Xây dựng mô hình thư viện ở Trường Tiểu học Hưng Lộc 1

Nằm trong khuôn viên rộng rãi, thoáng mát với tổng diện tích 7.462m2, Trường Tiểu học Hưng Lộc 1 (Hậu Lộc) có cơ sở vật chất khang trang, cùng với trang thiết bị được đầu tư tương đối đầy đủ, đáp ứng yêu cầu các hoạt động giáo dục của nhà trường.

Phòng đọc thư viện Trường Tiểu học Hưng Lộc 1 (xã Hưng Lộc, Hậu Lộc) luôn thu hút các em học sinh đến đọc sách báo mỗi ngày.

Nhiều năm liền, nhà trường được công nhận danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, tập thể lao động tiên tiến. Năm học 2018-2019, nhà trường vinh dự đón nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 2, cơ quan đạt chuẩn văn hóa cấp tỉnh. Song song với công tác giảng dạy, nhà trường luôn chú trọng xây dựng mô hình thư viện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Được sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền địa phương, sự ủng hộ của các bậc phụ huynh, Trường Tiểu học Hưng Lộc 1 đã xây dựng mô hình thư viện ngày càng phát triển và hoạt động có hiệu quả. Năm học 2004-2005, thư viện nhà trường được công nhận là thư viện đạt chuẩn; năm học 2007-2008 đạt thư viện tiên tiến. Từ đó đến nay, thư viện ngày càng được mở rộng và phát triển, hoạt động thư viện ngày càng đi vào chiều sâu và đã trở thành địa chỉ quen thuộc của các thầy, cô giáo và các em học sinh. Đặc biệt năm học 2018-2019, nhà trường đã triển khai xây dựng nhiều mô hình thư viện do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc phát động như: mô hình “Thư viện thân thiện”, mô hình “Thư viện xanh”, “Tủ thư viện lớp học”.

Thư viện chính của Trường Tiểu học Hưng Lộc 1 được bố trí ở tầng 1 khu nhà 2 tầng phía Bắc, rất thuận tiện cho việc đọc và mượn sách báo của các em học sinh. Thư viện của nhà trường hội tụ đủ 3 yếu tố: Cơ sở vật chất, sách và hoạt động thư viện; trong đó sách và hoạt động thư viện luôn được đầu tư bổ sung, cập nhật và đa dạng. Nhà trường đã thành lập tổ cộng tác thư viện và đội học sinh tích cực ngay từ đầu năm học, nhằm giúp cán bộ thư viện tổ chức tốt các hoạt động thư viện. Ngay sau khi thành lập, cán bộ thư viện phân công rõ nhiệm vụ của từng người và các công việc mà đội học sinh tích cực có thể tham gia giúp cán bộ thư viện như: Xử lý tài liệu, hướng dẫn bạn đọc tìm sách, viết phiếu mượn về nhà, luân chuyển sách, gia cố sách, làm vệ sinh thư viện...

Về cơ sở vật chất, thư viện nhà trường bao gồm: 1 kho sách, 1 phòng đọc, tủ sách tại mỗi lớp; 1 phòng dành cho giáo viên, có đầy đủ bàn ghế, giá tủ chuyên dụng trong thư viện để sắp xếp sách, báo, tạp chí, bản đồ, tranh, ảnh, băng đĩa; 1 “Thư viện xanh” ngoài trời có mái che, các góc thư viện ngay tại khuôn viên trường. Tài liệu trong thư viện được đánh mã số, sắp xếp khoa học, hợp lý theo từng chủng loại, chủ đề, giúp các em dễ dàng tìm kiếm, tra cứu tài liệu, mượn trả sách của giáo viên, học sinh. Thư viện nhà trường có phòng thư viện điện tử, gồm 9 máy tính kết nối mạng internet, giúp giáo viên, học sinh truy cập internet nhằm tra cứu thông tin cần thiết. Kho sách của nhà trường hiện có 10.569 bản. Trong đó, sách giáo khoa có 6.644 bản; sách tham khảo 2.497 bản; sách nghiệp vụ 1.428 bản. Số lượng sách được bổ sung hàng năm nên rất phong phú về chủ đề, thể loại. Các đầu sách được sắp xếp gọn gàng, khoa học, được dán nhãn thư viện, dễ tìm, dễ thấy, dễ đọc.

