giáo dục của thế giới; ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, điều hành nhà trường, trong dạy và học; tạo môi trường giáo dục thuận lợi trong chia sẻ và kết nối. Tuy nhiên, việc triển khai các ứng dụng CNTT trong giáo dục thời gian qua thiếu đồng bộ; kết nối cơ sở dữ liệu, khai thác sử dụng trang thiết bị, hạ tầng CNTT, viễn thông chưa thật sự hiệu quả; trình độ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa đồng đều, thiếu các giải pháp phần mềm, cơ sở dữ liệu đồng bộ để từng cơ sở giáo dục kết nối phát triển GDTM.

Theo các chuyên gia, quá trình hội nhập và toàn cầu hóa đòi hỏi hệ thống giáo dục cần cung cấp cho người học những kỹ năng mới, đáp ứng được những yêu cầu của nền kinh tế đang thay đổi nhanh chóng. Yêu cầu đặt ra là phải nắm bắt những chuyển đổi trên, đồng thời ứng dụng in-tơ-nét vạn vật (IoT) vào giảng dạy và nghiên cứu, làm nền tảng cho việc cung cấp nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của xã hội trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thành phố cần những chính sách, chiến lược, chương trình cụ thể để chuyển đổi quốc tế hóa giáo dục, hướng đến cung cấp nguồn nhân lực phù hợp cho thành phố phát triển.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm khẳng định: “Thời gian qua, ngành giáo dục thành phố có rất nhiều giải pháp ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý. Những thành tựu đạt được cho thấy việc áp dụng CNTT trong giáo dục là phù hợp, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện. Thành phố đang tập trung triển khai các bước đi để tiến tới xây dựng đô thị thông minh với nòng cốt là những con người thông minh, sử dụng các tiện ích, thành tựu khoa học - công nghệ để tạo môi trường học tập có hiệu quả cho học sinh. Chính vì vậy, định hướng trong xây dựng GDTM với những giải pháp và bước đi cụ thể là nhiệm vụ quan trọng của thành phố. Điều này đặt ra cho ngành giáo dục thành phố một nhiệm vụ hết sức quan trọng là xây dựng hạ tầng, chuẩn bị đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi từ mô hình dạy học truyền thống chuyển sang thực hiện mô hình GDTM”.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/42676802-xay-dung-nen-giao-duc-thong-minh.html