Xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em!

Xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho phụ nữ và trẻ em, là một mục tiêu quan trọng, đầy tính nhân văn, cần sự vào cuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Riêng với Hội LHPN Việt Nam, mục tiêu nêu trên đã được cụ thể hóa qua chủ đề 'An toàn cho phụ nữ và trẻ em'. Xoay quanh vấn đề này, Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với bà Ngô Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh.

Bà Ngô Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa:

Hoạt động sân khấu hóa nhằm truyền thông phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, vì an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Người giữ lửa ...

PV: Xã hội ngày nay đang bước vào một “quỹ đạo vận động” mới và do đó, vai trò, vị thế của người phụ nữ cũng đã có sự thay đổi đáng kể, phải vậy không thưa bà?

Bà Ngô Thị Hồng Hảo: Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, phụ nữ đã đóng góp đáng kể vào việc bảo tồn, trao truyền, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Đặc biệt, với 8 chữ vàng Bác Hồ trao tặng “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, đây vừa là niềm vinh dự, tự hào, vừa cho thấy bản lĩnh và phẩm chất cao đẹp của phụ nữ Việt Nam qua trường kỳ lịch sử.

Trong xã hội ngày nay, phụ nữ Việt Nam không còn bị trói buộc với công việc nội trợ, mà đã biết nâng giá trị và năng lực bản thân. Chiếm tới 1/2 dân số và là lực lượng lao động quan trọng, phụ nữ tiếp tục khẳng định vai trò không thể thay thế trong hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng - an ninh. Đồng thời, với phẩm chất cốt lõi của người phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước là “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”, các chị không chỉ là người giữ lửa trong gia đình, mà nhiều chị đã trở thành nhà lãnh đạo tài năng, cán bộ có năng lực và chủ doanh nghiệp thành đạt. Những tấm gương phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” ấy đã góp phần khẳng định địa vị quan trọng của phụ nữ trong xã hội.

Cũng chính vì lẽ đó mà tạo cơ hội và phát huy tốt vai trò của phụ nữ, thậm chí còn mang ý nghĩa quyết định đến nhiều mục tiêu tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, xóa đói, giảm nghèo... Đồng thời, thế hệ phụ nữ trẻ ngày nay, nhiều em sống có khát vọng, có hoài bão và có ý chí vươn lên mạnh mẽ. Chính họ đang và sẽ là lực lượng kế tục xứng đáng truyền thống và phẩm chất đẹp của người phụ nữ Việt Nam, cũng như là nhân tố tích cực thúc đẩy sự phát triển quê hương, đất nước.

PV: Mặc dù diện mạo kinh tế - xã hội đã có nhiều bước tiến lớn, song không thể phủ nhận, môi trường sống lại đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Quan điểm của bà về vấn đề này?

Bà Ngô Thị Hồng Hảo: Môi trường sống còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn, quả thật là vấn đề rất đáng quan ngại, đặc biệt là với phụ nữ và trẻ em. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, mà còn tới nòi giống dân tộc. Đặc biệt, một vấn đề nghiêm trọng cần được lên án mạnh mẽ hơn là tình trạng xâm hại, bạo lực, bạo hành phụ nữ, trẻ em. Đau lòng hơn nữa là tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em ngày càng tinh vi, phức tạp, thậm chí là buôn bán trẻ em ngay từ trong bào thai. Rồi vấn đề sức khỏe sinh sản vị thành niên, mang thai ở tuổi vị thành niên, bạo lực học đường, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông... đang có chiều hướng gia tăng. Hậu quả từ rất nhiều sự vụ đáng tiếc ấy, không chỉ ảnh hưởng quá nặng nề đến thể xác và tinh thần của phụ nữ, trẻ em và gia đình họ; mà còn tác động tới tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội và sự phát triển bền vững.

PV: Để giảm thiểu những tác động tiêu cực có thể xảy ra, xin bà cho biết, phụ nữ và trẻ em gái đang được bảo vệ ra sao trước pháp luật?

Bà Ngô Thị Hồng Hảo: Chúng ta đã biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ký Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em và Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Hiện nay, vấn đề này đã và đang tiếp tục được thể chế hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật: Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em... Các đạo luật này đều quy định rõ các quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn, bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, thân thể và quyền được phát triển toàn diện của phụ nữ, trẻ em.

Bên cạnh đó, nhiều chương trình hành động có liên quan cũng đã được các cấp, các ngành, các địa phương tích cực triển khai. Trong đó có Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 – 2020, Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 (riêng với phụ nữ và trẻ em, Kế hoạch xác định là mục tiêu số 5 đó là “Đạt được bình đẳng giới; tăng cường và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái”)... Từ đó, góp phần bảo đảm quyền lợi cho người phụ nữ và trẻ em trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục, y tế và ngay chính trong gia đình.

