Xây dựng một giai cấp nông dân Hà Nội mang bản sắc riêng, thể hiện tầm vóc Thủ đô

Sáng 29/11, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì Hội nghị Đối thoại với nông dân Thủ đô năm 2024 với chủ đề 'Phát huy tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, hỗ trợ nông dân liên kết hợp tác, ứng dụng chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn bền vững'.

Kiến nghị điều chỉnh mức hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh

Về những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và khôi phục thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, tại Hội nghị đối thoại với nông dân Thủ đô 2024, một số ý kiến hội viên nông dân cho rằng còn thấp và đề nghị cần nâng mức hỗ trợ thêm.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Thanh cho biết, hiện nay, Thành phố có Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND ngày 11/4/2019 về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, kinh phí hỗ trợ chưa tương xứng với giá trị thiệt hại. Điều này chưa thu hút được người dân tái đầu tư khôi phục sản xuất sau thiệt hại. Đặc biệt, sau ảnh hưởng của Bão số 3 vừa qua, mức độ thiệt hại đối với ngành nông nghiệp và nông dân là rất lớn. Tuy nhiên, do chính sách hỗ trợ thấp, nên có thực trạng nhiều nông dân không kê khai thiệt hại để xin hỗ trợ.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì hội nghị Đối thoại với nông dân Thủ đô năm 2024.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì hội nghị Đối thoại với nông dân Thủ đô năm 2024.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTTN Hà Nội Nguyễn Xuân Đại đồng tình và cho rằng, đúng là hiện nay nhiều chính sách hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu do vướng các quy định của Trung ương.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết thêm, hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, trong đó các mức hỗ trợ đối với thiệt hại về cây trồng, vật nuôi, thủy sản đều tăng so với quy định cũ. Dự thảo Nghị định sửa đổi đang trong thời gian Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ ban hành. Sau khi Nghị định sửa đổi được ban hành, Luật Thủ đô có hiệu lực, UBND TP. Hà Nội sẽ ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể với mức hỗ trợ cao hơn mức của Trung ương để áp dụng trên địa bàn thành phố.

Về câu hỏi liên quan đến luật đất đai, cho phép xây dựng các công trình trên đất nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Đại cho rằng sau khi Luật đất đai ban hành đã cho phép xây dựng các công trình trên đất tuy nhiên có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước. Trên cơ sở Luật Thủ đô, hiện thành phố đang giao Sở NN&PTNT xin ý kiến các sở, ngành trình UBND thành phố xem xét đầu năm 2025 để tháo gỡ, khai thác hiệu quả vùng đất bãi, xây dựng các công trình trên đất với những quy định rất cụ thể…

Đối với việc hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp, khắc phục hậu quả Bão số 3 và mưa lũ sau bão trên địa bàn, UBND TP. Hà Nội đã có nhiều giải pháp hỗ trợ kịp thời cho các địa phương để phục hồi sản xuất như: Cấp hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho các quận, huyện, thị xã, đơn vị thành phố tổng số tiền 220,87 tỷ đồng tại 05 quyết định.

Ngoài ra, để thúc đẩy phục hồi sản xuất, thành phố đã cấp bổ sung kinh phí cho các Quỹ: Quỹ Khuyến nông thành phố, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách TP. Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ nông dân, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã để người dân có thể tiếp cận vay vốn tại các Quỹ này khi có nhu cầu vay vốn để nhanh chóng phục hồi sản xuất sau mưa bão, thiên tai.

Định hướng năm 2030 nông nghiệp Hà Nội phải là nông nghiệp sạch

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần sỹ Thanh khẳng định, đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giai cấp nông dân cần thích ứng với thời đại, không nằm ngoài xu thế này. Theo ông, cần xây dựng một giai cấp nông dân Hà Nội mang bản sắc riêng, thể hiện tầm vóc Thủ đô. Trước yêu cầu mới, đòi hỏi phải xây dựng nông dân Thủ đô khác biệt về tư duy và nhận thức.

“Xưa chúng ta vẫn có suy nghĩ là nông dân nghĩ nhỏ, làm việc nhỏ, nay nông dân phải nghĩ lớn và làm lớn. Nông dân Hà Nội sản xuất không chỉ để phục vụ thị trường khoảng 10 triệu dân của Thủ đô mà còn hướng tới thị trường toàn cầu” - ông Trần Sỹ Thanh đề nghị.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị.

Lãnh đạo TP. Hà Nội cũng cho biết, định hướng của thành phố đến năm 2030 nông nghiệp Hà Nội phải là nông nghiệp sạch, từ đất, nước đến không khí, và làm sạch môi trường, đặc biệt là các con sông. Hà Nội phải tạo ra sự khác biệt cho thương liệu nông sản và làng nghề Hà Nội. Nông dân phải biết “thổi hồn” vào sản phẩm, phải có câu chuyện cho sản phẩm nông sản và làng nghề. Các sản phẩm phải có chứng nhận và phải xây dựng được thương hiệu “made in Ha Noi”.

Nông dân cần thực hiện sản xuất sạch, không còn tình trạng "rau hai luống, lợn hai chuồng," mà phải "rau một luống, lợn một chuồng," đồng thời giảm thiểu phát thải môi trường, từ đó xây dựng thương hiệu nông nghiệp và làng nghề đặc trưng của Hà Nội. “Nông dân Hà Nội có làm được không? Dứt khoát việc đó phải làm được”- Chủ tịch UBND thành phố bày tỏ tin tưởng.

Chủ tịch Trần Sỹ Thanh khẳng định, thành phố sẽ có kế hoạch, chiến lược và tầm nhìn cụ thể tạo động lực cho phát triển nông nghiệp nông dân và nông thôn. Trong đó, phải làm tốt công tác quy hoạch và sẽ hỗ trợ nông dân trong vùng quy hoạch không để cung vượt cầu. Các cấp Hội nông dân cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc để hỗ trợ nông dân. "Những việc này rất khó, với nhiều thách thức phải vượt qua. Tuy nhiên, không vì khó mà đùn đẩy trách nhiệm, thay vào đó cần có hành động cụ thể" - Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh./.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội hứa sẽ đáp ứng tối đa nguyện vọng hợp lý, hợp tình để hỗ trợ nông dân; tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ nông dân và các cấp hội vươn lên. Nhà nước sẽ đóng vai trò hỗ trợ hiệu quả như "bà đỡ," nhưng sự chủ động và trách nhiệm nằm ở chính người nông dân. Do đó, mỗi nông dân, mỗi làng nghề cũng cần có sự thay đổi để đáp ứng nhu cầu thời kỳ mới. Mỗi nông dân cần suy nghĩ mình là nông dân Thủ đô, phải tạo ra sự khác biệt từ cách nghĩ đến cách làm và những kết quả cụ thể.

Khánh Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xay-dung-mot-giai-cap-nong-dan-ha-noi-mang-ban-sac-rieng-the-hien-tam-voc-thu-do-165187.html