Thư viện còn có đủ các loại bản đồ, tranh ảnh, giáo dục, băng đĩa giáo khoa do Nhà Xuất bản Giáo dục xuất bản phục vụ cho các môn học. Mỗi đầu sách, cuốn sách, đều có cách tra cứu mục lục riêng, tủ giới thiệu sách mới được cô giáo thư viện giới thiệu thường xuyên tới các em học sinh. Phòng đọc thư viện trường được thiết kế, trang trí theo mô hình thư viện trường học thân thiện. Các giá sách được phân theo mã màu, cách sắp xếp bố trí phù hợp, khoa học. Thư viện lớp học được bố trí gọn gàng, khoa học, sống động, thân thiện và vô cùng bắt mắt phù hợp với cấp bậc học sinh tiểu học. Đến đây, dù chỉ mới ngắm nhìn tranh vẽ trên tường, hay bìa sách, các em như thấy mình được lạc vào thế giới thần tiên, cổ tích, bị lôi cuốn vào các câu chuyện thú vị trong từng cuốn sách. Các em được hoạt động theo nhóm sở thích như: sách truyện về Bác Hồ, đọc truyện cổ tích, sách an toàn giao thông, giáo dục kỹ năng sống, sách khoa học, sách tham khảo... Tại đây, các em được cùng nhau thảo luận về những cuốn sách bổ ích, được học các tiết học thư viện học bổ ích mỗi tuần một lần dành riêng cho từng khối lớp. Bên cạnh đó là phòng đọc của giáo viên, một không gian thoáng mát, diện tích khoảng 40m2, với 24 chỗ ngồi. Đây là địa điểm để hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng các thầy, cô giáo đến đây tự học, tự nghiên cứu và tổ chức sinh hoạt chuyên môn, giới thiệu, thảo luận, trao đổi sách, tài liệu cùng đồng nghiệp.

Ngoài ra, để mở rộng không gian đọc sách, nhà trường còn xây dựng mô hình “Thư viện xanh” đặt dưới sân trường, nằm ngay trước khuôn viên phòng thư viện của trường, phục vụ học sinh các giờ ra chơi, đầu giờ hoặc cuối buổi học. Dưới bóng mát của cây xanh, được bố trí ghế đá thuận lợi cho bạn đọc nghiên cứu. Hoạt động này không chỉ khơi dậy niềm đam mê đọc sách của mọi người, mà còn tạo cho khuôn viên trường luôn xanh, sạch, đẹp. Nhà trường còn tổ chức các ngày hội đọc sách, tuyên truyền, giới thiệu sách nhân Ngày sách Việt Nam. Tổ chức trưng bày, giới thiệu sách, thi vẽ tranh theo chủ đề, vẽ tranh minh họa theo sách, thảo luận sách, quyên góp sách...

Tự hào về hiệu quả mô hình thư viện của nhà trường, cô Mai Thị Quy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Lộc 1 chia sẻ: Các hoạt động thư viện đã tạo ra một sân chơi bổ ích cho các em thiếu nhi trong trường, qua đó giúp cho các em có thói quen tìm hiểu, say mê đọc sách, củng cố kiến thức, làm giàu hiểu biết, từ đó giúp cho việc học tập của các em được tốt hơn. Những hình ảnh sinh động về một thư viện thân thiện chính là thành quả của quá trình lao động miệt mài, sáng tạo mà cô và trò Trường Tiểu học Hưng Lộc 1 đã dày công gây dựng.

Bà Chung Thị Đài, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc, cho biết: Từ mô hình thư viện trong trường học, mà điển hình là Trường Tiểu học Hưng Lộc 1 đã cho thấy hiệu quả rõ nét. Vì vậy, từ năm học 2020-2021, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các trường trên địa bàn nhân rộng mô hình này. Đây không chỉ là công cụ hữu hiệu, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn truyền cảm hứng, tình yêu đối với sách và nâng cao văn hóa đọc đối với thế hệ tương lai của đất nước.

Ngọc Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/xay-dung-mo-hinh-thu-vien-o-truong-tieu-hoc-hung-loc-1/127899.htm