Tạo điểm tựa vững chắc

PV: Được biết, để góp phần xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em, Hội LHPN Việt Nam đã chọn chủ đề hành động là “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Vậy, bà có thể chia sẻ thêm về mục đích, ý nghĩa của chủ đề này?

Bà Ngô Thị Hồng Hảo: Trước tình hình tệ nạn xã hội, bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em diễn biến phức tạp những năm gần đây, các cấp hội phụ nữ luôn trăn trở và ý thức rõ trách nhiệm của mình. Do đó, hội đã xác định, lấy sự an toàn của phụ nữ và trẻ em là một trong những mục tiêu hàng đầu để hành động. Từ năm 2019, Hội LHPN Việt Nam đã quyết định lựa chọn chủ đề hành động “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, với mong muốn xây dựng môi trường an toàn để phụ nữ và trẻ em được phát triển toàn diện. Đồng thời, huy động toàn xã hội chung tay hành động vì sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Với chủ đề này, các cấp hội sẽ tiếp cận ở nhiều khía cạnh, bao gồm an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình; an toàn cho phụ nữ và trẻ em nơi công cộng, trong trường học, nơi làm việc, ngoài xã hội; an toàn trong môi trường mạng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây cũng sẽ là chủ đề xuyên suốt, được triển khai thực hiện trong nhiều năm và bằng nhiều hoạt động thiết thực, có giá trị thực tiễn cao.

PV: Để tạo dựng được môi trường sống an toàn, lành mạnh cho phụ nữ và trẻ em, thiết nghĩ, trước hết phải làm thay đổi nhận thức của mọi cấp, ngành và toàn xã hội về vấn đề này, phải vậy không thưa bà?

Bà Ngô Thị Hồng Hảo: Đúng vậy. Thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh và sự chỉ đạo của Hội LHPN Việt Nam, từ năm 2019, Hội LHPN tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông cộng đồng, bám sát chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Đó là tổ chức Lễ hưởng ứng “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em” và ký cam kết thực hiện giữa các cụm thi đua trong tỉnh. Đồng thời, tổ chức các sự kiện truyền thông “Nói không với xâm hại trẻ em và bạo lực học đường”, “Truyền thông xây dựng gia đình hạnh phúc vì một tương lai tốt đẹp hơn”. Cùng với đó là tiến hành ký kết chương trình phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân tỉnh và Công an tỉnh, trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2019-2022.

Đến nay, hội LHPN các cấp đã tổ chức được 225 lớp tập huấn, 115 cuộc truyền thông nói không với xâm hại tình dục và bạo lực học đường. Qua đó, đã có trên 767.000 lượt hội viên phụ nữ được tiếp cận các kiến thức về phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường. Cùng với đó, hội đã biên soạn và phát hành 2.000 sổ tay tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục; 30.000 tờ cam kết và 10.000 tờ rơi tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống bạo lực học đường; 7.000 cuốn Thông tin phụ nữ Thanh Hóa số đặc biệt với chủ đề “Vì sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em”...

PV: Cùng với nhiều hoạt động truyền thông tích cực, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã, đang và sẽ triển khai những giải pháp nào, nhằm thực hiện hiệu quả chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, thưa bà?

Bà Ngô Thị Hồng Hảo: Có thể khẳng định rằng, bảo đảm sự an toàn cho phụ nữ, trẻ em là vì hạnh phúc của mỗi gia đình, cũng đồng thời là vì sự phát triển bền vững của đất nước. Chính vì lẽ đó, “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” sẽ là chủ đề xuyên suốt và được tiếp nối trong nhiều năm của Hội LHPN Việt Nam. Để triển khai hiệu quả chủ đề này, rất cần sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, bằng nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực.

Riêng đối với Hội LHPN tỉnh, đến nay hội đã xây dựng, nhân rộng được 173 mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại các địa phương. Điểm tích cực của mô hình này là đã huy động được sự tham gia của cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và ngăn ngừa bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, các cấp hội tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, khởi nghiệp, bảo vệ môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, hạn chế phụ nữ đi làm ăn xa và giúp chị em có điều kiện xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Trong thời gian tới, các cấp hội phụ nữ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, tích cực phát hiện, lên tiếng và tham gia giải quyết các vụ việc xâm hại, bạo lực phụ nữ, trẻ em; phối hợp với các ngành, các địa phương giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật, liên quan đến phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là Luật Lao động và Luật Trẻ em. Cùng với đó, chú trọng thành lập mới, duy trì và nhân rộng các mô hình bảo vệ phụ nữ, trẻ em có hiệu quả. Ngoài ra, các cấp hội sẽ chủ động, tích cực giới thiệu, quy hoạch, bổ nhiệm những phụ nữ đủ tiêu chuẩn vào các vị trí lãnh đạo, quản lý...

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Lê Dung (Thực hiện)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bao-hang-thang/xay-dung-moi-truong-song-an-toan-cho-phu-nu-va-tre-em/115544.htm