Xây dựng môi trường văn hóa văn minh

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh là một trong 5 nhóm giải pháp quan trọng để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Ra cỗ họ là phong tục đẹp của người dân làng đảo Hà Nam (TX Quảng Yên) vào dịp cuối năm. Ảnh: Dương Phượng Đại (CTV)

Những năm qua, công tác xây dựng môi trường văn hóa bước đầu đã đạt được kết quả. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được triển khai tích cực, nhiều mô hình làng văn hóa, gia đình văn hóa tiêu biểu được xây dựng, văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, hủ tục, tạo lập nền nếp sinh hoạt văn hóa trong cuộc sống cộng đồng.

Từ năm 2010 đến nay, phần lớn các lễ cưới đều được thực hiện theo đúng quy định. 75% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức về hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình. Tình trạng tảo hôn đã hạn chế, có 98% gia đình có người kết hôn đúng độ tuổi. Các địa phương đã đưa việc cưới vào điều khoản quy ước, hương ước của thôn, bản, khu phố. Nhiều đám cưới đã được đơn giản hóa, tiết kiệm, văn minh. Nhiều xã, phường đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình mượn nhà văn hóa thôn, khu để làm đám cưới. Nhiều đám cưới đã thay đổi giờ tổ chức tiệc cưới từ trưa sang chiều để tránh ảnh hưởng đến giờ làm việc.

Về việc tang, hầu hết được tổ chức chu đáo, phù hợp với phong tục, tập quán. Mỗi đám tang đều có sự vào cuộc của đội ngũ cán bộ thôn, bản, khu phố với quy trình gọn nhẹ. Một số cán bộ, đảng viên đã gương mẫu, đi hiếu không mang vòng hoa mà sử dụng vòng hoa luân chuyển. Theo báo cáo kết quả khảo sát việc cưới, việc tang, lễ hội, thờ tự, tín ngưỡng tại 14 Đảng bộ huyện, thị xã, thành phố và 31 sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện cuối năm 2017, có 80,2% ý kiến đồng thuận cho rằng cần có mô hình tổ chức việc tang theo nếp sống văn minh.

Lực lượng chức năng, du khách và người dân xã Minh Châu (huyện Vân Đồn) dọn rác, làm sạch bãi tắm.

Đối với công tác tổ chức lễ hội, những năm gần đây, các lễ hội diễn ra sinh động. Nhiều lễ hội dân gian được phục dựng. Các hoạt động văn hóa, thể thao đã tạo được không khí tưng bừng, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân và du khách. Các di tích có đội ngũ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường có sự phối hợp “cộng quản” của các cơ quan liên quan các cấp. Việc bài trí trong các cơ sở thờ tự được thực hiện nghiêm túc, 89,1% cơ sở thờ tự thực hiện đúng quy định về bài trí theo tín ngưỡng, có sơ đồ, chỉ dẫn. 100% cơ sở thờ tự đều bố trí khu chứa rác thải, hóa sớ, vàng mã, nhà vệ sinh. 95,5% cơ sở thờ tự, tín ngưỡng không có các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc. Tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho xây mới một số cơ sở thờ tự, nhất là ở khu vực biên giới, hải đảo, đáp ứng tốt nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần thu hút lượng du khách thập phương, tạo xu hướng phát triển du lịch văn hóa tâm linh.

TX Đông Triều là một trong những địa phương làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, các lễ hội, khai thác phát triển du lịch tâm linh. Ông Vũ Văn Tuấn, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích nhà Trần TX Đông Triều, cho biết: Trong năm, chúng tôi đã tham mưu cho địa phương lập kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất cho lễ hội Ngọa Vân, lễ hội đền An Sinh, lễ hội chùa quán Ngọc Thanh và hướng dẫn các xã tổ chức hoạt động đón xuân, đón tiếp khách đến các di tích nhà Trần đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Chúng tôi cũng tham mưu cho UBND thị xã công tác bảo tồn, trùng tu di tích, tổ chức các hội thảo, báo cáo khoa học, khai quật khảo cổ, quảng bá xúc tiến du lịch liên quan đến di tích nhà Trần. Nhờ đó lượng khách đến với khu di tích trong năm 2018 đạt trên 75.000 lượt, tăng hơn 34% so với năm 2017.

Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (TP Cẩm Phả) tặng hoa tri ân thầy, cô giáo.

Tuy nhiên, môi trường văn hóa ở Quảng Ninh vẫn còn những tồn tại. Mặt trái nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế đã hình thành những tụ điểm ăn chơi, nảy sinh các tệ nạn xã hội. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển chưa đều, kết quả chưa thực sự vững chắc, chưa có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, một số nội dung còn mang tính hình thức. Chất lượng các danh hiệu gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa chưa đồng đều. Một số gia đình tổ chức tiệc cưới, tang lễ rườm rà, lãng phí; có nhà tang lễ nhưng lại tổ chức đám tang ngay ở khu dân cư, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm ảnh hưởng đến giao thông. Một số lễ hội còn chưa có kịch bản, chưa thể hiện được bản sắc văn hóa, ít diễn xướng, trò chơi dân gian, thể thao dân tộc.

Để khắc phục được một số hạn chế nêu trên, cần xây dựng văn hóa trong gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách; nhân rộng mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, ông bà, cha mẹ mẫu mực, vợ chồng hòa thuận, anh em đoàn kết, con cháu hiếu thảo; xây dựng trường học là trung tâm giáo dục văn hóa, thầy, cô giáo thực sự là tấm gương mẫu mực về đạo đức, về lối sống để học sinh noi theo. Xây dựng văn hóa cộng đồng phải bắt đầu từ việc xây dựng tình làng nghĩa xóm; hoàn thiện các hương ước, quy ước tạo dựng môi trường văn hóa. Các địa phương cần xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để kích động, xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc; nâng cấp, cải tạo và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa; tạo dựng một môi trường giao tiếp văn hóa, văn minh; quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201812/xay-dung-moi-truong-van-hoa-van-minh-2411971/