Xây dựng môi trường sống thân thiện

Trên chặng đường gần 25 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, huyện Hòa Vang rất coi trọng xây dựng bản sắc văn hóa vùng miền, môi trường sống thân thiện, an toàn... Thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Trung ương MTTQ Việt Nam phát động từ năm 2016, tinh thần đoàn kết, chủ động, tự quản, sáng tạo của người dân càng được khơi dậy mạnh mẽ; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Dân làng các thôn ở xã Hòa Nhơn đoàn kết tham gia trò chơi dân gian tại lễ hội đình làng.

Dân làng các thôn ở xã Hòa Nhơn đoàn kết tham gia trò chơi dân gian tại lễ hội đình làng.

Phó Chủ tịch UBMTTQ huyện Hòa Vang Lê Duy Cửu cho biết, 5 năm qua, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã thấm sâu vào đời sống và đem lại hiệu quả thiết thực cho mỗi gia đình, xã hội; phát huy được nội lực của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện kinh tế, cải thiện đời sống, vật chất và tinh thần; giúp nhau phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo… Cuộc vận động đã khơi dậy tình cảm, đạo đức của mỗi con người nên được mọi người, mọi nhà tích cực hưởng ứng.

Kết quả này có được nhờ nhiều yếu tố: Vai trò gương mẫu, đi đầu, “cầm tay chỉ việc” của cán bộ, đảng viên ở cơ sở; công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng phong trào liên tục được đẩy mạnh, cụ thể hóa theo sát yêu cầu, điều kiện của mỗi khu vực dân cư. Cùng với đó, việc xây dựng gương “Người tốt, việc tốt” và các điển hình tiên tiến trong các phong trào gia đình văn hóa, thôn văn hóa đã góp phần tích cực tạo nên những tấm gương sáng cổ vũ mọi người cùng tham gia thực hiện, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nhiều biểu hiện tiêu cực và được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, xã hội đồng thuận. Theo đó, nhiều mô hình văn hóa đặc trưng của thôn, làng được nhân rộng và từng bước củng cố, hoàn thiện...

Như việc, để hưởng ứng xây dựng vùng nông thôn xanh với các tiêu chí thân thiện môi trường, sau khi đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn nâng cao vào cuối năm 2019; 11 xã trên địa bàn huyện Hòa Vang tiếp tục đề ra nhiều giải pháp như tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải để xây dựng vùng nông thôn thân thiện môi trường với các phong trào thiết thực như: xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, “30 phút mỗi sáng Chủ nhật vệ sinh đường làng, ngõ xóm”, “Thôn không rác”…

Người dân thôn La Châu (xã Hòa Khương) vệ sinh đường làng, góp phần xây dựng vùng nông thôn xanh.

Còn ở xã Hòa Nhơn, từ năm 2018, chính quyền địa phương đã nỗ lực hợp nhất dân làng 14 thôn cùng tổ chức chung một lễ hội các đình làng với nội dung “Về với cội nguồn” vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương (mồng 10-3 âm lịch) hằng năm để tiết kiệm chi phí cho mỗi thôn và tránh thời gian tổ chức dàn trải trên cơ sở đồng thuận của cộng đồng. Thuận lợi nhất trong bảo tồn lễ hội hiện nay là ý thức của người dân đang dần được nâng cao, người dân có khả năng tái tạo lễ hội và thực hành các nghi lễ cổ truyền. Riêng phần hội ưu tiên khôi phục các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống mang tính đặc trưng. Thực tế cho thấy, khi lớp trẻ đi lễ hội thì bên cạnh sự sôi nổi tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao họ còn có nhu cầu tìm hiểu những tư liệu, những câu chuyện lịch sử về chính ngôi đình, miếu cổ ở làng mình.

Có thể thấy, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở huyện Hòa Vang đã phát triển sâu rộng, dần hình thành đời sống văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư. Theo già làng Cơ Tu Đinh Văn Trí - Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Phú Túc (xã Hòa Phú), đây là cuộc vận động lớn đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện hiệu quả Chương trình “Thành phố 4 an” đã được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo ra nhiều phong trào thi đua yêu nước thu được nhiều thắng lợi trong tiến trình xây dựng vùng nông thôn trở thành đô thị có bản sắc riêng. “Tuy nhiên, dù có đô thị hóa, công nghiệp hóa nông thôn, miền núi như thế nào đi chăng nữa thì vẫn phải giữ được những nét văn hóa xưa, không chỉ trong không gian, cảnh vật mà trong cả đạo đức, tình cảm của con người… tối lửa, tắt đèn có nhau”, già Trí chia sẻ thêm.

VY HẬU

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_241155_xay-dung-moi-truong-song-than-thien.aspx